Tôn vinh giá trị đẹp của lễ hội
Huyện Lệ Thủy vừa tổ chức thành công lễ hội đua, bơi thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang và các hoạt động kỷ niệm 79 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Các hoạt động trong khuôn khổ lễ hội đã huy động được nội lực và nguồn xã hội hóa từ các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài địa phương, qua đó, góp phần tạo nên một lễ hội đoàn kết trên tinh thần thể thao cao thượng. Tuy vậy, nhìn lại công tác tổ chức lễ hội vẫn còn nhiều việc phải làm để nâng cao hiệu lực quản lý và tổ chức lễ hội trong thời gian tới…
Sôi nổi các hoạt động
Lễ hội dịp 2/9 tại huyện Lệ Thủy được bắt đầu bằng sự kiện tổ chức giải bóng chuyền nam, nữ truyền thống. Giải đấu năm nay đã thu hút 9 đội bóng chuyền nữ tham gia, gồm: An Thủy, Cam Thủy, Dương Thủy, Hoa Thủy, Mai Thủy, Sơn Thủy, Trường Thủy, Xuân Thủy, Trường THPT Lệ Thủy và 10 đội bóng chuyền nam thuộc các xã, thị trấn: Kiến Giang, An Thủy, Hồng Thủy, Hưng Thủy, Phong Thủy, Sen Thủy, Tân Thủy, Lộc Thủy, Xuân Thủy, Thanh Thủy.
Giải đấu đã diễn ra đúng kế hoạch, bảo đảm an toàn, thu hút đông đảo vận động viên và nhân dân các địa phương tham gia. Kết quả, Ban Tổ chức đã trao các giải nhất môn bóng chuyền nam cho xã Phong Thủy, giải nhì xã An Thủy, giải ba xã Sen Thủy và Lộc Thủy. Ở môn bóng chuyền nữ, giải nhất thuộc về xã Trường Thủy, giải nhì An Thủy, giải ba Hoa Thủy và Sơn Thủy.
Hưởng ứng lễ hội đua, bơi thuyền truyền thống và các sự kiện chính trị, văn hóa trên địa bàn, toàn huyện Lệ Thủy có 7 xã, thị trấn, gồm: Hồng Thủy, An Thủy, Xuân Thủy, Dương Thủy, Liên Thủy, Sơn Thủy và Lộc Thủy tổ chức lễ hội đua, bơi cấp xã. Việc tổ chức đua, bơi ở các xã bảo đảm về quy mô, an toàn, tạo khí thế sôi nổi thu hút được đông đảo nhân dân và du khách tham gia.
Ở hoạt động đua, bơi thuyền cấp huyện, toàn huyện Lệ Thủy có 9 thôn (thuộc 5 xã) đăng ký tham gia thuyền đua nữ, so với lễ hội năm 2023 giảm 1 thuyền đua; 24 thuyền bơi nam đăng ký tham gia, giảm thuyền bơi xã Sơn Thủy, tăng thuyền bơi thôn Đông Thành.
Ban Tổ chức lễ hội đã tiến hành tổ chức bơi phân hạng A, B vào ngày 30/8 và chung kết đua, bơi vào sáng 2/9. Chương trình khai mạc lễ hội đua, bơi thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang năm 2024 được truyền hình trực tiếp trên sóng của Đài Phát thanh-Truyền hình Quảng Bình và hòa sóng khoảng 30 đài phát thanh-truyền hình các địa phương trong cả nước. Ước tính có gần 41.000 lượt du khách trong và ngoài huyện đến tham quan, cổ vũ trong dịp diễn ra lễ hội.
Kết quả ở phần tranh tài thuyền đua nữ, giải nhất thuộc về thôn An Xá; đối với thuyền bơi nam hạng A, thuyền bơi thôn Quy Hậu đoạt giải nhất; đối với thuyền bơi nam hạng B, giải nhất thuộc về thôn Thạch Bàn.
Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Lệ Thủy Dương Văn Bình cho hay, năm nay, hoạt động của tiểu ban nhân sự, thi đấu và tổ giám sát diễn ra chặt chẽ từ khâu kiểm tra hồ sơ vận động viên đến giám sát quá trình thi đấu; đồng thời công tác điều hành giải đấu của đội ngũ trọng tài chính xác, khách quan, trung thực; các sự cố và các hành vi có dấu hiệu phi thể thao, vi phạm điều lệ được xử lý kịp thời…
Trong khuôn khổ lễ hội, chương trình nghệ thuật “Lệ Thủy-Khát vọng, phát triển” được tổ chức và dàn dựng công phu, mang tính nghệ thuật cao. Chương trình gồm 13 tiết mục ca ngợi Đảng, Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và quê hương đất nước với sự tham gia của nhiều ca sĩ, nghệ sĩ, như: Viết Danh, Thi Phượng, Thành Nhân, Phong Thủy và các nghệ nhân hò khoan trên địa bàn.
Ngoài ra, hội chợ thương mại huyện Lệ Thủy năm 2024, thu hút 110 gian hàng mang thương hiệu Việt; đồng thời trưng bày các gian hàng truyền thống đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao của các địa phương trên địa bàn huyện, thu hút gần 12.500 lượt người tham gia.
Bảo đảm các điều kiện để tổ chức lễ hội
Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Lệ Thủy Dương Văn Bình cho biết, để công tác chỉ đạo, điều hành lễ hội thành công, huyện Lệ Thủy đã sớm ban hành kế hoạch và thành lập ban tổ chức, các tiểu ban tổ chức lễ hội; thông báo, phân công trách nhiệm các tiểu ban, thành viên ban tổ chức lễ hội và ban hành điều lệ các nội dung thi đấu bóng chuyền, đua, bơi; đồng thời phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương kịp thời xây dựng tin, bài, ảnh, phóng sự về lễ hội nhằm góp phần quảng bá hình ảnh và tiềm năng phát triển du lịch Lệ Thủy cũng như quảng bá các di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đến với đông đảo người dân, du khách trong và ngoài nước.
Đặc biệt, tiểu ban bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông do Công an huyện Lệ Thủy chủ trì phối hợp với Ban Chỉ huy Quân sự huyện, các phòng, ban, cơ quan, đơn vị và UBND các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch bảo vệ an ninh trật tự, an toàn xã hội trước, trong và sau lễ hội; đồng thời xây dựng phương án phân luồng giao thông tại các tuyến đường chính, các cầu và tại các điểm diễn ra thi đấu thể thao. Nhờ vậy, tình trạng ùn tắc giao thông cơ bản được xử lý kịp thời; an ninh trật tự, an toàn đường sông và bảo vệ đường đua, bơi, diễu hành được triển khai chu đáo…
Để công tác tổ chức lễ hội 2/9 thời gian tới đạt kết quả tốt hơn, huyện Lệ Thủy sẽ tiếp tục chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị thực hiện tốt các hoạt động tuyên truyền, quảng bá cả bề rộng, lẫn chiều sâu; khuyến khích các địa phương có truyền thống đua, bơi làm tốt công tác vận động, kêu gọi xã hội hóa, đăng ký thuyền đua, bơi tham gia lễ hội cấp huyện; đồng thời chỉ đạo cơ quan liên quan tiếp tục phục dựng các lễ hội truyền thống; bảo tồn phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể; đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá du lịch địa phương thông qua lễ hội…
Mặt khác, tiểu ban chăm sóc sức khỏe, vệ sinh môi trường đã xây dựng kế hoạch, phương án cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xấu xảy ra. Tại các điểm diễn ra thi đấu, bố trí cano cùng nhân viên y tế theo sát các thuyền đua, bơi để xử lý tình huống liên quan đến sức khỏe vận động viên; công tác vệ sinh môi trường được triển khai, thực hiện sớm; UBND các xã, thị trấn, Ban Quản lý các công trình công cộng, Huyện đoàn Lệ Thủy triển khai lực lượng ra quân làm vệ sinh môi trường, thu gom xử lý rác thải khu vực trung tâm huyện, trên sông; đặc biệt trong ngày diễn ra khai mạc lễ hội.
“Tiểu ban hậu cần, khánh tiết đã gửi thư ngỏ kêu gọi tài trợ và thư cảm ơn đến các nhà tài trợ; đồng thời việc đón tiếp khách mời đến tham dự lễ hội diễn ra chu đáo; công tác tiếp nhận nguồn tài trợ rõ ràng, minh bạch; chuẩn bị tốt các điều kiện bảo đảm cho tổ chức lễ khai mạc đua, bơi. Năm nay, địa phương đã kêu gọi các nhà tài trợ đồng hành cùng lễ hội với tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng…”, Chánh Văn phòng HĐND và UBND huyện Lệ Thủy Đặng Văn Dương cho hay.
Ông Dương Văn Bình thông tin thêm, bên cạnh những kết quả đạt được, việc tổ chức lễ hội 2/9 ở Lệ Thủy vẫn còn những tồn tại, hạn chế, như: Công tác tuyên truyền chưa kịp thời; việc đôn đốc, kiểm tra, rà soát, điều hành của một số tiểu ban còn lúng túng, thiếu linh hoạt; công tác bình luận, dẫn chương trình, phỏng vấn của bình luận viên, phóng viên mặc dù đã có nhiều cố gắng song vẫn chưa đáp ứng yêu cầu; công tác bảo đảm an ninh trật tự, phân luồng giao thông trong thời gian diễn ra giải bóng chuyền nam, nữ vẫn còn xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông; việc đăng ký thuyền đua, bơi, bóng chuyền nam, nữ ở các địa phương, cơ quan còn chậm, số lượng đội bóng chuyền tham gia còn ít…