Tôn vinh nhà khoa học: Quy trình, tiêu chí xét còn nặng thủ tục hành chính

Khi việc khen thưởng đi liền với nguồn lực và cơ hội, nó sẽ có ý nghĩa sâu sắc và giá trị hơn đối với nhà khoa học và tổ chức chủ trì.

Một trong những nhiệm vụ, giải pháp được Bộ Chính trị đặt ra trong Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia nhấn mạnh: "Mở rộng đa dạng các hình thức tôn vinh, biểu dương, khen thưởng kịp thời, xứng đáng với các nhà khoa học, nhà sáng chế, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có thành tích trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; trân trọng từng phát minh, sáng chế, cải tiến kỹ thuật, sáng kiến nâng cao hiệu quả công tác, hiệu suất công việc, dù là nhỏ nhất".

Các hình thức khen thưởng vẫn nghiêng nhiều về hình thức danh hiệu

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Phan Duy Anh - Giảng viên môn Tư tưởng Hồ Chí Minh tại bộ môn Lý luận Chính trị, khoa Khoa học Ứng dụng, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, có thể thấy, một trong những điểm quan trọng của chính sách phát triển khoa học công nghệ của Đảng và Nhà nước ta là sự quan tâm và đánh giá cao đối với những đóng góp của nhà khoa học, nhà sáng chế và doanh nghiệp đổi mới sáng tạo thông qua các hình thức tôn vinh, biểu dương, khen thưởng. Các giải thưởng khoa học, các danh hiệu vinh dự, bằng khen từ các cấp chính quyền có tác dụng động viên, khích lệ tinh thần rất lớn.

Ở Việt Nam hiện nay có thể kể đến các các giải thưởng và hình thức khen thưởng danh giá dành cho các nhà khoa học, nhà sáng chế, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo như: Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ; Giải thưởng VIFOTEC; Giải thưởng Quả cầu vàng; Giải thưởng Khuê Văn Các.

Bên cạnh đó còn có các giải thưởng, cuộc thi về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo (ví dụ: Techfest, Startup Vietnam, các cuộc thi do bộ, ngành, địa phương tổ chức) hay các khen thưởng cấp cơ sở (bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp)… Điều này tạo ra nhiều cơ hội được ghi nhận cho các đối tượng khác nhau.

Có thể khẳng định rằng, những hình thức tôn vinh này giúp các nhà khoa học, nhà sáng chế và doanh nghiệp nâng cao uy tín, tạo dựng hình ảnh tốt đẹp trong cộng đồng khoa học, doanh nghiệp và xã hội nói chung. Điều này có thể mang lại những lợi thế trong hợp tác nghiên cứu, thu hút đầu tư và mở rộng thị trường. Bên cạnh đó, việc vinh danh những cá nhân và tổ chức có thành tích xuất sắc góp phần lan tỏa tinh thần đam mê khoa học, ý chí sáng tạo và khát vọng đổi mới trong cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ.

 Tiến sĩ Phan Duy Anh là một trong chín nhà khoa học trẻ vinh dự nhận Giải thưởng "Khuê Văn Các" năm 2024. Ảnh: Website nhà trường.

Tiến sĩ Phan Duy Anh là một trong chín nhà khoa học trẻ vinh dự nhận Giải thưởng "Khuê Văn Các" năm 2024. Ảnh: Website nhà trường.

Cùng bàn về vấn đề này, theo Tiến sĩ Phạm Thanh Tuấn Anh – Phó trưởng phòng, Phòng Thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc Gia Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, hiện nay, các chính sách tôn vinh, khen thưởng dành cho nhà khoa học, nhà sáng chế và doanh nghiệp đổi mới sáng tạo đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều giải thưởng uy tín ở cấp trung ương, địa phương và cơ sở, cũng như các hoạt động truyền thông đã góp phần khẳng định được vai trò của khoa học – công nghệ trong đời sống.

Tinh thần của Nghị quyết 57-NQ/TW khi nhấn mạnh việc trân trọng cả những đóng góp nhỏ, các cải tiến kỹ thuật đơn giản là rất hợp lý bởi nhiều khi, một thay đổi nhỏ trong thực tiễn lại mang đến hiệu quả rất lớn. Nếu xây dựng được một môi trường tôn vinh khoa học cởi mở, kịp thời và đa dạng, tinh thần sáng tạo chắc chắn sẽ lan tỏa mạnh mẽ hơn trong cộng đồng.

Theo thầy Tuấn Anh, một trong những thách thức của chính sách khen thưởng trong lĩnh vực khoa học công nghệ hiện nay là sự thiếu gắn kết giữa giá trị học thuật, tính sáng tạo và nhu cầu thực tiễn của xã hội. Nói cách khác, vẫn còn thiếu những cơ chế linh hoạt để kịp thời nhận diện, đánh giá và ghi nhận đa dạng các đóng góp, đặc biệt là các sáng kiến có tính ứng dụng cao nhưng chưa đủ điều kiện hoặc chưa được công bố dưới dạng “công trình khoa học”.

Bên cạnh đó, quy trình và tiêu chí xét thưởng còn nặng tính thủ tục hành chính, nặng tính xin – cho, đôi khi gây khó cho các cá nhân, tổ chức vốn tập trung vào chuyên môn mà ít đầu tư cho hồ sơ, thủ tục xét thưởng. Điều này dễ dẫn đến tình trạng người thực sự làm được thì ngại đề xuất, trong khi một số nơi lại vận động theo kiểu thành tích.

Ngoài ra, các hình thức khen thưởng vẫn nghiêng nhiều về hình thức danh hiệu, trong khi đó, các hỗ trợ mang tính thực tiễn như nguồn lực nghiên cứu, tài chính, đầu ra ứng dụng vẫn còn hạn chế. Nếu có thể mở rộng cơ chế tôn vinh theo hướng đa dạng và gắn với giá trị thực tiễn hơn, thì không chỉ là sự ghi nhận, mà còn là một cách tiếp thêm động lực để các nhà khoa học và doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư cho nghiên cứu, đổi mới sáng tạo.

Nguyên nhân dẫn đến những thách thức trên là do tư duy quản lý khoa học vẫn chưa thay đổi kịp theo xu hướng phát triển của khoa học công nghệ, còn chú trọng thủ tục hành chính, quản lý, minh chứng hồ sơ theo kiểu giấy tờ, công tác phát hiện và đề xuất điển hình chưa hiệu quả, thiếu các cơ chế phát hiện từ cơ sở hoặc từ thực tiễn lao động sản xuất.

Ngoài ra, việc thiếu đồng bộ giữa các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp trong việc ghi nhận, đề xuất khen thưởng cũng là một điểm nghẽn. Nếu không có sự phối hợp nhịp nhàng và đồng thuận về tiêu chí, thì việc khen thưởng dễ bị phân tán, thiếu trọng tâm, mất thời gian chuẩn bị hồ sơ và khó lan tỏa rộng rãi.

Còn theo Tiến sĩ Phan Duy Anh, chính sách khen thưởng về khoa học công nghệ còn khá nhiều những tồn tại thách thức.

Một là, thiếu tính đồng bộ và nhất quán. Các chính sách khen thưởng giữa các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức khác nhau đôi khi thiếu sự đồng bộ về tiêu chí, quy trình và mức độ khen thưởng. Điều này có thể gây ra sự so sánh và cảm giác không công bằng.

Hai là, trong nhiều tiêu chí xét giải thưởng thì vẫn còn đánh giá mang tính định tính, khó lượng hóa một cách khách quan giá trị và tác động thực tế của các công trình nghiên cứu, sáng chế hoặc hoạt động đổi mới sáng tạo. Như trong một số giải thưởng khoa học, tiêu chí “tính mới” hoặc “tính ứng dụng” có thể được mô tả một cách chung chung, dẫn đến việc các hội đồng đánh giá khác nhau có thể hiểu và áp dụng tiêu chí này khác nhau. Việc đánh giá “tầm quan trọng” hoặc “ảnh hưởng” của một công trình nghiên cứu đôi khi dựa nhiều vào ý kiến chủ quan của các thành viên hội đồng hơn là các chỉ số định lượng cụ thể.

Ba là, chưa thực sự tạo ra đột phá về nguồn lực. Mặc dù có giá trị tinh thần, nhưng các chính sách khen thưởng hiện tại đôi khi chưa đi kèm với những hỗ trợ đột phá về nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất hoặc cơ chế ưu đãi đặc biệt để các nhà khoa học, nhà sáng chế và doanh nghiệp tiếp tục phát triển các ý tưởng và công trình của mình. Giá trị tiền thưởng của một số giải thưởng khoa học uy tín có thể không đủ để hỗ trợ đáng kể cho việc tiếp tục nghiên cứu và phát triển các ý tưởng mới. Hay như các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo sau khi được vinh danh có thể vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn đầu tư mạo hiểm hoặc các chính sách ưu đãi về thuế, đất đai.

Bốn là, thiếu cơ chế theo dõi và đánh giá tác động sau khen thưởng. Hiện tại, chúng ta chưa có nhiều cơ chế để theo dõi và đánh giá tác động thực tế của việc khen thưởng đối với sự phát triển tiếp theo của các cá nhân, tập thể được vinh danh, cũng như ảnh hưởng của chúng đến cộng đồng và xã hội.

Năm là, vẫn còn tình trạng hình thức trong việc đề xuất và xét duyệt khen thưởng, dẫn đến việc chưa thực sự tập trung vào giá trị thực chất và tác động lâu dài. Có trường hợp một số đơn vị tập trung vào việc “săn” các giải thưởng như một chỉ tiêu đánh giá thành tích, đôi khi dẫn đến việc đề xuất các công trình chưa thực sự có giá trị đột phá hoặc có sự trùng lặp với các nghiên cứu trước đó. Bên cạnh đó, còn có việc chú trọng vào hình thức trình bày hồ sơ, số lượng bài báo công bố hơn là chất lượng thực tế và tác động của nghiên cứu có thể xảy ra trong quá trình xét duyệt.

Cần mở rộng cách nhìn nhận và đánh giá đóng góp khoa học theo hướng linh hoạt hơn

Để đa dạng hóa các hình thức khen thưởng nhằm đảm bảo tính thiết thực, tạo động lực mạnh mẽ hơn cho các cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, theo Tiến sĩ Phạm Thanh Tuấn Anh, trước hết cần mở rộng cách nhìn nhận và đánh giá đóng góp khoa học theo hướng linh hoạt hơn. Không chỉ ghi nhận các công trình đã được công bố hay thương mại hóa thành công, mà còn cần trân trọng cả quá trình nghiên cứu, nỗ lực vượt khó, cũng như những ý tưởng hữu ích đang ở giai đoạn đầu.

Một trong những giải pháp là đa dạng hóa các hình thức tôn vinh, không chỉ dừng lại ở danh hiệu hay bằng khen, mà nên kết hợp với các chính sách hỗ trợ cụ thể như: Cấp kinh phí tiếp tục nghiên cứu, hỗ trợ sở hữu trí tuệ, hoặc kết nối đầu tư từ doanh nghiệp. Khi việc khen thưởng đi liền với nguồn lực và cơ hội, nó sẽ có ý nghĩa sâu sắc và giá trị hơn đối với nhà khoa học và tổ chức chủ trì.

Bên cạnh đó, cần thiết lập các kênh phát hiện sáng kiến từ thực tiễn, đặc biệt là từ các cơ sở sản xuất, trường học, bệnh viện... Ở đó, những cải tiến kỹ thuật tuy nhỏ nhưng rất hiệu quả vì giải quyết vấn đề thực tiễn tại chỗ. Nếu được phát hiện và tôn vinh kịp thời sẽ tạo ra làn sóng lan tỏa tích cực.

Đồng thời, nên đơn giản hóa thủ tục hồ sơ hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số, quản lý hồ sơ trực tuyến để tăng tính công khai, minh bạch, giảm thời gian và tiết kiệm tài nguyên in ấn, lưu trữ.

 Tiến sĩ Phạm Thanh Tuấn Anh là một trong 10 nhà khoa học trẻ vừa được vinh danh Giải thưởng Khoa học công nghệ Quả cầu vàng 2024. Ảnh: Website Phòng Thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc Gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Tiến sĩ Phạm Thanh Tuấn Anh là một trong 10 nhà khoa học trẻ vừa được vinh danh Giải thưởng Khoa học công nghệ Quả cầu vàng 2024. Ảnh: Website Phòng Thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc Gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Bàn về vấn đề này, theo Tiến sĩ Phan Duy Anh, thứ nhất, tăng cường các hình thức khen thưởng vật chất mang tính thiết thực. Cần thành lập các quỹ đặc biệt để hỗ trợ chi phí đăng ký bản quyền sáng chế, phát triển sản phẩm mẫu, hoặc thử nghiệm thị trường cho các sáng chế và ý tưởng đổi mới tiềm năng. Cung cấp các gói hỗ trợ tài chính, không gian làm việc, tư vấn chuyên môn, kết nối nhà đầu tư cho các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được vinh danh. Hoặc thay vì chỉ trao tiền mặt chung chung, có thể có các gói tài trợ nghiên cứu tiếp theo, hỗ trợ mua sắm trang thiết bị, hoặc hỗ trợ thương mại hóa kết quả nghiên cứu.

Các doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo được vinh danh có thể được hưởng các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu thiết bị nghiên cứu, hoặc phí sử dụng các dịch vụ công liên quan đến khoa học và công nghệ.

Thứ hai, mở rộng các hình thức khen thưởng phi vật chất như tạo dựng các “ngôi sao khoa học” hay “doanh nghiệp đổi mới sáng tạo tiêu biểu”. Tăng cường truyền thông về những thành tựu và câu chuyện thành công của các cá nhân và tổ chức được vinh danh trên các phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội, các sự kiện khoa học và công nghệ lớn.

Vinh danh bằng cách mời các nhà khoa học, nhà sáng chế có uy tín tham gia vào các hội đồng tư vấn chính sách, ban giám khảo các giải thưởng khoa học và công nghệ, các cuộc thi khởi nghiệp; Ghi nhận năng lực và uy tín bằng cách tạo cơ hội đảm nhận các vị trí lãnh đạo, quản lý trong các viện nghiên cứu, trường đại học, trung tâm đổi mới sáng tạo.

Thứ ba, thiết kế các hình thức khen thưởng đa dạng, phù hợp với từng đối tượng và giai đoạn. Có thể thiết kế các giải thưởng theo hành trình nghiên cứu và đổi mới như Giải thưởng “ý tưởng tiềm năng” - dành cho các ý tưởng sáng tạo mới, có tính đột phá nhưng chưa hoàn thiện; Giải thưởng “nghiên cứu xuất sắc” - Vinh danh các công trình nghiên cứu có chất lượng khoa học cao, được công bố trên các tạp chí uy tín; Giải thưởng “ứng dụng thành công” - tôn vinh các công trình nghiên cứu, sáng chế đã được ứng dụng hiệu quả vào thực tiễn, mang lại lợi ích kinh tế - xã hội; Giải thưởng “doanh nghiệp đổi mới sáng tạo tiêu biểu” - dành cho các doanh nghiệp có chiến lược đổi mới sáng tạo hiệu quả, đầu tư mạnh mẽ vào R&D và có các sản phẩm, dịch vụ cạnh tranh.

Bên cạnh những giải pháp, cần bổ sung một số tiêu chí trọng tâm để việc khen thưởng không chỉ dừng lại ở giải thưởng mà còn tạo động lực cho các nhà khoa học, nhà sáng tạo đặc biệt là nhà khoa học trẻ, doanh nghiệp khởi nghiệp như tiêu chí tập trung vào tiềm năng và sự phát triển. Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, cần đánh giá cao tiềm năng phát triển trong tương lai của ý tưởng nghiên cứu hoặc dự án khởi nghiệp. Đặc biệt đối với nhà khoa học trẻ và startup, sự sáng tạo và hướng đi mới là yếu tố then chốt. Ưu tiên các nghiên cứu, sáng chế hoặc mô hình kinh doanh có khả năng nhân rộng, ứng dụng rộng rãi và tạo ra tác động tích cực đến kinh tế - xã hội.

Đối với doanh nghiệp khởi nghiệp, cần xem xét đến tính bền vững của mô hình kinh doanh, khả năng tự huy động vốn và phát triển trong dài hạn. Đối với nhà khoa học trẻ, cần đánh giá khả năng tự chủ nghiên cứu và xây dựng nhóm làm việc.

Tiếp đó, tiêu chí hỗ trợ và tạo điều kiện phát triển sau khen thưởng. Giải thưởng cần đi kèm với cam kết hỗ trợ về tài chính (các gói tài trợ nghiên cứu tiếp theo, vốn mồi cho startup), cơ sở vật chất (tiếp cận phòng lab, không gian làm việc), và nguồn nhân lực (tư vấn, mentor).

Cùng với đó là tiêu chí hướng đến tác động thực tế và giải quyết vấn đề. Nên ưu tiên các nghiên cứu, sáng chế hoặc mô hình kinh doanh có tiềm năng giải quyết các thách thức thực tế của đất nước và cộng đồng. Đánh giá cao các kết quả nghiên cứu có khả năng ứng dụng vào sản xuất, đời sống và các sản phẩm, dịch vụ có tiềm năng thương mại hóa cao.

Còn theo Tiến sĩ Phạm Thanh Tuấn Anh, cần có thêm tiêu chí gắn với đóng góp thực tế và hiệu quả xã hội, không phân biệt lĩnh vực nghiên cứu. Một cải tiến trong nông nghiệp, y tế cơ sở, hay giáo dục phổ thông nếu mang lại hiệu quả thiết thực cũng nên được đánh giá ngang hàng với các thành tựu công nghệ cao, vì mục tiêu cao cả của khoa học là phục vụ đời sống con người và phát triển bền vững.

Thu Trang

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/ton-vinh-nha-khoa-hoc-quy-trinh-tieu-chi-xet-con-nang-thu-tuc-hanh-chinh-post251159.gd