Tổng số tiền công đức, tài trợ vào các di tích trong năm 2023 là 4.100 tỷ đồng

Hiện nay cả nước mới có 49% di tích tại các địa phương báo cáo số liệu thu, chi tiền công đức, tài trợ với tổng số tiền thực thu trong năm 2023 là 4.100 tỷ đồng và số đã chi là 3.612 tỷ đồng.

Cả nước hiện có 31.211 di tích lịch sử-văn hóa. (Ảnh: TTXVN)

Cả nước hiện có 31.211 di tích lịch sử-văn hóa. (Ảnh: TTXVN)

Ngày 26/6, Bộ Tài chính cho biết đã báo cáo Chính phủ về Kết quả kiểm tra tổng thể việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử văn hóa trên phạm vi toàn quốc năm 2023.

7 tỉnh, thành phố có số thu trên 200 tỷ đồng

Theo báo cáo số liệu từ các địa phương, cả nước hiện có 31.211 di tích lịch sử-văn hóa, trong đó 206 di tích quốc gia đặc biệt, 3.875 di tích quốc gia, 10.963 di tích cấp tỉnh và 16.167 di tích được đưa vào danh mục kiểm kê di tích của địa phương.

Về số thu, chi tiền công đức, tài trợ năm 2023, các địa phương báo cáo có 49% di tích thành phần có số liệu thu, chi tiền công đức, tài trợ. Trong đó, di tích cơ sở tôn giáo là 69% và các di tích khác là 44% có số liệu thu, chi. Riêng các di tích trên địa bàn tỉnh Đắk Nông không có thu, chi công đức, tài trợ.

 Năm 2023, các địa phương báo cáo có 49% di tích thành phần có số liệu thu, chi tiền công đức, tài trợ. (Ảnh: TTXVN)

Năm 2023, các địa phương báo cáo có 49% di tích thành phần có số liệu thu, chi tiền công đức, tài trợ. (Ảnh: TTXVN)

Kết quả, tổng số tiền thực thu trong năm 2023 là 4.100 tỷ đồng (không bao gồm các khoản công đức, tài trợ bằng hiện vật, công trình xây dựng; tiền công đức, tài trợ cho hoạt động tôn giáo của tổ chức tôn giáo). Trong đó, số thu tại các di tích là cơ sở tín ngưỡng 3.062 tỷ đồng (75%) và các di tích là cơ sở tôn giáo 1.038 tỷ đồng (25%).

Về địa phương, có 7 tỉnh, thành phố có số thu trên 200 tỷ đồng, gồm có Hà Nội 672 tỷ đồng, Hải Dương 278 tỷ đồng, An Giang 277 tỷ đồng, Bắc Ninh 269 tỷ đồng, Hưng Yên 242 tỷ đồng, Nam Định 215 tỷ đồng. Riêng, tỉnh Quảng Ninh được giao thực hiện thí điểm việc kiểm tra, số thu bốn tháng đầu năm 2023 là trên 67 tỷ đồng (đã bổ sung số thu tại chùa Ba Vàng và một số di tích) và ước thu cả năm trên 200 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, tổng số chi trong năm 2023 là 3.612 tỷ đồng (một số địa phương có số chi cao hơn số thu do sử dụng số dư năm 2022 chuyển sang). Trong đó, chi quản lý là 445 tỷ đồng (12%), chi hoạt động lễ hội là 692 tỷ đồng (19%), chi tu bổ, tôn tạo di tích là 1.643 tỷ đồng (46%). Các khoản chi tuyên truyền, bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường, cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới các công trình phụ trợ tại di tích là 542 tỷ đồng (15%).

Ngoài ra, chi hoạt động từ thiện, nhân đạo là 290 tỷ đồng (8%), bao gồm hỗ trợ cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn 47 tỷ đồng, hỗ trợ người bị thiệt hại do thiên tai, hỏa hoạn 8 tỷ đồng, ủng hộ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo 27 tỷ đồng, ủng hộ làm đường giao thông nông thôn 43 tỷ đồng, ủng hộ khác 165 tỷ đồng.

Báo cáo cho biết thêm số tiền còn dư đến cuối năm 2023 sẽ được chuyển sang năm 2024 để tiếp tục sử dụng cho việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích và tổ chức lễ hội.

Có tới 1.771 cơ sở di tích không báo cáo

Theo đánh giá từ Bộ Tài chính, trong điều kiện cân đối ngân sách Nhà nước gặp nhiều khó khăn, chi ngân sách dành cho lĩnh vực văn hóa hàng năm còn khiêm tốn, thì tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử-văn hóa là nguồn tài chính rất quan trọng. Điều này đã và đang đóng góp tích cực cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa nói riêng, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của đất nước nói chung. Và, việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích cũng đã và đang có sự chuyển biến tích cực theo hướng công khai, minh bạch kể từ khi Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 04/2023/TT-BTC ngày 19/01/2023.

Song vẫn còn những hạn chế, khó khăn, đa số báo cáo của địa phương cho rằng số liệu thu, chi tiền công đức, tài trợ của các di tích, kể cả di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt mới chỉ phản ánh một phần, chưa đầy đủ.

Do, các di tích là cơ sở tôn giáo về cơ bản đều có hoạt động thu, chi tiền công đức, tài trợ nhưng còn khoảng 31% tương ứng 1.771 cơ sở di tích không báo cáo. Trong số này, nhiều chùa thuộc sở hữu chung của cộng đồng đã được Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh đưa vào danh mục kiểm kê để phục vụ cho công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích không báo cáo. Lý do là việc địa phương đưa chùa vào danh mục kiểm kê di tích không có ý kiến nhà chùa.

Đến nay, nhiều di tích là đền, chùa vẫn còn đặt đĩa, đặt khay trên các ban thờ khiến du khách đặt nhiều loại tiền lộn xộn, không chỉ làm mất đi sự tôn nghiêm, thanh tịnh nơi thờ tự mà còn gây lòng tham cho người khác. Theo quy định các khoản tiền nêu trên được thu gom để kiểm đếm và sử dụng chung cho việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích và lễ hội, trong đó có chi thù lao cho người trông coi, bảo vệ di tích và chi mua hương, hoa, lễ vật, đèn nhang tại di tích. Tuy nhiên, việc những di tích chưa thực hiện lắp camera có bảo đảm minh bạch hay không hoàn toàn phụ thuộc vào ý thức tự giác của người đại diện di tích.

 Việc những di tích chưa thực hiện lắp camera có bảo đảm minh bạch hay không hoàn toàn phụ thuộc vào ý thức tự giác của người đại diện di tích. (Ảnh: TTXVN)

Việc những di tích chưa thực hiện lắp camera có bảo đảm minh bạch hay không hoàn toàn phụ thuộc vào ý thức tự giác của người đại diện di tích. (Ảnh: TTXVN)

Hơn nữa, việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại không ít di tích chưa chặt chẽ, tiềm ẩn rủi ro, để thất thoát, trộm cắp. Một số di tích giao tiền cho cá nhân giữ, đứng tên gửi tiết kiệm, cho các cá nhân vay, đã có trường hợp bị lừa nhiều tỷ đồng.

Mặt khác, một số di tích có thói quen giữ tiền mặt mà không gửi vào tài khoản bị kẻ gian lấy trộm hay nhiều di tích tiếp nhận tiền trong hòm công đức chưa kịp thời bị kẻ gian cạy phá hòm lấy tiền. Cá biệt, có trường hợp nhân viên Ban quản lý di tích lấy trộm tiền công đức bị nhiều người phát hiện, số tiền không nhiều nhưng hành vi trộm cắp tiền công đức đã để lại ấn tượng không tốt với du khách thập phương.

Báo cáo cũng chỉ ra vẫn còn xảy ra “va chạm” trong việc tiếp nhận tiền công đức, tài trợ tại một số di tích đan xen các chủ thể khác nhau quản lý, nhất là những di tích vừa có cơ sở tín ngưỡng, vừa có cơ sở tôn giáo (cụm di tích gồm đình, đền, miếu, chùa) và một số cụm di tích là cơ sở tín ngưỡng giao khoán cho các hộ gia đình quản lý, làm ảnh hưởng đến những giá trị tốt đẹp của tín ngưỡng, tôn giáo.

Ngoài việc quản lý tiền công đức, báo cáo nêu tình trạng đốt vàng mã với số lượng lớn gây tốn kém, lãng phí, ô nhiễm môi trường, nguy cơ cháy nổ tại các di tích là cơ sở tín ngưỡng, nhất là các đền. Như, nhóm du khách trú tại phường Quang Trung, tỉnh Thái Bình đến làm lễ tại đền Tranh, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương (ngày 7/12/2023) chở theo 100 bao tải vàng mã với khối lượng khoảng 1,5 tấn, gây xôn xao dư luận. Bên cạnh đó, không ít du khách đi lễ đầu năm 2024 tại đền Ông Hoàng Mười ở tỉnh Nghệ An phải dùng xe kéo đồ vàng mã đưa vào đền…

Cần lắp camera giám sát

Theo Bộ Tài chính, việc lần đầu tiên thực hiện kiểm tra tổng thể về quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử-văn hóa trên phạm vi toàn quốc đã giúp cho các địa phương có cơ sở thực tiễn để đánh giá toàn diện về hoạt động này.

Để mở sổ ghi chép đầy đủ các khoản thu, chi bảo đảm công khai, minh bạch, trường hợp các tổ chức tiếp nhận chưa mở tài khoản tại ngân hàng hoặc Kho bạc Nhà nước thì cần thực hiện ngay để bảo đảm việc quản lý an toàn. Hiện nay, thanh toán không dùng tiền mặt không còn xa lạ, đang trở thành thói quen của mọi người, do vậy việc công đức, tài trợ theo hình thức chuyển khoản là bình thường, vừa văn minh vừa dễ dàng kiểm soát, không cản trở hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính yêu cầu việc quản lý chặt chẽ các khoản tiền đã tiếp nhận, bao gồm tiền trong hòm công đức. Các khoản tiền mặt tạm thời chưa sử dụng cần gửi kịp thời vào tài khoản để bảo đảm việc quản lý an toàn, hạn chế thiệt hại do hành vi trộm cắp. Trường hợp ban quản lý di tích đang giao tiền cho cá nhân giữ, đứng tên gửi tiết kiệm hoặc cho vay cần thực hiện thu hồi ngay để quản lý theo tài khoản của ban quản lý.

Các di tích cũng cần lắp camera giám sát tại các điểm tiếp nhận, kiểm đếm tiền công đức, tài trợ.

Việc quản lý di tích và tổ chức lễ hội tại di tích trong tình hình mới, bị chi phối bởi nhiều yếu tố khác nhau, trong đó có yếu tố kinh tế thị trường, do đó Bộ Tài chính kiến nghị các cơ quan chức năng Nhà nước cần phải tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát, bảo đảm tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội được sử dụng đúng mục đích, công khai, minh bạch nhằm loại bỏ xu hướng chạy theo lợi ích vật chất, lòng tham, lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi.

Đối với các địa phương đến nay chưa ban hành văn bản quy định về quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội theo hướng dẫn tại Thông tư số 04/2023/TT-BTC. Do đó, Bộ Tài chính đề nghị Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh quan tâm chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan khẩn trương xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành để thống nhất thực hiện tại địa phương./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/tong-so-tien-cong-duc-tai-tro-vao-cac-di-tich-trong-nam-2023-la-4100-ty-dong-post961303.vnp