Tổng thống Biden đẩy mạnh tiêm vaccine Covid-19: Khi kiên nhẫn dần vơi
Kế hoạch mới của Tổng thống Joe Biden là câu trả lời trước tốc độ tiêm vaccine Covid-19 chậm, đe dọa quá trình phục hồi của nước Mỹ sau đại dịch.
Phát biểu tại Nhà Trắng ngày 9/9, Tổng thống Joe Biden đã công bố kế hoạch mới về thúc đẩy tiêm chủng vaccine Covid-19. Tận dụng mọi quyền hạn từ sắc lệnh hành pháp tới đạo luật liên bang, ông sẽ triển khai kế hoạch quyết liệt nhất từ khi lên nắm quyền nhằm kiểm soát đại dịch, thúc đẩy sự phục hồi của nước Mỹ.
Nỗ lực này cũng phản ánh thái độ của Tổng thống Joe Biden với 80 triệu người đủ điều kiện, song lại chưa tiêm vaccine. Ông khẳng định: “Chúng tôi đã kiên nhẫn song giờ đây, sự kiên nhẫn ấy đã dần cạn kiệt. Việc các bạn từ chối tiêm vaccine Covid-19 đang khiến tất cả chúng ta phải trả giá”.
Tổng thống Joe Biden cam kết “bảo vệ người lao động đã tiêm chủng trước những người chưa tiêm vaccine”, đồng thời tuyên bố sẽ xoay chuyển cục diện cuộc chiến chống Covid-19 tại Mỹ.
Liệu kế hoạch tiêm chủng trên có thể giúp ông thực hiện lời hứa ấy?
Quyết liệt và toàn diện
Kế hoạch mới của chính quyền Tổng thống Joe Biden có 6 điểm chính.
Đầu tiên, Bộ Lao động Mỹ sẽ xây dựng một đạo luật khẩn cấp, yêu cầu người lao động trong các doanh nghiệp tư có quy mô trên 100 người tiêm chủng đầy đủ hoặc xét nghiệm Covid-19 ít nhất một lần/tuần và cho kết quả âm tính. Đồng thời, chủ doanh nghiệp cần hỗ trợ thời gian cho người lao động tiêm chủng đầy đủ. Ước tính, đạo luật mới sẽ tác động tới 80 triệu người lao động Mỹ.
Ngoài ra, Tổng thống Joe Biden đã ký sắc lệnh hành pháp yêu cầu tất cả nhân viên chính phủ liên bang phải tiêm chủng đầy đủ. Ông cũng dự kiến mở rộng yêu cầu tiêm chủng từ nhân viên y tế làm việc tại nhà dưỡng lão theo chương trình Medicare và Medicaid tới tất cả các cơ sở y tế khác.
“Chúng tôi đã kiên nhẫn song giờ đây, sự kiên nhẫn ấy đã dần cạn kiệt. Việc các bạn từ chối tiêm vaccine Covid-19 đang khiến tất cả chúng ta phải trả giá”. (Tổng thống Mỹ Joe Biden)
Thứ hai, chính phủ liên bang sẽ tạo điều kiện cho người dân tiêm bổ sung vaccine Covid-19. Theo Tổng thống Joe Biden, các bác sỹ tin rằng mũi bổ sung sẽ giúp ngăn ngừa SARS-CoV-2 hiệu quả hơn. Hiện chính phủ Mỹ đã mua đủ vaccine Covid-19 và sẽ triển khai tiêm chủng khi cần thiết.
Tuy nhiên, hiện chưa rõ thời điểm tiêm bổ sung là bao giờ. Ông chủ Nhà Trắng cũng nhấn mạnh chính phủ liên bang sẽ không triển khai tiêm bổ sung khi chưa nhận được đồng thuận của các bang.
Thứ ba, Tổng thống Joe Biden dự kiến triển khai hàng loạt biện pháp nhằm bảo vệ trường học trước đại dịch Covid-19, đặc biệt là trẻ em dưới 12 tuổi, đối tượng chưa đủ điều kiện tiêm vaccine.
Một mặt, ông kêu gọi phụ huynh tiêm chủng đầy đủ cho con em trong độ tuổi cho phép, đồng thời thúc giục các địa phương đẩy mạnh tiêm vaccine Covid-19 trong nhà trường. Gần 300.000 thầy, cô giáo tại trường công nằm dưới sự quản lý của chính phủ liên bang sẽ phải tiêm chủng đầy đủ.
Mặt khác, Tổng thống Joe Biden tiếp tục ủng hộ nỗ lực của Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ xét duyệt, phê chuẩn vaccine “an toàn và nhanh nhất có thể” dành cho mọi đối tượng.
Thứ tư, nhằm giúp người dân dễ xét nghiệm Covid-19 hơn, Washington đã bắt tay với các nhà bán lẻ lớn như Amazon và Walmart để phổ cập, hạ giá các bộ xét nghiệm Covid-19 nhanh tại nhà.
Chính phủ liên bang đã chi 2 tỷ USD mua 300 triệu bộ xét nghiệm nhanh cho các trung tâm y tế công cộng, ngân hàng thực phẩm và trường học để “tất cả người dân Mỹ, bất kể thu nhập, đều có thể xét nghiệm dễ dàng và miễn phí.”
Đồng thời, Cục An ninh vận tải Mỹ (TSA) sẽ gấp đôi hình phạt với người ra đường không đeo khẩu trang.
Thứ năm, Tổng thống Joe Biden cam kết mở rộng các chương trình vay vốn, hỗ trợ chủ doanh nghiệp nhỏ tiếp cận các khoản vay với lãi suất thấp để trang trải các chi phí như thuê nhân công, giữ chân người lao động, mở rộng quy mô sản xuất hay thanh toán các khoản nợ còn tồn đọng.
Tự hào với thành tích tạo ra 700,000 việc làm mỗi tháng, song ông nhấn mạnh kinh tế Mỹ vẫn đang phục hồi: “Chúng ta vẫn đang trong giai đoạn khó khăn, và điều này có thể kéo dài thời gian tới”.
Cuối cùng, Tổng thống Joe Biden cũng vạch ra một số đối sách trước lượng ca lây nhiễm và nhập viện gia tăng như hỗ trợ các bệnh viện quá tải và đẩy nhanh nghiên cứu phương pháp điều trị mới.
Đồng thời, ông chủ Nhà Trắng khẳng định sẽ triển khai một số “đội phản ứng” bao gồm chuyên gia y tế để kiểm soát dịch bệnh, bên cạnh đội ngũ chăm sóc y tế đã được triển khai từ trước đó.
Tổng thống Joe Biden cũng cam kết tạo điều kiện để mọi người tiếp cận các liệu pháp điều trị mới đã được cộng đồng y khoa khuyên dùng, bao gồm đẩy mạnh vận chuyển các kháng thể đơn dòng.
Muộn còn hơn không
Ngay lập tức, kế hoạch của Tổng thống Joe Biden đã thu hút nhiều sự chú ý của giới chuyên gia.
Giáo sư Georges C. Benjamin, Giám đốc điều hành Hiệp hội Y tế công cộng Mỹ, cho rằng Washington đã hành động quá chậm và cảnh báo về sự phản kháng của một bộ phận người dân.
Hiệp hội Bệnh viện Mỹ cũng duy trì thái độ thận trọng, lo ngại rằng đạo luật yêu cầu người lao động tiêm vaccine Covid-19 “có thể khiến tình trạng thiếu hụt nhân lực hiện nay trầm trọng hơn”.
Kế hoạch này cũng dự kiến vấp phải phản đối từ cánh hữu, vốn gọi đây là hành động tấn công vào quyền tự do cá nhân. Các nghị sỹ đảng Cộng hòa thì chỉ trích kế hoạch trên là “vượt quyền”.
Tuy nhiên, một số khác không nghĩ như vậy. Ông Lawrence O. Gostin, giáo sư luật y tế toàn cầu thuộc Đại học Georgetown (Mỹ) nhận định: “Tổng thống Joe Biden đã đề xuất một kế hoạch táo bạo chưa từng có. Tuy nhiên, tôi thấy nó hoàn toàn hợp hiến và có cơ sở pháp lý vững chắc”.
Giáo sư William Schaffner, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Vanderbilt (Mỹ), tin rằng chính sách của ông Biden là cần thiết, dù mang âm hưởng của chế độ quân dịch ở thời chiến.
Một số nhà dự đoán tin rằng sự kết hợp giữa tốc độ tiêm chủng nhanh, cùng bộ phận người dân đã đủ kháng thể sau khi mắc Covid-19 sẽ giúp nước Mỹ sớm kiểm soát biến thể Delta và đưa nền kinh tế trở lại đúng quỹ đạo tăng trưởng.
Ông Ian Shepherdson, nhà kinh tế trưởng tại Viện Kinh tế vĩ mô Pantheon, nhận định: “Đã đến lúc chúng ta bắt đầu suy nghĩ về một thế giới hậu Delta”.
Tuy nhiên, thế giới hậu Delta ấy có đến hay không, sẽ phụ thuộc vào kết quả kế hoạch quyết liệt, toàn diện của chính quyền Tổng thống Joe Biden nhằm kiểm soát, vượt qua đại dịch Covid-19.