Tổng Bí thư: Chuyển đổi số là hệ thần kinh trung ương, cầu nối sống còn giữa tỉnh và xã
Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định chuyển đổi số chính là hệ thần kinh trung ương, là cầu nối sống còn giữa tỉnh và xã, không có chuyển đổi số thì mô hình hành chính hai cấp sẽ không thể vận hành hiệu quả.
Sáng 2-7, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số (Ban Chỉ đạo) tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2025, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025, kết nối trực tuyến tới các điểm cầu trên cả nước.
Tổng Bí thư Tô Lâm, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số chủ trì Hội nghị.

Tổng Bí thư Tô Lâm, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: TTXVN
Cầu nối sống còn giữa tỉnh và xã
Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm đánh giá những kết quả đạt được trong thời gian qua là kết tinh của tinh thần đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, không ngại khó khăn, thách thức của toàn hệ thống chính trị, cũng như sự đồng tình của người dân.
“Chuyển đổi số chính là hệ thần kinh Trung ương, là cầu nối sống còn giữa tỉnh và xã” – Tổng Bí thư nhấn mạnh khi triển khai các nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2025. Trong mô hình mới phải trở thành một bộ não dữ liệu để tổng hợp, phân tích, cảnh báo sớm tình hình, không để xảy ra vùng trũng thông tin, không có chuyển đổi số thì mô hình hành chính hai cấp sẽ không thể vận hành hiệu quả.
Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ người đứng đầu các ban, bộ, ngành, các địa phương phải tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm, quyết tâm chính trị cao, kiên quyết, kiên trì, kiên định làm bằng được để củng cố niềm tin của toàn xã hội.
Ông yêu cầu Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương chủ trì xây dựng chương trình truyền thông sâu rộng về nội dung đột phá của Luật Khoa học Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, đặc biệt là cơ chế chấp nhận rủi ro và thương mại hóa; vai trò của nền tảng dữ liệu trong việc thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện; đổi mới trong dịch vụ công, ứng dụng công nghệ số… Những nội dung này, theo Tổng Bí thư là nhằm củng cố niềm tin trong giới khoa học, cộng đồng doanh nghiệp và người dân.
Các bộ, cơ quan khẩn trương xây dựng, chuẩn bị văn bản dưới luật; rà soát, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành để bảo đảm việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình, hiệu quả, thực chất…

Tổng Bí thư Tô Lâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham dự ra mắt 3 nền tảng số phục vụ triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW. Ảnh: NHÂN DÂN
Tìm kiếm, mua lại các công ty công nghệ nhỏ ở nước ngoài
Tổng Bí thư lưu ý, xây dựng tiêu chí, quy chế quản lý, chế độ làm việc, đãi ngộ và quy trình tuyển dụng tổng công trình sư, kiến trúc sư trưởng triển khai các hệ thống chiến lược, các sáng kiến đột phá.
Đồng thời nghiên cứu, đề xuất cơ chế khuyến khích thành lập doanh nghiệp khởi nghiệp triển khai sản phẩm nghiên cứu trong các viện nghiên cứu, trường đại học. Thiết kế chương trình kết nối thực chất giữa nhà khoa học, doanh nghiệp giúp thương mại hóa sản phẩm khoa học và công nghệ; xây dựng phương án tổ chức, sắp xếp lại các tổ chức khoa học và công nghệ, đầu tư phát triển các tổ chức nghiên cứu mạnh.
“Rà soát công tác hoạch định chính sách, đầu tư, chia sẻ và khai thác các phòng thí nghiệm bảo đảm tránh trùng lặp và lãng phí nguồn lực” – Tổng Bí thư yêu cầu.
Các bên liên quan thành lập tổ công tác liên ngành để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam trong việc tìm kiếm, đàm phán, mua lại các công ty công nghệ nhỏ ở nước ngoài có các sở hữu trí tuệ hoặc bí quyết công nghệ quan trọng.
Các bộ và cơ quan có liên quan nghiên cứu, thúc đẩy ứng dụng công nghệ chiến lược trong Danh mục Công nghệ chiến lược như: Trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, chuỗi khối, robot, bán dẫn, vật liệu mới, công nghệ y-sinh học, an ninh mạng... trong các ngành, lĩnh vực quản lý.
Để tạo đột phá trong việc triển khai các nhiệm vụ về dữ liệu, Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng cần chuyển đổi sang phương thức quản trị mới, lấy hiệu quả làm trung tâm. Đồng thời, xây dựng và trình Ban Chỉ đạo các cơ chế vượt trội, đột phá về quản trị dữ liệu quốc gia theo nguyên tắc dữ liệu cần đúng, đủ, sạch, sống, kết nối thông suốt để khai thác hiệu quả, tạo ra giá trị cụ thể, đo lường được.
Đặc biệt, cần có cách làm mới về quản trị dữ liệu để bảo đảm đáp ứng đúng lộ trình đặt ra, kể cả nếu cần thiết phải bỏ đi những cơ sở dữ liệu chưa đúng để làm lại, tránh kéo dài cách làm cũ gây lãng phí, mất cơ hội.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, khẩn trương hoàn thành xây dựng, đưa vào khai thác, sử dụng Trung tâm dữ liệu quốc gia. Các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin. Tái cấu trúc quy trình thủ tục hành chính, tái sử dụng thông tin, dữ liệu để cung cấp dịch vụ công trực tuyến thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp, phát triển kinh tế-xã hội và quốc phòng, an ninh.

Tổng Bí thư Tô Lâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các lãnh đạo Đảng, Nhà nước thực hiện nghi thức ra mắt 3 nền tảng số phục vụ triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW. Ảnh: NHÂN DÂN
Thu hút nhân lực các ngành công nghiệp mũi nhọn
Tổng Bí thư chỉ rõ, khẩn trương xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách thu hút nguồn nhân lực, nhân tài khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong và ngoài nước, nhất là nhân lực chất lượng cao trong các ngành công nghệ mũi nhọn (AI, bán dẫn, vật liệu mới… ). Song song đó, xây dựng Đề án phát triển, trọng dụng nhân tài, đặc biệt là chuyên gia đầu ngành phục vụ phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia; triển khai Chiến lược thu hút nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn 2050.
Tổng Bí thư đề nghị ưu tiên bố trí đủ nguồn lực, tập trung cho nhiệm vụ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trọng điểm, có tính đột phá, lan tỏa, tránh dàn trải, hình thức. Ưu tiên dự án chuyển đổi số phục vụ mô hình hành chính mới, đặc biệt là các Sáng kiến đột phá và Dự án đặc biệt quan trọng trong Kế hoạch hành động chiến lược
Tổng Bí thư lưu ý phải quan tâm đến công tác bảo đảm an ninh, an toàn, bảo mật, bảo vệ dữ liệu quốc gia, bảo vệ dữ liệu cá nhân, bảo đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ của khoa học, công nghệ.
Mọi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, người dân phải nắm được những nguyên tắc để chấp hành pháp luật; vận hành hiệu quả ba nền tảng số phục vụ triển khai Nghị quyết 57.
“Nhiệm vụ phía trước rất nặng nề, phải biến thách thức thành cơ hội, biến quyết tâm thành hành động cụ thể, tạo ra những chuyển biến mang tính lịch sử, đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số” – Tổng Bí thư nêu rõ.
Cả nước hiện có 858 doanh nghiệp khoa học-công nghệ
Theo Báo cáo của Ban Chỉ đạo, qua sáu tháng triển khai, Nghị quyết 57 đã tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong toàn hệ thống chính trị.
Quốc hội đã thông qua hai luật rất quan trọng, có tính nền tảng, là Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo và Luật Công nghiệp Công nghệ số, đặt nền móng pháp lý mới cho phát triển các lĩnh vực công nghệ mũi nhọn như trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, dữ liệu lớn.
Chính phủ đã ban hành hàng loạt văn bản quy phạm pháp luật quan trọng (16 nghị định, 1 nghị quyết), trong đó có các nghị định về cải cách thủ tục hành chính một cửa, một cửa liên thông và phân cấp, phân quyền phù hợp với mô hình tổ chức bộ máy chính quyền 2 cấp.
Hệ sinh thái khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số tiếp tục phát triển mạnh mẽ, với 858 doanh nghiệp khoa học-công nghệ, 45 doanh nghiệp công nghệ cao và trên 73.000 doanh nghiệp công nghệ số đang hoạt động.
Bộ KH&CN đã thu hút, tập hợp 277 chuyên gia tham gia các chương trình trọng điểm về trí tuệ nhân tạo, góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho các lĩnh vực chiến lược.