Tổng lãnh sự Ấn Độ tại TP Hồ Chí Minh thăm Khu khảo cổ Cát Tiên

Trong chuyến ngoại giao văn hóa tại Lâm Đồng nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập ngoại giao Việt Nam - Ấn Độ, ngài Madan Mohan Sethi - Tổng lãnh sự Ấn Độ tại TP Hồ Chí Minh đã đến thăm Di tích Quốc gia đặc biệt Khu khảo cổ Cát Tiên.

Ngài Tổng lãnh sự Ấn Độ thăm không gian trưng bày các hiện vật khảo cổ tại Di tích Cát Tiên

Ngài Tổng lãnh sự Ấn Độ thăm không gian trưng bày các hiện vật khảo cổ tại Di tích Cát Tiên

Tại chuyến đi, Tổng lãnh sự Ấn Độ đã tham quan nhà trưng bày với những hiện vật có giá trị lịch sử văn hóa được khai quật tại Thánh địa Cát Tiên, thăm di chỉ khảo cổ gò 2. Ngài lãnh sự đã được nghe ông Nguyễn Văn Tiến – Phó Giám đốc Bảo tàng Lâm Đồng phụ trách Khu di tích khảo cổ Cát Tiên giới thiệu về lịch sử của di tích, quá trình khai quật, giá trị văn hóa của các hiện vật, niên đại của khu di chỉ.

Di tích Khảo cổ Cát Tiên là quần thể các phế tích kiến trúc bằng gạch quy mô rộng lớn, trải dài khoảng 15 km từ xã Quảng Ngãi đến xã Đức Phổ và Gia Viễn dọc bên sông Đồng Nai, có niên đại gần một thiên niên kỷ, từ thế kỷ III – IV đến thế kỷ X – XI.

Di tích khảo cổ Cát Tiên được phát hiện năm 1985, diện tích trung tâm Di tích nằm trên một vùng gần 50 ha tại Thôn 1, xã Quảng Ngãi, nơi tập trung dày đặc các phế tích kiến trúc.

Ngài Tổng lãnh sự trao tặng bộ sách quý về đền tháp Ấn Độ cho cán bộ quản lý Khu di tích

Ngài Tổng lãnh sự trao tặng bộ sách quý về đền tháp Ấn Độ cho cán bộ quản lý Khu di tích

Quá trình khai quật, các nhà khảo cổ đã tìm thấy hơn 3.000 hiện vật, đa dạng về chất liệu như vàng, bạc, đồng, sắt, đá quý, gốm, đá, phong phú về loại hình, có giá trị về lịch sử, văn hóa và khoa học, bao gồm: Vật liệu kiến trúc, cấu kiện trang trí, tượng thờ (Ganesa và Uma), linga, yoni, sưu tập hiện vật vàng lá, đồ trang sức, các vật dụng sinh hoạt, dụng cụ sản xuất, nhóm hiện vật mang tính chất nghi lễ bằng đồng thau, đồ gốm...

Qua các hiện vật có thể hiểu Di tích Cát Tiên là thánh địa mang tính chất Balamon giáo của vùng Đông Nam Bộ cổ xưa và có thể đoán rằng sự lụi tàn của Cát Tiên (Việt Nam) – Vát Phu (Lào) – Angko (Campuchia) hình như có cùng một nguyên nhân, cùng một xu thế...

Ngài Tổng lãnh sự đã bày tỏ niềm vui và bất ngờ trước Di chỉ khảo cổ Cát Tiên với nhiều nét tương đồng với văn hóa, tín ngưỡng Ấn Độ, có nguồn gốc từ Balamon giáo; đồng thời, trao đổi cùng lãnh đạo quản lý Khu di tích về vấn đề phát triển du lịch văn hóa gắn với du lịch sinh thái trên sông Đồng Nai và Vườn Quốc gia Nam Cát Tiên; tăng cường giao lưu văn hóa giữa Việt Nam nói chung, Cát Tiên - Lâm Đồng nói riêng với Ấn Độ.

Ngài Tổng lãnh sự mong muốn trong thời gian tới sẽ thúc đẩy sự gắn kết ngoại giao văn hóa để ngày càng có nhiều du khách Ấn Độ đến với Cát Tiên, Lâm Đồng, đến với Việt Nam, để thêm nhiều người dân Ấn Độ hiểu biết về mảnh đất, con người nơi đây, từ đó tăng cường giao lưu, thắt chặt tình đoàn kết, gắn bó giữa hai nhà nước, hai dân tộc.

Nhân dịp này, ngài Tổng lãnh sự Madan Mohan Sethi đã tặng cho Khu Di tích Khảo cổ Cát Tiên bộ sách quý về những đền tháp Ấn Độ.

Cán bộ quản lý Di tích tặng sách “Thánh địa Cát Tiên” cho ngài Tổng lãnh sự

Cán bộ quản lý Di tích tặng sách “Thánh địa Cát Tiên” cho ngài Tổng lãnh sự

Tham quan Di chỉ khảo cổ gò 2A

Tham quan Di chỉ khảo cổ gò 2A

Ngài Tổng lãnh sự viết cảm tưởng sau khi tham quan khu di tích

Ngài Tổng lãnh sự viết cảm tưởng sau khi tham quan khu di tích

Chụp hình lưu niệm tại Di tích khảo cổ Cát Tiên

Chụp hình lưu niệm tại Di tích khảo cổ Cát Tiên

QUỲNH UYỂN

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/chinhtri/202211/tong-lanh-su-an-do-tai-tp-ho-chi-minh-tham-khu-khao-co-cat-tien-3144360/