Tổng thống Belarus: 'Ukraine không còn gì để chiến đấu'

Ngày 6/10, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko cho rằng Mỹ đang đẩy Nga đến chỗ phải sử dụng vũ khí hạt nhân, khi trang bị vũ khí hiện đại cho Ukraine.

Tổng thống Belarus Alexander Lakashenko. Ảnh: Getty

Tổng thống Belarus Alexander Lakashenko. Ảnh: Getty

“Tôi có ấn tượng - tôi nhắc lại rằng đó là quan điểm của tôi - rằng người Mỹ đang đẩy người Nga đến mức phải sử dụng loại vũ khí đáng sợ nhất. Họ trang bị vũ khí cho Volodymir Oleksandrovych Zelensky và quân đội của ông ta, đồng thời cung cấp tên lửa tầm xa, kể cả những tên lửa có thể bay xa 300 km”, ông Lukashenko nói trong chuyến thăm một cơ sở quân sự ở vùng Brest.

Ông Lukashenko cho rằng nếu một tên lửa như vậy tấn công lãnh thổ Nga, Moscow sẽ đáp trả.

“Nếu có cuộc tấn công như vậy vào sâu trong lãnh thổ Nga thì sự đáp trả sẽ rất lớn. Nếu không, tại sao chúng ta lại cần những vũ khí (hạt nhân) này?”- ông Lukashenko nói.

Nhà lãnh đạo Belarus cũng cho rằng quân đội Ukraine không thể đối phó với Nga được nữa. "Ukraine không còn gì để chiến đấu. Thậm chí, nếu tiếp tục chiến đấu, họ cũng không thể duy trì được lâu", ông nói.

Tổng thống Belarus nhấn mạnh: "Họ cần phải ngừng cuộc chiến này ngay bây giờ. Nếu không, vài tháng nữa, sẽ không còn ai bàn về vấn đề này với Ukraine hay với phương Tây".

Ông Lukashenko từng nhiều lần kêu gọi chấm dứt xung đột Nga - Ukraine càng sớm càng tốt.

Belarus là một đồng minh quan trọng của Nga và có chung đường biên giới với Ukraine. Tổng thống Lukashenko cáo buộc phương Tây tìm cách kéo Belarus vào cuộc xung đột ở Ukraine. Tuy nhiên, ông khẳng định Belarus không can dự vào xung đột Nga – Ukraine, ngoại trừ Belarus thành mục tiêu tấn công của Ukraine và các đồng minh phương Tây.

Trả lời câu hỏi Ukraine làm gì để bảo vệ chủ quyền, ông Lukashenko nói: "Bước đầu tiên là kết thúc xung đột. Tôi không nói rằng các vị phải từ bỏ các vùng lãnh thổ (bị Nga kiểm soát), nhưng hãy chọn cách khác. Nếu tập trung chiến đấu vì những vùng lãnh thổ đó, các vị sẽ mất chúng".

Trong khi đó, phía Ukraine tuyên bố xung đột chỉ chấm dứt, hòa đàm chỉ diễn ra khi Nga rút hết quân, khôi phục đường biên giới năm 1991 cho Ukraine.

Ukraine bắt đầu cuộc phản công quy mô lớn thứ hai từ tháng 6, nhưng đến nay chưa đạt được kết quả đột phá do vấp phải hệ thống phòng thủ kiên cố của Nga. Kiev đang đứng trước khó khăn khi các đồng minh viện trợ phương Tây có dấu hiệu hụt hơi.

https://tienphong.vn/tong-thong-belarus-noi-my-dang-day-nga-den-muc-phai-dung-vu-khi-hat-nhan-post1575918.tpo

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/tong-thong-belarus-ukraine-khong-con-gi-de-chien-dau-post251589.html