Tổng tài sản tại các công ty quản lý quỹ chỉ chiếm gần 6% GDP
Tổng tài sản tại các công ty quản lý quỹ tại Việt Nam mới chỉ chiếm gần 6% GDP, thấp hơn đáng kể so với các nước trong khu vực.
Ngày 28-3, tại thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị “Quỹ đầu tư và đầu tư nước ngoài trong kỷ nguyên phát triển mới của Việt Nam”.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: M.Tuấn
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng khẳng định, năm 2024 đánh dấu sự thành công của nền kinh tế và thị trường vốn Việt Nam với tổng mức vốn huy động đạt gần 930 nghìn tỷ đồng, cao gấp 1,3 lần so với năm 2023, tương đương 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện năm 2024 đạt 25,4 tỷ USD, tăng 9,4% so với năm trước đó, đạt mức cao nhất từ trước đến nay.
Tuy vậy, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, trong bối cảnh đầy thách thức của địa chính trị và kinh tế toàn cầu, thị trường vốn của Việt Nam vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức phía trước.
Trong đó phải kể đến hoạt động của hệ thống quỹ đầu tư chứng khoán chưa tương xứng với tiềm năng phát triển. Đối với hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), theo nhìn nhận của các nhà đầu tư và tổ chức quốc tế, vẫn tồn tại một số vướng mắc trong quá trình thực thi về đất đai, xây dựng, thuế, hải quan, thủ tục hành chính…

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: M.Tuấn
Tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Thị Chân Phương cho hay, ngành quỹ tại Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để mở rộng, khi tổng tài sản quản lý tại các công ty quản lý quỹ mới chỉ chiếm gần 6% GDP, thấp hơn đáng kể so với các nước trong khu vực.
Để đạt mục phát triển ngành quỹ, bà Phương cho biết, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang xây dựng đề án đào tạo nhà đầu tư nhằm giúp thay đổi thói quen tự đầu tư sang đầu tư thông qua quỹ đầu tư chuyên nghiệp, từ đầu cơ sang đầu tư dài hạn, ổn định. Bên cạnh đó, việc đa dạng hóa các loại hình quỹ đầu tư cũng đang được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước triển khai thực hiện.
Chia sẻ bên lề hội nghị, ông Don Lam, Tổng Giám đốc và cổ đông sáng lập Tập đoàn VinaCapital cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn bị chi phối chủ yếu bởi các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ, chiếm tới 90% tổng số nhà đầu tư.
Để nâng cao tính bền vững của thị trường tài chính, theo ông Don Lam, bên cạnh thay đổi nhận thức và hành vi của nhà đầu tư cá nhân, khuyến khích họ tham gia vào các quỹ đầu tư chuyên nghiệp, Nhà nước và các cơ quan quản lý cần xem xét các chính sách và cơ chế hỗ trợ để thúc đẩy sự phát triển của quỹ đầu tư, góp phần huy động nguồn vốn dài hạn cho nền kinh tế.
Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh, những đánh giá đa chiều, thẳng thắn, các ý kiến đề xuất khách quan được các đại biểu chia sẻ tại hội nghị sẽ “hiến kế” cho Bộ Tài chính các giải pháp để phát triển các quỹ đầu tư nhằm thu hút nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển, nâng cao hiệu quả đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách và tham mưu cho Chính phủ thực hiện các giải pháp để thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong kỷ nguyên mới.