Tổng Bí thư Tô Lâm: Đầu tư chỉ quan tâm giá rẻ thì bao giờ mới tiến bằng thế giới?

Quy định ở Luật Đấu thầu quan tâm tới vấn đề tiền nong, với quan điểm làm sao mua được đồ rẻ khiến chúng ta có nguy cơ trở thành các bãi rác khoa học. Chúng ta đi sau nhưng lại đầu tư giá rẻ nữa thì bao giờ mới tiến bằng thế giới?

Đây là vấn đề được Tổng Bí thư Tô Lâm nêu ra cuộc thảo luận tại tổ sáng 15/2 của các đại biểu Quốc hội về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia, cũng được trình Quốc hội trong sáng cùng ngày.

Khó đi tắt đón đầu nếu chỉ chọn đầu tư giá rẻ

Theo Tổng Bí thư, Nghị quyết trình Quốc hội xem xét là rất quan trọng, rất gấp. Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia được ban hành ngày 22/12/2024. Nhưng để đi vào cuộc sống, chờ sửa Luật KHCN nhanh nhất phải giữa cuối năm 2025, như vậy không thể chế được bằng văn bản pháp luật, không thể triển khai Nghị quyết trong năm 2025.

Do đó, cần có Nghị quyết về tháo gỡ khó khăn cho KHCN để thực hiện ngay, thay vì chờ sửa luật, Tổng Bí thư khẳng định. Hiện nay, tên dự thảo Nghị quyết là tháo gỡ, nhưng không chỉ vậy mà còn cả bao gồm thúc đẩy, khuyến khích. Mục tiêu của chúng ta là khuyến khích chứ không chỉ tháo gỡ.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại phiên họp tổ. Ảnh: Phạm Thắng

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại phiên họp tổ. Ảnh: Phạm Thắng

Phạm vi của Nghị quyết 57 rất lớn, liên quan nhiều lĩnh vực, mà “đụng vào cái gì cũng khó khăn” do những quy định của chúng ta, Tổng Bí thư nhận xét. Do đó, Nghị quyết của Quốc hội là cách thức khẩn trương tháo gỡ vướng mắc về thể chế, để nhanh chóng đưa các chủ trương của Nghị quyết đi vào cuộc sống.

Chính phủ trên cơ sở ý kiến địa phương, bộ ngành, doanh nghiệp trình một số vấn đề, đưa ra 3 nhóm tập trung vào có định hướng, dù vậy vẫn chưa bao quát được hết các vấn đề, bởi nếu làm chi tiết có thể không kịp ban hành Nghị quyết. Tổng Bí thư nhắc lại, tinh thần vừa chạy vừa xếp hàng, hàng lối ngay ngắn chỉnh tề nhưng vẫn phải chạy đã.

Việc phát triển KHCN, theo Tổng Bí thư, ai cũng thấy là giá trị, cần thiết nhưng không làm được vì rất nhiều khó khăn, nhiều vấn đề mà ngay cả việc sửa luật về KH-CN cũng không thể giải quyết hết. Đơn cử như ở Luật Đấu thầu, các quy định hướng tới việc làm sao mua được sản phẩm, dịch vụ với giá thấp nhất. Như vậy, đẩy chúng ta vào nguy cơ trở thành bãi rác KHCN, với các công nghệ, sản phẩm lạc hậu.

Như hiện tại, chúng ta đang mong muốn phát triển 5G, nhiều nơi sẵn sàng cho không mình thiết bị phát triển 5G, nhưng thực tế họ cho đi để phát triển công nghệ mới, hiện đại hơn.

Theo Tổng Bí thư, các đề xuất tại dự thảo nghị quyết là các chủ trương đã được Nghị quyết 57 của Bộ Chính nhìn thấy và nêu ra. Nhưng “cũng không nên quá phức tạp, chi tiết để tránh không ra được nghị quyết. Trong quá trình thí điểm 5 năm tới sẽ tiếp tục sửa luật KHCN và cả hệ thống pháp luật cho đồng bộ, sát thực tiễn”.

Chúng ta đi sau về KHCN thì phải đi tắt để đón đầu, nếu không “thế giới phát triển rồi mình không biết đi theo thì lũi cũi đi sau”. Đầu tư mà cứ chọn giá rẻ nữa thì bao giờ mới tiến bằng thế giới, Tổng Bí thư phân tích.

Tháo gỡ phải có trật tự, thống nhất

Tổng Bí thư cũng nêu ví dụ, một số nền kinh tế vừa qua không phát triển được KHCN vì đang bị mắc vào cái vốn cũ, vốn không có KHCN, phải lo thu hồi được vốn thì mới có thể cải tiến, đưa KHCN mới vào. Chúng ta sẽ thất bại nếu đi vào vết xe đổ này. “Đấy là vấn đề của đấu thầu. Tội của ông đấu thầu này đẩy vào chuyện như vậy thì mình phải thoát ra”, Tổng Bí thư nói thêm.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại phiên họp tổ

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại phiên họp tổ

Theo Tổng Bí thư, dù đầu tư công, đầu tư tư hay hợp tác công tư đều cần được quản lý. Nhưng thực tiễn không thể chỉ quản lý máy móc mà mục tiêu quan trọng là tính hiệu quả.

Nhấn mạnh ý nghĩa của sự các chính sách khuyến khích, hỗ trợ, Tổng Bí thư dẫn con số cho thấy Chính phủ miễn giảm thuế thì thu thuế lại được nhiều hơn, khi hạ lãi suất thì nhiều người vay để đầu tư sản xuất kinh doanh. Do đó, khi chủ trương là khuyến khích thì cần phải có những quy định cụ thể để khuyến khích chứ không chỉ lo thu nhiều.

Nhắc đến những vướng mắc trong các chính sách hỗ trợ, khuyến khích lâu nay, Tổng Bí thư cho rằng cả hệ thống quy định mà trước đến giờ rất làm khó chúng ta, quy định này lại vướng vào quy định khác, “cứ giằng nhau như vậy mà không biết bắt đầu từ đâu cả”.

Để đáp ứng yêu cầu thực tế hiện nay, cái gì là rào cản thì phải được tháo gỡ. Nhưng, tháo gỡ phải có trật tự để tất cả mọi người đi theo một hướng, Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Sáng 15/2, Quốc hội đã nghe các tờ trình và báo cáo về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia (KHCN, ĐMST&CĐSQG).

Nghị quyết này quy định về thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ chi tiêu tài chính từ ngân sách nhà nước (NSNN), hoạt động của tổ chức và nhân lực trong tổ chức KH&CN công lập, thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu và hoạt động KH&CN trong doanh nghiệp, công nghệ chiến lược; cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư, đấu thầu, tài chính và thử nghiệm có kiểm soát cho CĐSQG, phát triển hạ tầng số, công nghiệp công nghệ số chiến lược để tháo gỡ vướng mắc tạo cơ chế, chính sách vượt trội trong hoạt động KHCN, ĐMST&CĐSQG.

Hoàng Yến

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/tong-bi-thu-to-lam-dau-tu-chi-quan-tam-gia-re-thi-bao-gio-moi-tien-bang-the-gioi-170571.html