Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Một nhà văn hóa
Một trong những di sản quý giá của Tổng Bí thư để lại cho đất nước cũng như Hà Nội chính là hệ thống quan điểm, lý luận về vai trò quan trọng của văn hóa. Ông luôn nhấn mạnh phát triển văn hóa ngang bằng, đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặc biệt coi trọng vai trò dẫn dắt của Hà Nội trong sự phát triển chung của văn hóa đất nước khi nhấn mạnh “Hà Nội là Thủ đô, mà Thủ đô là đô thị đứng đầu, chỉ có một”.
Xây dựng môi trường văn hóa, xây dựng con người, xây dựng môi trường hòa bình ổn định là chức năng rất cơ bản của Thủ đô và "Hà Nội phải thực sự phát triển, gương mẫu đi đầu, làm gương cho cả nước".
Hơn ba năm trước, tháng 11 năm 2021, tại Hà Nội diễn ra một hội nghị văn hóa có quy mô lớn nhất trong lịch sử sau 75 năm kể từ Hội nghị văn hóa lần thứ nhất, mở ra bước ngoặt mới trong vấn đề chấn hưng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Tại hội nghị này, Tổng Bí thư đã nhấn mạnh vai trò dẫn dắt của văn hóa đối với sự phát triển của đất nước.
Tổng Bí thư phát biểu tại Hội nghị văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về lĩnh vực văn hóa: “Nhận thức của Đảng về văn hóa ngày càng toàn diện, đầy đủ và sâu sắc hơn. Đảng ta xác định: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước; xác định phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, thể hiện tính ưu việt của chế độ ta.
Nói sâu sắc, ngắn gọn như Bác Hồ là: "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi"! Nền văn hóa mà chúng ta xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với nội dung cốt lõi là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần của xã hội; kế thừa những truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc đồng thời tiếp thu có chọn lọc những thành tựu, tinh hoa văn hóa của thế giới, phấn đấu xây dựng một xã hội văn minh, lành mạnh vì lợi ích chân chính và phẩm giá con người, với trình độ tri thức, đạo đức, thể lực, lối sống và thẩm mỹ ngày càng cao”.
Vừa là người con của Hà Nội, dành phần lớn thời gian công tác trên địa bàn Thủ đô, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặc biệt coi trọng vai trò văn hóa của Hà Nội - trái tim của cả nước, nơi phải thể hiện rõ nét nhất và dẫn dắt sự phát triển chung của văn hóa đất nước.
Từng có 8 năm làm Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, sau đó là Bí thư Thành ủy Hà Nội, Tổng Bí thư luôn có những luận điểm, kiến giải sâu sắc về văn hóa Hà Nội, vừa thể hiện tầm nhìn xa, trông rộng của người lãnh đạo cao nhất đất nước, vừa xuất phát từ tình yêu của một người con Hà Nội dành cho Thủ đô.
Từ năm 2000, trong nhiều chương trình công tác của Thành ủy, nội dung văn hóa Hà Nội được xây dựng và thực hiện không chỉ gắn với hoạt động Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, mà Thành ủy chủ trương các chương trình xây dựng con người, phát triển văn hóa sẽ tạo nên một bước chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân Thủ đô xứng đáng với tầm vóc của một Thủ đô văn hiến, thành phố di sản.
Với vai trò đứng đầu Đảng bộ thành phố Hà Nội giai đoạn đó, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh quan điểm: Đừng đặt mục tiêu Hà Nội là trung tâm kinh tế hàng đầu, nhưng văn hóa phải là hình mẫu, là hàng đầu của cả nước.
Thấm nhuần tư tưởng, quan điểm, định hướng của Đảng về vai trò, vị trí tầm quan trọng của phát triển văn hóa, từ thực tiễn xây dựng, phát triển văn hóa của Thủ đô, bằng việc vận dụng sáng tạo các quan điểm phát triển văn hóa của Đảng, Nhà nước, cụ thể hóa những định hướng chỉ đạo cụ thể của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua các thời kỳ, trải qua nhiều kỳ Đại hội Đảng bộ, với phương châm kiên trì, bền bỉ, hiệu quả lâu dài, Đảng bộ thành phố Hà Nội đã không ngừng tổ chức triển khai, tạo bước đột phá, điểm nhấn trọng tâm khơi thông dòng mạch cho nhiệm vụ phát triển văn hóa, con người Thủ đô.
Thủ đô Hà Nội đã xác định: Đưa văn hóa và con người Hà Nội thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, nguồn lực nội sinh quan trọng quyết định sự phát triển bền vững Thủ đô. Nguồn lực tài chính đầu tư cho phát triển văn hóa, con người Thủ đô được quan tâm.
Công tác xây dựng và phát huy hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Thủ đô đáp ứng yêu cầu phát triển được triển khai bài bản, có trọng tâm, trọng điểm. Công tác phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, quốc phòng của Thủ đô.
Tầm quan trọng của văn hóa luôn là vấn đề được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh trong những lần tiếp xúc với cử tri tại Hà Nội.
Vận dụng sáng tạo quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong xây dựng và phát triển văn hóa Thủ đô, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội đã và đang phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, tập trung đẩy mạnh phát triển văn hóa, coi văn hóa là động lực để phát triển kinh tế, xã hội, trong đó nhấn mạnh vào việc xây dựng, phát triển người Hà Nội thanh lịch, văn minh, để Hà Nội xứng đáng là trái tim của cả nước.