Tổng thống Colombia đề xuất hợp pháp hóa cocaine
Ngày 6/2, theo tờ Politico, Tổng thống Colombia Gustavo Petro cho rằng cocaine nên được hợp pháp hóa và quản lý giống như các loại đồ uống có cồn nhằm xóa bỏ thị trường buôn bán ma túy bất hợp pháp.
Phát biểu trong một cuộc họp chính phủ, ông nhấn mạnh rằng cocaine không nguy hiểm hơn rượu whisky và cocaine bị cấm chủ yếu là do có nguồn gốc tại Mỹ Latinh, chứ không phải dựa trên mức độ tác hại so với các chất kích thích hợp pháp khác.
Theo Cơ quan Phòng chống Ma túy và Tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC), Colombia hiện là quốc gia sản xuất và xuất khẩu cocaine lớn nhất thế giới, với sản lượng đạt mức kỷ lục hơn 2.600 tấn vào năm 2023, tăng 53% so với năm trước. Mặc dù chính phủ Colombia đã triển khai nhiều chiến dịch trấn áp mạnh mẽ trong nhiều thập kỷ nhằm ngăn chặn hoạt động buôn bán ma túy, nhưng Tổng thống Gustavo Petro cho rằng cách tiếp cận này chưa mang lại hiệu quả thực sự.
Ông nhấn mạnh rằng ngành cocaine toàn cầu có thể bị triệt tiêu nếu loại ma túy này được hợp pháp hóa trên toàn thế giới. Theo ông, thay vì duy trì một thị trường chợ đen đầy bạo lực và tội phạm, chính phủ các nước có thể kiểm soát cocaine giống như cách họ quản lý rượu vang hoặc rượu whisky.
Ngoài ra, Tổng thống Colombia cũng chỉ trích sự khác biệt trong cách tiếp cận giữa cocaine và fentanyl - một loại opioid tổng hợp gây ra cuộc khủng hoảng nghiện thuốc giảm đau tại Mỹ. Ông cho rằng fentanyl đã khiến nhiều người tử vong nhưng không bị kiểm soát chặt chẽ như cocaine bởi nó được sản xuất và phân phối bởi các công ty dược phẩm đa quốc gia Bắc Mỹ.
Quan điểm của ông Petro về chính sách chống ma túy tiếp tục làm gia tăng căng thẳng trong quan hệ giữa Colombia và Mỹ, đặc biệt trong bối cảnh hai nước gần đây xảy ra bất đồng về vấn đề người di cư. Trước đó, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cảnh báo sẽ áp thuế trừng phạt đối với hàng hóa xuất khẩu của Colombia, bao gồm cà phê và hoa - hai mặt hàng chủ lực của nước này - nhằm gây sức ép buộc Colombia thay đổi lập trường. Nguyên nhân xuất phát từ việc Colombia ban đầu từ chối cho phép các chuyến bay quân sự của Mỹ hạ cánh để đưa người di cư bị trục xuất trở về. Trước sức ép từ Washington, chính phủ Colombia sau đó đã nhượng bộ và đồng ý tiếp nhận người di cư mà không áp đặt bất kỳ hạn chế hay trì hoãn nào.
Đề xuất hợp pháp hóa cocaine của ông Petro đã tạo ra nhiều ý kiến trái chiều. Một số chuyên gia nhận định rằng cách tiếp cận này có thể góp phần giảm bạo lực liên quan đến buôn bán ma túy và giúp chính phủ kiểm soát tốt hơn việc sử dụng chất kích thích. Tuy nhiên, nhiều quốc gia vẫn phản đối và cho rằng hợp pháp hóa có thể làm gia tăng tỷ lệ nghiện ma túy, gây ra những tác động tiêu cực đối với sức khỏe cộng đồng.