Tổng kết 5 năm Đề án 'Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh thiếu niên, nhi đồng'
Sáng 11-5, Bộ GD-ĐT đã tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết 5 năm thực hiện Quyết định số 1501/QĐ-TTg (ngày 28-8-2015) của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án 'Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015-2020'.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn và Thứ trưởng Ngô Thị Minh chủ trì hội nghị. Tại điểm cầu của 63 tỉnh, thành phố có sự tham dự của đại diện UBND tỉnh, thành phố, Sở GD-ĐT, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Sở Thông tin – Truyền thông, Đoàn Thanh niên, đại diện các trường phổ thông, cơ sở giáo dục đại học trên địa bàn.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Ngô Thị Minh cho biết, Quyết định số 1501/QĐ-TTg được ban hành nhằm tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, bồi đắp tình yêu gia đình, đất nước, kiên định với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội cho thế hệ trẻ Việt Nam.
Ngoài ra, Đề án cũng hướng đến mục tiêu giáo dục thế hệ trẻ có ý thức tuân thủ pháp luật, năng lực và bản lĩnh trong hội nhập quốc tế, trở thành những công dân có ích, tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Sau 5 năm thực hiện, cả nước có 100% Sở GD-ĐT tỉnh, thành phố và 85% cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng sư phạm ban hành kế hoạch triển khai thực hiện. Một số cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng sư phạm chỉ đạo triển khai lồng ghép công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho học sinh, sinh viên từng năm học.
Đặc biệt, ngành giáo dục và đào tạo đã chú trọng đổi mới phương pháp giảng dạy các môn Đạo đức, Giáo dục công dân, Giáo dục lý luận chính trị theo hướng phát triển năng lực và phẩm chất người học, tăng cường các hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống phù hợp với từng cấp học và trình độ đào tạo.
Giai đoạn 2015-2020, nhiều địa phương, cơ sở đào tạo đã tích cực đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí, rèn luyện thể chất của thanh thiếu niên, nhi đồng bằng nhiều nguồn vốn khác nhau.
Việc nâng cao hiệu quả sử dụng các thiết chế văn hóa như bảo tàng, di tích lịch sử, văn hóa, cơ sở vật chất dành cho thanh thiếu nhi, học sinh, sinh viên được chú trọng triển khai ở nhiều địa phương, nhà trường.
Năm học 2020-2021, đã có 99,6% cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên ban hành quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học; 87% cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng sư phạm ban hành quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học.
Hàng năm, các cấp Đoàn đều duy trì tổ chức các lớp tập huấn cho đội ngũ làm công tác giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng.
Tính đến cuối năm 2020, các tổ chức Đoàn đã giới thiệu hơn 1,1 triệu đoàn viên ưu tú xem xét kết nạp Đảng, trong đó có 667.449 đoàn viên được kết nạp.
Theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, một trong những hiệu quả tích cực của Đề án là cảnh quan, môi trường giáo dục được cải thiện rõ rệt, bảo đảm an toàn, thân thiện, tạo sự chuyển biến rõ rệt trong xây dựng văn hóa học đường. Trường học thực hiện việc xây dựng nền nếp, quy tắc ứng xử văn hóa, tổ chức hát Quốc ca trong lễ chào cờ, các hoạt động thể thao, tham gia lao động, dọn dẹp vệ sinh được thực hiện thường xuyên, hiệu quả. Trường, lớp xanh, sạch, đẹp, thân thiện, văn minh.
Song song đó, nhìn nhận về hạn chế, cơ quan quản lý cho rằng, hiện nay một số bộ, ngành Trung ương, địa phương chưa quan tâm đúng mức, thiếu sự quyết liệt trong chỉ đạo và đầu tư nguồn lực triển khai thực hiện các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ GD-ĐT về giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho người học.
Việc xây dựng kế hoạch triển khai còn chung chung, chưa gắn với nhiệm vụ cụ thể. Một số nội dung chuyên đề giáo dục đạo đức, lối sống còn khô khan, chưa gắn với đời sống của thế hệ trẻ. Kiến thức lồng ghép trong chương trình các môn học chính khóa chưa nhiều ngoài môn Đạo đức, Giáo dục công dân.
Các cuộc vận động “Kỷ cương – Tình thương – Trách nhiệm”, “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” và phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” triển khai ở một số địa phương, cơ sở giáo dục còn hình thức, chưa hiệu quả.
Ở một số địa phương, nhiều trường học còn tình trạng thiếu thốn về sân bãi, cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị phục vụ hoạt động trải nghiệm, giáo dục ngoài giờ lên lớp. Một trong những hậu quả dẫn đến là một bộ phận thanh niên, thiếu niên và nhi đồng có biểu hiện lệch lạc về phẩm chất đạo đức, lối sống, tình trạng bạo lực học đường vẫn diễn ra phức tạp tại một số địa phương, hiện tượng thờ ơ, vô cảm, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai trái, tiêu cực không dám đấu tranh, thiếu hoài bão, lý tưởng sống, thiếu kỹ năng mềm… Tình trạng vi phạm pháp luật trong thanh thiếu nhi vẫn còn.
Giai đoạn 2021-2025 tới đây mở ra nhiều cơ hội cũng như thử thách. Bộ GD-ĐT và các bộ, ngành, địa phương xác định mục tiêu giáo dục là đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện về đạo đức, tri thức, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp, trong đó đạo đức luôn được đặt lên hàng đầu.
Ngành giáo dục sẽ tiếp tục tổ chức tích hợp, lồng ghép hiệu quả nội dung giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống trong dạy học các môn học (Đạo đức, Giáo dục công dân, Tiếng Việt, Lịch sử, Ngữ văn...) và các hoạt động giáo dục (hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, giáo dục địa phương) tạo điều kiện thuận lợi cho sự hình thành, phát triển năng lực, phẩm chất, nhân cách của học sinh đáp ứng yêu cầu của xã hội.
Dịp này, Bộ GD-ĐT đã khen thưởng cho 38 học sinh, sinh viên do có hành động dũng cảm, được công nhận tấm gương “Người tốt, việc tốt” từ năm 2016 đến nay. Ngoài ra, Bộ GD-ĐT cũng tặng bằng khen cho 48 tập thể và 12 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Đề án.