Tổng thống Donald Trump mắc kẹt với hai cuộc xung đột nóng
Dù hứa sẽ giải quyết xung đột Ukraine và Gaza ngay sau khi nhậm chức, Tổng thống Donald Trump hiện thừa nhận mình vấp phải trở ngại lớn hơn dự tính.
Tuần trước, khi phát biểu trước các nhà tài trợ tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ở Florida, Tổng thống Donald Trump chia sẻ xung đột tại Ukraine trở thành nỗi bức bối ngày càng lớn, khiến ông trằn trọc. Theo một người có mặt, ông Donald Trump đánh giá Tổng thống Nga Vladimir Putin cực kỳ khó đàm phán.
Cuộc xung đột tại Gaza cũng khiến ông chủ Nhà Trắng đau đầu không kém. Theo ông, tìm kiếm được giải pháp rất khó khăn vì "họ đã đánh nhau cả ngàn năm rồi".
Trong chiến dịch tranh cử, ông Donald Trump từng cam kết sẽ chấm dứt cả hai cuộc xung đột nhanh chóng bằng con đường ngoại giao, thậm chí tuyên bố "kết thúc giao tranh ở Ukraine ngay trong ngày đầu nhậm chức".
Thế nhưng, sau hơn 100 ngày ông trở lại Nhà Trắng, hai cuộc xung đột vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Tổng thống Donald Trump tại Phòng Bầu dục của Nhà Trắng vào ngày 9-5. Ảnh: AP
Lúc này, ông Donald Trump quả quyết mình "chỉ đùa" về cam kết giải quyết xung đột ngay lập tức, và theo ông, những người ủng hộ cũng đều hiểu điều đó.
Nhưng nỗi bức bối là có thật, theo tờ Wall Street Journal. Gần đây, theo các nguồn tin, ông Donald Trump thường phàn nàn với các cố vấn rằng cả hai bên - đặc biệt là Nga - đều không muốn nhượng bộ.
Tại Gaza, tình hình cũng không khá hơn. Nỗ lực ngừng bắn từng được khởi động từ thời chính quyền ông Joe Biden đã đổ vỡ vào tháng 3 và giao tranh tiếp tục leo thang.
Israel tuyên bố sẽ tiến hành kiểm soát toàn bộ Gaza nếu Hamas không thả con tin trước khi ông Donald Trump kết thúc chuyến công du Trung Đông vào tuần tới.
Trong khi một số quan chức Mỹ bày tỏ thất vọng với các cuộc không kích mới của Israel, ông Trump vẫn duy trì thông điệp "tái thiết Gaza" nhưng không cản trở chiến dịch quân sự của Tel Aviv.
Đặc phái viên Steve Witkoff - bạn thân lâu năm của ông Donald Trump - đang dẫn đầu nỗ lực ngoại giao tại cả hai điểm nóng. Tuy nhiên, ông vẫn chưa thể đưa các bên ngồi lại bàn đàm phán.
Theo một số quan chức, ông Donald Trump có thể sẽ xem việc đưa được các bên vào bàn đàm phán là đã làm tròn vai trò của mình, còn việc đi đến thỏa thuận ra sao là chuyện của họ.
Song song đó, nỗ lực đàm phán hạt nhân với Iran cũng đang giậm chân tại chỗ. Ông Donald Trump khẳng định các cuộc gặp gián tiếp với Tehran đã diễn ra "suôn sẻ", song phía Iran vẫn không chấp nhận điều kiện then chốt là tháo dỡ toàn bộ chương trình hạt nhân. Dù từng nói "chỉ chấp nhận tháo dỡ hoàn toàn", ông Donald Trump gần đây lại thừa nhận rằng Mỹ "chưa đưa ra quyết định cuối cùng".
Ông Trump đã đe dọa tung đòn quân sự với Iran nếu bị khước từ, nhưng chưa thể thuyết phục các đồng minh. Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Noël Barrot cho biết Paris và chính quyền các nước khác cần có các biện pháp mạnh mẽ hơn nhưng nhấn mạnh: "Chúng tôi tin rằng không có con đường nào khác ngoài ngoại giao sẽ đưa đến giải pháp cho vấn đề Iran".