Tổng thống Donald Trump tạm dừng thuế quan với Mexico ảnh hưởng thế nào đến doanh nghiệp Trung Quốc?
Tổng thống Trump tạm hoãn thuế quan 25% với Mexico, ảnh hưởng lớn đến dòng vốn Trung Quốc vào Mỹ Latinh, với xuất khẩu Trung Quốc tăng 10,8% trong 2024.
Quan hệ thương mại giữa Trung Quốc, Mexico và Mỹ được đánh giá là khó có thể thay đổi một cách sâu sắc trong ngắn hạn, và những tác động từ chính sách thuế quan sẽ kéo dài vượt qua cả nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump.
Trong bối cảnh thuế quan từ Mỹ vẫn là mối đe dọa đối với Mexico, dòng vốn đầu tư mới từ Trung Quốc vào quốc gia Mỹ Latinh này đã chững lại. Tuy nhiên, nhiều nhà máy do Trung Quốc tài trợ tại đây vẫn duy trì hoạt động ổn định, nhờ vào kinh nghiệm đối phó với các đợt đe dọa thuế quan trước đó từ chính quyền Tổng thống Donald Trump.
Một nhà sản xuất linh kiện cơ khí Trung Quốc có cơ sở tại Monterrey đã chủ động tích trữ lượng hàng tồn kho đủ cho ba tháng tại kho của họ ở Mỹ. Đại diện doanh nghiệp này, đề nghị giấu tên, cho biết: "Chúng tôi sẽ theo dõi phản ứng của thị trường và khách hàng. Cá nhân tôi tin rằng mức thuế này sẽ không kéo dài mà sẽ được giải quyết thông qua đàm phán và các biện pháp khác".
Chỉ vài giờ sau, Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum tuyên bố trên mạng xã hội rằng kế hoạch áp thuế 25% đối với toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Mexico dự kiến có hiệu lực vào thứ Ba sẽ được tạm hoãn trong 30 ngày.
Động thái này diễn ra sau khi Mexico đồng ý triển khai 10.000 binh sĩ thuộc Lực lượng Vệ binh Quốc gia đến biên giới với Mỹ để kiểm soát dòng chảy của các loại chất cấm. Một thỏa thuận tương tự cũng được đạt được giữa Mỹ và Canada, sau khi ông Trump tuyên bố mức tăng thuế 25% đối với hàng hóa từ Canada.
Do mức thuế cao đối với hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc được áp đặt từ nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump và vẫn được duy trì dưới thời Tổng thống Joe Biden, Mexico đã trở thành một điểm trung chuyển quan trọng giúp hàng Trung Quốc tiếp cận thị trường Mỹ. Điều này cũng thúc đẩy nhiều nhà sản xuất Trung Quốc, từ ngành nội thất đến linh kiện ô tô, đầu tư xây dựng nhà máy tại Mexico để sản xuất ngay tại chỗ.
Theo Hiệp định Mỹ - Mexico - Canada (USMCA) có hiệu lực từ tháng 7/2020, hàng hóa sản xuất tại Mexico đáp ứng đủ các tiêu chí về xuất xứ có thể xuất khẩu sang Mỹ mà không bị áp thuế.
Tuy nhiên, do ngành sản xuất của Mexico chưa hoàn thiện như Trung Quốc, nên để xuất khẩu sang Mỹ, nhiều doanh nghiệp tại Mexico vẫn phải nhập khẩu linh kiện từ Trung Quốc, khiến nền kinh tế nước này ngày càng phụ thuộc vào chuỗi cung ứng Trung Quốc.
Năm 2024, xuất khẩu của Trung Quốc sang Mexico đã tăng 10,8% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng trưởng 5,9% của tổng kim ngạch xuất khẩu, theo dữ liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
Nếu mức thuế 25% đối với Mexico có hiệu lực hoặc thậm chí leo thang – điều sẽ vi phạm USMCA – các dòng chảy thương mại này có thể sẽ chuyển hướng sang các nước Đông Nam Á hoặc các quốc gia Mỹ Latinh khác. Các chuyên gia kinh tế từ ngân hàng ING nhận định rằng khoảng trống để tránh một cuộc chiến thương mại mới giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới ngày càng thu hẹp.
Trái ngược với quyết định hoãn thuế quan đối với Mexico và Canada, Mỹ đã chính thức áp mức thuế 10% đối với toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vào ngày thứ Ba. Trung Quốc cũng đã có động thái đáp trả bằng mức thuế từ 10 đến 15% đối với một số mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ, bao gồm dầu thô và khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG).
Dù vậy, theo giáo sư Eduardo Tzili-Apango thuộc Đại học Tự trị Metropolitan Mexico, việc thay đổi cục diện thương mại giữa Trung Quốc, Mexico và Mỹ vẫn là một nhiệm vụ "vô cùng khó khăn".
Ông nhận định chiến lược "ngoại giao thuế quan" của Tổng thống Donald Trump chủ yếu hướng đến việc kiểm soát dòng chảy nhập cư và chống buôn lậu chất cấm hơn là phục hồi ngành sản xuất trong nước.
"Để đạt được mục tiêu gia tăng năng lực sản xuất nội địa của Mỹ, cần có những biện pháp khác thay vì chỉ sử dụng thuế quan", ông Tzili-Apango nói. Ông cũng cho rằng, các biện pháp thuế quan mà Washington sử dụng chủ yếu nhằm gây áp lực buộc Trung Quốc và Mexico phải nhượng bộ trước những yêu cầu của Nhà Trắng, thay vì thực sự giúp hồi sinh ngành công nghiệp Mỹ.
Kelvin Wang, Phó tổng giám đốc Aminen - một công ty tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào Mỹ Latinh cho rằng, dù Mỹ đã tạm hoãn áp thuế đối với Mexico trong vòng một tháng, mối đe dọa này đã khiến nhiều doanh nghiệp Trung Quốc phải đánh giá lại lợi ích và rủi ro khi đầu tư vào Mexico, đặc biệt là với những công ty chủ yếu nhắm đến thị trường Mỹ.
"Chúng ta cần theo dõi kỹ lưỡng cách chính quyền Trump thực hiện chính sách này trên thực tế. Hiện tại, tốt nhất vẫn là chờ đợi và quan sát thêm", ông Wang nói.
Cùng quan điểm, Victor Cadena, Phó chủ tịch Phòng Thương mại Mexico tại Trung Quốc (Mexcham), nhận định rằng một cuộc chiến thương mại sẽ chỉ gây thiệt hại cho cả hai bên. Dù vậy, ông cũng nhấn mạnh rằng, bất kể kết quả của các biện pháp thuế quan ra sao, quan hệ kinh tế và chính trị giữa Mexico và Trung Quốc vẫn rất bền chặt, không phụ thuộc vào việc ai đang là Tổng thống Mỹ.
"Về phần chúng tôi, với tư cách là Mexcham, chúng tôi cam kết hợp tác lâu dài và duy trì niềm tin vào Trung Quốc", ông Cadena khẳng định.