Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm cán bộ, công nhân lao động Công ty cổ phần Than Vàng Danh, Quảng Ninh

Ngày 6.4, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có chuyến thăm, làm việc tại Quảng Ninh về tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Sáng nay, tại TP. Uông Bí, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm, động viên cán bộ, công nhân lao động Công ty cổ phần Than Vàng Danh trước khi vào ca sản xuất.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm, động viên cán bộ, công nhân Công ty Cổ phần than Vàng Danh - Vinacomin tại khu tập thể 314 trước khi vào ca sản xuất

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm, động viên cán bộ, công nhân Công ty Cổ phần than Vàng Danh - Vinacomin tại khu tập thể 314 trước khi vào ca sản xuất

Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

Cùng đi có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Lê Minh Hưng; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký; lãnh đạo Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Tổng Bí thư…

Đến thăm, nói chuyện với cán bộ, công nhân, người lao động Công ty cổ phần Than Vàng Danh tại Khu tập thể 314 trước khi vào ca sản xuất, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ân cần thăm hỏi tình hình lao động, sản xuất, ăn ở, sinh hoạt của công nhân, người lao động đang làm việc tại Công ty; bày tỏ vui mừng trước những bước phát triển và tiến bộ của tập thể cán bộ, công nhân, người lao động Công ty cổ phần Than Vàng Danh, tiền thân là Mỏ Than Vàng Danh - cái nôi của phong trào cách mạng Việt Nam.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói chuyện với cán bộ, công nhân Công ty Cổ phần than Vàng Danh - Vinacomin

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói chuyện với cán bộ, công nhân Công ty Cổ phần than Vàng Danh - Vinacomin

Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

Báo cáo với Tổng Bí thư và Đoàn, đại diện Lãnh đạo Công ty cổ phần Than Vàng Danh cho biết, mỏ than Vàng Danh được thành lập ngày 6.6.1964, là doanh nghiệp sản xuất than hầm lò trực thuộc Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), có quy mô và sản lượng than khai thác hầm lò lớn nhất của Vinacomin.

Năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Công ty vẫn sản xuất trên 3,3 triệu tấn than nguyên khai, đạt mức doanh thu trên 5.300 tỷ đồng, lợi nhuận 130 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước trên 1.000 tỷ đồng, cổ tức 7%. Năm 2022, Công ty phấn đấu sản xuất trên 3,58 triệu tấn than nguyên khai, đào mới gần 38 nghìn mét lò, đạt mức doanh thu trên 5.300 tỷ đồng.

Là đơn vị luôn đi đầu trong công tác đổi mới công nghệ, tích cực áp dụng tiến bộ khoa học, cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa vào sản xuất đạt hiệu quả, năm 2021, lò chợ CGH đạt sản lượng 600 nghìn tấn/năm, vượt xa so với kế hoạch.

Hệ thống chính trị trong Công ty không ngừng được chăm lo, củng cố xây dựng và trưởng thành nhanh chóng về mọi mặt. Toàn Đảng bộ hiện có hơn 1.400 đảng viên, sinh hoạt tại 51 chi bộ. Công đoàn có hơn 5.400 đoàn viên, sinh hoạt tại 51 bộ phận. Trong các năm gần đây, Đảng bộ và các tổ chức đoàn thể quần chúng đều đã được cấp trên công nhận đạt tiêu chuẩn vững mạnh xuất sắc.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tặng quà cho cán bộ, công nhân Công ty Cổ phần than Vàng Danh - Vinacomin

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tặng quà cho cán bộ, công nhân Công ty Cổ phần than Vàng Danh - Vinacomin

Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

Trải qua 58 năm, Công ty đã sản xuất được trên 70 triệu tấn than nguyên khai, đào mới hơn 840 nghìn mét lò, các năm gần đây sản lượng khai thác đều đạt trên 3 triệu tấn, vượt 5 lần công suất thiết kế ban đầu. Công ty hiện có hơn 5.400 cán bộ, công nhân viên của 16 dân tộc anh em đang làm việc tại mỏ. Công ty đã được Đảng, Nhà nước, Chính phủ tặng nhiều phần thưởng cao quý, đặc biệt năm 2003 được phong tặng Danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới. Đời sống mọi mặt của công nhân, người lao động được quan tâm, chăm lo và từng bước được cải thiện. Thu nhập bình quân năm 2021 đạt trên 17 triệu đồng/người/tháng; thợ lò đạt trên 22 triệu đồng, có trên 400 người đạt mức thu nhập trên 350 triệu đồng. Khu tập thể công nhân 314 được đầu tư xây mới với 55 tỷ đồng, năm 2012 đưa vào sử dụng 2 lô nhà 5 tầng công năng hiện đại, có thư viện, phòng truyền thống, phòng rèn luyện thể chất… và 132 phòng ở với trang bị, tiện nghi hiện đại. Công nhân ở tập thể không phải trả tiền nhà, hàng quý được cấp tiền mua nhu yếu phẩm thiết yếu, có xe đưa đón về quê dịp lễ tết. Hiện có gần 400 công nhân đang ở trong khu tập thể này của Công ty.

Nhấn mạnh vai trò quan trọng và truyền thống anh hùng của giai cấp công nhân trong mọi giai đoạn của cách mạng Việt Nam, nhất là trong thời kỳ đổi mới hiện nay, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chúc mừng và hoan nghênh những kết quả, thành tích mà anh chị em công nhân lao động Công ty cổ phần Than Vàng Danh nói riêng và giai cấp công nhân Việt Nam nói chung - những người không chỉ lao động giỏi mà còn có đời sống văn hóa tinh thần phong phú, có tình thương yêu giúp đỡ lẫn nhau, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tổng Bí thư chúc cán bộ, công nhân, người lao động Công ty cổ phần Than Vàng Danh tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng của dân tộc và của giai cấp công nhân nước ta trong giai đoạn cách mạng mới hiện nay, đóng góp xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu chụp ảnh chung với cán bộ, công nhân Công ty Cổ phần than Vàng Danh

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu chụp ảnh chung với cán bộ, công nhân Công ty Cổ phần than Vàng Danh

Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

Được biết, thời kỳ Pháp thuộc, Mỏ Vàng Danh là cái nôi của phong trào cách mạng. Do bị bóc lột thậm tệ, nên đời sống người thợ vô cùng cực khổ, lầm than, phong trào đấu tranh bùng nổ mạnh mẽ, nhất là khi Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên cử một số hội viên (trong đó có đồng chí Nguyễn Văn Cừ, sau này là Tổng Bí thư của Đảng ta) về Mỏ Vàng Danh vô sản hóa năm 1928. Trong phong trào đấu tranh sôi nổi đó, qua thực tiễn hoạt động, chi hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Vàng Danh - Uông Bí chuyển thành Chi bộ Đông dương Cộng sản Đảng (ngày 7.11.1929); đến cuối tháng 4.1930, đổi thành Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam. Cuối tháng 5.1930, cấp trên quyết định thành lập Đảng ủy Mỏ Vàng Danh - Uông Bí, là bước chuẩn bị cho việc thành lập Đảng bộ Đặc khu Mỏ Đông Triều - Hòn Gai - Cẩm Phả sau này. Từ khi có Đảng lãnh đạo, phong trào đấu tranh của công nhân mỏ dành được nhiều thắng lợi to lớn. Ngày 25.4.1955, khu mỏ được giải phóng hoàn toàn.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu dâng hương tưởng niệm Đức Vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu dâng hương tưởng niệm Đức Vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông

Ảnh: Trí Dũng – TTXVN

+ Trước đó, tại TP Uông Bí, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đã đến dâng hương tưởng niệm Đức Vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông tại Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử; và trồng cây lưu niệm tại đây.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xem tấm bia đá khắc toàn bộ bài Diễn văn của Tổng Bí thư tại Lễ kỷ niệm 700 năm ngày viên tịch của Đức Vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông, ngày 27/11/2008 ở Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm Yên Tử

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xem tấm bia đá khắc toàn bộ bài Diễn văn của Tổng Bí thư tại Lễ kỷ niệm 700 năm ngày viên tịch của Đức Vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông, ngày 27/11/2008 ở Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm Yên Tử

Ảnh: Trí Dũng – TTXVN

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu chụp ảnh chung tại Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm Yên Tử - Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Yên Tử

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu chụp ảnh chung tại Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm Yên Tử - Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Yên Tử

Ảnh: Trí Dũng – TTXVN

Đức Vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông là một trong những vị vua anh minh bậc nhất của lịch sử nước ta. Ông là một nhà thơ, nhà văn hóa nổi tiếng; người sáng lập và lãnh đạo Thiền phái Trúc Lâm của Phật giáo Việt Nam, hiện thân của sự kết hợp giữa Đạo với Đời để bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước. Ông là vị vua thứ ba của triều đại nhà Trần đầy hiển hách, người có vai trò đặc biệt quan trọng trong công cuộc giữ nước và dựng nước ở thế kỷ XIII. Trong 15 năm làm vua trị vì đất nước (năm 1278-1293), ông đã lãnh đạo quân dân Đại Việt 2 lần kháng chiến đánh tan quân Nguyên Mông xâm lược rất hùng mạnh thời bấy giờ. Những Hội nghị Bình Than (năm 1282), Diên Hồng (năm 1285) đã nói lên tư tưởng của người đứng đầu đất nước: trọng dân, tin dân, cố kết nhân tâm, kiên quyết không chịu khuất phục trước kẻ thù – một nhân tố cực kỳ quan trọng bảo đảm cho cuộc kháng chiến thắng lợi. Năm 1293, khi Trần Nhân Tông 35 tuổi, ông quyết định nhường ngôi cho con, lui về làm Thái Thượng hoàng, sau đó xuất gia tu hành, lập ra Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử - một phái thiền rất đặc sắc, tích cực nhập thế và riêng có của Việt Nam. Với những đóng góp to lớn cho dân tộc và đạo pháp, Trần Nhân Tông được người đời sau suy tôn là Đức Vua - Phật hoàng, một hiện tượng đặc biệt trong lịch sử nước Việt.

Thanh Tâm

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-tham-can-bo-cong-nhan-lao-dong-cong-ty-co-phan-than-vang-danh-quang-ninh-1xtlxrv9qv-81902