Tổng hợp những thẩm quyền của cấp xã, phường về giáo dục từ 1/7/2025
Từ ngày 01/7/2025, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã được trao thẩm quyền thành lập trường mầm non, trường tiểu học và trường trung học cơ sở.
Trong bài viết dưới đây sẽ tổng hợp những thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp xã, phường, đặc khu (sau đây gọi chung là cấp xã) trong lĩnh vực giáo dục được mọi người quan tâm.

Ảnh minh họa
Từ 1/7/2025 Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã có thẩm quyền thành lập trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở
Căn cứ theo khoản 1 Điều 4 Nghị định 142/2025/NĐ-CP quy định về phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương hai cấp trong lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ giáo dục và đào tạo quy định như sau:
Điều 4. Thành lập hoặc cho phép thành lập, cho phép hoạt động giáo dục, đình chỉ hoạt động giáo dục, sáp nhập, chia, tách, giải thể nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non công lập, dân lập, tư thục (sau đây gọi chung là trường mầm non)
1. Thẩm quyền thành lập hoặc cho phép thành lập, cho phép hoạt động giáo dục, đình chỉ hoạt động giáo dục, sáp nhập, chia, tách, giải thể trường mầm non quy định tại khoản 1 Điều 4, khoản 1 Điều 6, khoản 2 Điều 7, khoản 2 Điều 8 và khoản 2 Điều 9 Nghị định số 125/2024/NĐ-CP ngày 05 tháng 10 năm 2024 của Chính phủ quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện.
Căn cứ theo khoản 1 Điều 8 Nghị định 142/2025/NĐ-CP quy định như sau:
Điều 8. Thành lập hoặc cho phép thành lập, cho phép hoạt động giáo dục, đình chỉ hoạt động giáo dục, sáp nhập, chia, tách, giải thể trường tiểu học công lập, tư thục (sau đây gọi chung là trường tiểu học)
1. Thẩm quyền thành lập hoặc cho phép thành lập, cho phép hoạt động giáo dục, đình chỉ hoạt động giáo dục, sáp nhập, chia, tách, giải thể trường tiểu học quy định tại khoản 1 Điều 16, khoản 1 Điều 18, khoản 2 Điều 19, khoản 2 Điều 20 và khoản 2 Điều 21 Nghị định số 125/2024/NĐ-CP do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện.
Căn cứ theo khoản 1 Điều 10 Nghị định 142/2025/NĐ-CP quy định như sau:
Điều 10. Thành lập hoặc cho phép thành lập, cho phép hoạt động giáo dục, đình chỉ hoạt động giáo dục, sáp nhập, chia, tách, giải thể trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học công lập, tư thục
1. Thẩm quyền thành lập hoặc cho phép thành lập, cho phép hoạt động giáo dục, đình chỉ hoạt động giáo dục, sáp nhập, chia, tách, giải thể trường trung học cơ sở và trường phổ thông có nhiều cấp học có cấp học cao nhất là trung học cơ sở quy định tại khoản 1 Điều 26, khoản 1 Điều 28, khoản 2 Điều 29, khoản 2 Điều 30 và khoản 2 Điều 31 Nghị định số 125/2024/NĐ-CP do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện.
Như vậy, từ ngày 01/7/2025, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã được trao thẩm quyền thành lập trường mầm non, trường tiểu học và trường trung học cơ sở.
Từ 1/7/2025 Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã có trách nhiệm gì trong quản lý nhà nước về tổ chức hoạt động và quản lý cơ sở giáo dục
Căn cứ theo khoản 3 Điều 42 Nghị định 142/2025/NĐ-CP, từ ngày 01/7/2025, trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã trong quản lý nhà nước về tổ chức hoạt động và quản lý cơ sở giáo dục đó là:
- Chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyền tự chủ, chịu trách nhiệm giải trình về thực hiện nhiệm vụ, bảo đảm chất lượng giáo dục, hoạt động giáo dục thuộc thẩm quyền quản lý;
- Quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập, cho phép hoạt động giáo dục, đình chỉ hoạt động giáo dục, sáp nhập, chia, tách, giải thể, chuyển đổi loại hình các cơ sở giáo dục thuộc thẩm quyền quản lý theo quy định của Nghị định 142/2025/NĐ-CP và các quy định khác của pháp luật có liên quan;
- Chỉ đạo, hướng dẫn công tác tuyển sinh đầu cấp thuộc thẩm quyền quản lý; thực hiện công tác phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xóa mù chữ và xây dựng xã hội học tập trên địa bàn; chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát các trường trên địa bàn thuộc thẩm quyền quản lý triển khai công tác đánh giá chất lượng giáo dục, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, thực hiện kế hoạch cải tiến chất lượng để không ngừng duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục theo quy định;
Tiếp nhận hồ sơ đánh giá chất lượng giáo dục của các trường trên địa bàn thuộc thẩm quyền quản lý để thẩm định trước khi gửi về Sở Giáo dục và Đào tạo; tham mưu cấp có thẩm quyền về chính sách hỗ trợ cho các trung tâm học tập cộng đồng hoạt động có hiệu quả, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương;
- Tổ chức quản lý cơ sở giáo dục mầm non; cơ sở giáo dục tiểu học, cơ sở giáo dục trung học cơ sở, trung tâm học tập cộng đồng trên địa bàn quản lý;
- Chịu trách nhiệm giải trình về hoạt động giáo dục, chất lượng giáo dục, quản lý nhà giáo và người học, thực hiện chính sách phát triển giáo dục thuộc thẩm quyền quản lý trước Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo và toàn xã hội;
- Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan liên quan quản lý việc thực hiện quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn;
- Thực hiện công tác truyền thông giáo dục trên địa bàn.
Từ 1/7/2025 Ủy ban nhân dân xã có trách nhiệm trong quản lý nhà nước về cơ sở vật chất cho giáo dục
Căn cứ theo khoản 2 Điều 41 Nghị định 142/2025/NĐ-CP, từ ngày 01/7/2025, Ủy ban nhân dân xã thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục trên địa bàn xã, phường, đặc khu và chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo trong việc tổ chức, chỉ đạo, kiểm tra các hoạt động giáo dục thuộc thẩm quyền quản lý theo quy định và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn về cơ sở vật chất cho giáo dục sau:
- Quyết định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, kế hoạch phát triển giáo dục trên địa bàn trong phạm vi được phân quyền quản lý;
- Quyết định đầu tư hoặc tham gia đầu tư xây dựng các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trường phổ thông có nhiều cấp học trong đó có cấp học cao nhất là trung học cơ sở, trung tâm học tập cộng đồng theo quy định; phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu cấp có thẩm quyền xây dựng trường chuẩn quốc gia, kế hoạch sử dụng đất dành cho các cơ sở giáo dục trên địa bàn;
- Quản lý và tổ chức sử dụng có hiệu quả công sở, tài sản, phương tiện làm việc và ngân sách nhà nước được giao trên địa bàn theo quy định của pháp luật; bảo đảm đủ các điều kiện về tài chính, tài sản, cơ sở vật chất và quỹ đất theo quy định về phân cấp nguồn thu và nhiệm vụ chi của cấp có thẩm quyền; tăng cường chính sách xã hội hóa giáo dục, huy động các nguồn lực để phát triển giáo dục trên địa bàn.
Thông tư số 10/2025/TT-BGDĐT quy định về phân quyền, phân cấp và phân định thẩm quyền thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước của chính quyền địa phương hai cấp đối với giáo dục phổ thông.
Trong Thông tư 10 này có một số điểm chú ý về quyền hạn của cấp xã như sau:
Thứ nhất, quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm
Theo Thông tư, thẩm quyền quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn; xử lí hoặc kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền xử lí vi phạm; thực hiện giám sát, kiểm tra việc tuân thủ quy định của pháp luật về thời giờ làm việc, giờ làm thêm và các quy định của pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ của các tổ chức, cá nhân dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường quy định tại Điều 10 Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định về dạy thêm, học thêm do Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện.
Thứ hai, thẩm quyền của việc chuyển trường cho học sinh trung học cơ sở
Thông tư nêu rõ, thẩm quyền cấp giấy giới thiệu chuyển trường đối với cấp trung học cơ sở tại điểm f khoản 1 Điều 5 Quy định chuyển trường và tiếp nhận học sinh học tại các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông ban hành kèm theo Quyết định số 51/2002/QĐ-BGDĐT do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đi thực hiện.
Thẩm quyền tiếp nhận, giới thiệu về trường nơi cư trú, kiểm tra hồ sơ quy định tại điểm a khoản 2 Điều 5 và khoản 1 Điều 11 Quyết định số 51/2002/QĐ- BGDĐT do Ủy ban nhân dân cấp xã trường nơi đến thực hiện.
Thứ ba, thành lập, công nhận hội đồng trường
Thẩm quyền thành lập trường tiểu học, trường trung học cơ sở và trường phổ thông có nhiều cấp học có cấp học cao nhất là trung học cơ sở loại hình tư thục quy định tại khoản 1 Điều 5 Quy chế tổ chức và hoạt động của trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học loại hình tư thục ban hành kèm theo Thông tư số 40/2021/TT-BGDĐT ngày 30 tháng 12 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (sau đây gọi là Thông tư số 40/2021/TT-BGDĐT) do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện.
Thẩm quyền quản lý trường tiểu học, trường trung học cơ sở và trường phổ thông có nhiều cấp học có cấp học cao nhất là trung học cơ sở loại hình tư thục quy định tại khoản 1 Điều 5 Thông tư số 40/2021/TT-BGDĐT do Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện.
Thẩm quyền công nhận hội đồng trường và chủ tịch hội đồng trường đối với trường tiểu học, trường trung học cơ sở và trường phổ thông có nhiều cấp học có cấp học cao nhất là trung học cơ sở loại hình tư thục quy định tại điểm b khoản 3 Điều 7 Thông tư số 40/2021/TT-BGDĐT do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện.
Thẩm quyền công nhận hiệu trưởng, phó hiệu trưởng đối với trường tiểu học, trường trung học cơ sở và trường phổ thông có nhiều cấp học có cấp học cao nhất là trung học cơ sở loại hình tư thục quy định tại điểm a khoản 3 Điều 9 Thông tư số 40/2021/TT-BGDĐT do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện.
Thứ tư, thẩm quyền xét tốt nghiệp trung học cơ sở
Thẩm quyền xét công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở quy định tại Điều 12 Quy chế xét công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở ban hành kèm theo Thông tư số 31/2023/TT-BGDĐT ngày 29 tháng 12 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (sau đây gọi là Thông tư số 31/2023/TT-BGDĐT) do Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện.
Thẩm quyền thành lập Hội đồng xét công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở, quyết định công nhận tốt nghiệp, công bố danh sách học sinh được công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở, tổ chức cấp phát bằng tốt nghiệp cho học sinh được công nhận tốt nghiệp quy định tại khoản 1 Điều 7, Điều 8, khoản 2, khoản 7 Điều 14 Thông tư số 31/2023/TT-BGDĐT do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện.
Cấp xã tổ chức thi giáo viên giỏi, giáo viên tổng phụ trách Đội giỏi từ cấp mầm non đến trung học cơ sở
Tại Thông tư 12/2025/TT-BGDĐT ngày 12/6/2025 quy định về phân quyền, phân cấp và phân định thẩm quyền thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước của chính quyền địa phương hai cấp đối với lĩnh vực nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục
Theo đó, Điều 9 Thông tư 12/2025/TT-BGDĐT quy định thẩm quyền tổ chức Hội thi giáo viên dạy giỏi từ ngày 01/7/2025 như sau: Thẩm quyền tổ chức hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi quy định tại điểm b khoản 1 Điều 3 Quy định về Hội thi giáo viên dạy giỏi cơ sở giáo dục mầm non, giáo viên dạy giỏi cơ sở giáo dục phổ thông ban hành kèm theo Thông tư 22/2019/TT-BGDĐT do Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện.
Tại Điều 10. Thẩm quyền tổ chức Hội thi giáo viên làm tổng phụ trách Đội thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh giỏi
Thẩm quyền tổ chức Hội thi giáo viên làm tổng phụ trách Đội thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh giỏi quy định tại Điều 8 Điều lệ hội thi giáo viên làm tổng phụ trách Đội thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh giỏi ban hành kèm theo Thông tư số 52/2012/TT-BGDĐT ngày 19 tháng 12 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (sau đây gọi là Thông tư số 52/2012/TT-BGDĐT) do Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện.
Quản lý nhà nước của cấp xã đối với giáo dục mầm non, phổ thông ra sao?
Đối với Thông tư 13/2025/TT-BGDĐT quy định về phân quyền, phân cấp và phân định thẩm quyền thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước của chính quyền địa phương hai cấp trong lĩnh vực giáo dục về thẩm quyền của cấp xã như sau:
Thứ nhất, quản lý văn bằng, chứng chỉ
Thẩm quyền quản lý việc sử dụng phôi văn bằng, chứng chỉ và chịu trách nhiệm về việc cấp văn bằng, chứng chỉ quy định tại khoản 3 Điều 3 Quy chế quản lý bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm, bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, văn bằng giáo dục đại học và chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân ban hành kèm theo Thông tư số 21/2019/TT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (sau đây gọi là Thông tư số 21/2019/TT-BGDĐT) do Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện.
Thứ hai, tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ đánh giá ngoài
Thẩm quyền tổ chức tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ đăng ký đánh giá ngoài, gửi hồ sơ đăng ký đánh giá ngoài được chấp nhận về Sở Giáo dục và Đào tạo đối với trường tiểu học quy định tại khoản 1 Điều 27 Quy định về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với trường tiểu học ban hành kèm theo Thông tư số 17/2018/TT-BGDĐT ngày 22 tháng 8 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 22/2024/TT-BGDĐT ngày 10 tháng 12 năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (sau đây gọi là Thông tư số 17/2018/TT-BGDĐT) do Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện.
Thẩm quyền tổ chức tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ đăng ký đánh giá ngoài, gửi hồ sơ đăng ký đánh giá ngoài được chấp nhận về Sở Giáo dục và Đào tạo đối với trường trung học cơ sở và trường phổ thông có nhiều cấp học có cấp học cao nhất là trung học cơ sở (sau đây gọi là trường trung học) quy định tại khoản 1 Điều 27 Quy định về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học ban hành kèm theo Thông tư số 18/2018/TT-BGDĐT ngày 22 tháng 8 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 22/2024/TT-BGDĐT ngày 10 tháng 12 năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (sau đây gọi là Thông tư số 18/2018/TT-BGDĐT) do Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện.
Thẩm quyền tổ chức tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ đăng ký đánh giá ngoài, gửi hồ sơ đăng ký đánh giá ngoài được chấp nhận về Sở Giáo dục và Đào tạo đối với trường mầm non quy định tại khoản 1 Điều 27 Quy định về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với trường mầm non ban hành kèm theo Thông tư số 19/2018/TT-BGDĐT ngày 22 tháng 8 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 22/2024/TT-BGDĐT ngày 10 tháng 12 năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (sau đây gọi là Thông tư số 19/2018/TT-BGDĐT) do Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện.
Thứ ba, đánh giá công nhận thư viện trường mầm non đến trung học cơ sở
Thẩm quyền đánh giá và công nhận thư viện trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và trường phổ thông có nhiều cấp học (cấp học cao nhất là trung học cơ sở) quy định tại điểm b khoản 4 Điều 25 Quy định tiêu chuẩn thư viện cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 16/2022/TT-BGDĐT ngày 22 tháng 11 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (sau đây gọi là Thông tư số 16/2022/TT-BGDĐT) do Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện.
Tài liệu tham khảo:
[1] Nghị định 142/2025/NĐ-CP
[2] Thông tư 10/2025/TT-BGDĐT
[3] Thông tư 11/2025/TT-BGDĐT
[4] Thông tư 10/2025/TT-BGDĐT