Tổng thống Joe Biden lựa chọn hướng đi nào cho chiến lược hạt nhân?

Mỹ đã và đang có những bước đi rõ ràng trong chiến lược răn đe hạt nhân, tìm cách dẫn đầu trong vấn đề 'kiểm soát vũ khí'. Tuy nhiên, nhân tố Nga và Trung Quốc không ngừng gia tăng năng lực hạt nhân là thách thức không nhỏ đối với chính sách của Tổng thống Biden.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chuyển lên Quốc hội nước này tài liệu “Đánh giá Thế trận hạt nhân”. (Nguồn: Getty Image)

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chuyển lên Quốc hội nước này tài liệu “Đánh giá Thế trận hạt nhân”. (Nguồn: Getty Image)

Bốn mục tiêu chiến lược

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chuyển lên Quốc hội nước này tài liệu “Đánh giá Thế trận hạt nhân” lần thứ 6 kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh.

Mặc dù đây vẫn là tài liệu mật, song những tiết lộ gần đây về nội dung tài liệu này và việc Tổng thống Biden gần đây công bố đề nghị ngân sách quốc gia cho tài khóa 2023 đã đem lại một đánh giá tương đối rõ ràng về những mục tiêu mà chính sách và chiến lược răn đe hạt nhân của Mỹ hướng tới.

Vấn đề quan trọng nhất đối với chính quyền Washington là yêu cầu đưa Mỹ quay trở lại vị thế lãnh đạo đối với những thỏa thuận kiểm soát vũ khí hạt nhân.

Dường như có ít nhất bốn khía cạnh của chính sách này. Thứ nhất là khôi phục Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) năm 1987. Thứ hai là đảm bảo đạt được một thỏa thuận hạt nhân mới với Iran vốn có tên ban đầu là Chương trình hành động chung toàn diện (JCPOA).

Thứ ba là gia hạn và mở rộng Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (START) năm 2010. Thứ tư là đơn phương cắt giảm lực lượng hạt nhân của Mỹ xuống còn 1.000 đầu đạn hoặc ít hơn.

Mỹ cho rằng Nga đã vi phạm hiệp ước INF và do đó không thể tiếp tục tuân thủ hiệp ước, mà chỉ có một bên tham gia là Washington. Tương tự như vậy với thỏa thuận hạt nhân Iran. Một số phân tích của Viện Khoa học và An ninh Quốc tế giải thích rằng Iran không bao giờ tuân thủ đầy đủ các điều khoản của JCPOA năm 2015, đặc biệt là Tehran đã không tiết lộ các hoạt động công nghệ vũ khí hạt nhân trước đây của mình cho Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA).

Vì vậy, mặc dù Mỹ đã đơn phương rút khỏi JCPOA, song điều đó không phải là kết quả của bất kỳ sự thù địch nào đối với các thỏa thuận kiểm soát vũ khí. Washington làm như vậy là vì thỏa thuận hạt nhân này đã không ngăn cản được Iran củng cố năng lực hạt nhân của họ.

Đối với Hiệp ước START mới, chính quyền cựu Tổng thống Trump đã tuân thủ thỏa thuận này và hiện chính quyền Tổng thống Biden đã gia hạn hiệp ước này thêm 5 năm.

Vì vậy, những vấn đề nào của Hiệp ước START mới cần được cải thiện là điều chưa rõ ràng. Washington đã và vẫn tuân thủ nghiêm ngặt các điều khoản của mình, mặc dù Nga vẫn đang phát triển và sản xuất từ 3-5 năm hệ thống hạt nhân chiến lược mà có thể không bị giới hạn theo hiệp ước này.

Một nhiệm vụ không dễ dàng

Rõ ràng, Washington đang tìm cách “dẫn dắt” thế giới hướng đến một cơ chế kiểm soát vũ khí hạt nhân trong tương lai, song vẫn chưa rõ Mỹ dự định thực hiện nỗ lực này như thế nào.

Làm thế nào Mỹ có thể khôi phục INF mà không có sự tuân thủ của Nga? Làm thế nào để Quốc hội Mỹ thông qua một thỏa thuận hạt nhân mới hoặc sửa đổi với Iran?

Nếu Mỹ đang tìm cách đạt được một thỏa thuận vũ khí hạt nhân mới với Nga hoặc thậm chí với Trung Quốc, thì một số câu hỏi và mối quan tâm của Quốc hội Mỹ cần phải được giải đáp từ trước.

Thật vậy, bất kỳ thỏa thuận kiểm soát vũ khí chiến lược mới nào cũng cần phải tính đến tất cả vũ khí hạt nhân của Nga, bao gồm hàng nghìn hệ thống hạt nhân chiến thuật và việc Trung Quốc đang tiếp tục mở rộng kho vũ khí hạt nhân của mình một cách đáng quan ngại.

Mặc dù Mỹ đang tìm cách dẫn đầu trong vấn đề “kiểm soát vũ khí”, song Washington cũng đồng thời đưa ra một ngân sách năm tài chính 2023 mà trên thực tế vẫn giữ nguyên phần lớn ngân sách cho kế hoạch hiện đại hóa răn đe hạt nhân mà hai chính quyền trước đó đã đề xuất. Đây cũng là chương trình hiện đại hóa mà Quốc hội Mỹ đã hoàn toàn ủng hộ kể từ năm 2010.

Nga và Trung Quốc có thể chấp nhận những nhượng bộ đơn phương mà Mỹ đưa ra mà không chịu đưa ra bất kỳ nhượng bộ nào đối với Washington.

Tuy nhiên, những đồng minh của Mỹ, đặc biệt trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và ở Tây Thái Bình Dương, có thể thấy các biện pháp đơn phương này của Mỹ là đáng quan ngại nếu Washington triển khai những biện pháp này mà không tính đến những tác động đối với khả năng răn đe hạt nhân mở rộng của Mỹ. Ví dụ, việc chính quyền Mỹ xem xét áp dụng học thuyết hạt nhân “không sử dụng trước tiên” đã khiến các đồng minh của họ lo ngại.

Khi tập trung vào vai trò dẫn đầu trong "kiểm soát vũ khí", chính quyền Biden có thể có những bước đi khôn ngoan để nắm bắt chính xác những hệ thống vũ khí của Nga vốn không tuân thủ các hiệp ước đã ký với Mỹ và toàn bộ kho vũ khí ngày càng gia tăng của Trung Quốc.

Nếu Washington có thể thực hiện thành công những bước đi này, Mỹ có thể cải thiện đáng kể năng lực an ninh của mình.

Tuy nhiên, khi xét đến việc Trung Quốc từ chối tham gia các cuộc đàm phán về kiểm soát vũ khí hạt nhân trừ khi Mỹ và Nga trước hết phải cắt giảm kho dự trữ hạt nhân của mình xuống mức ngang với kho vũ khí hiện tại của Trung Quốc, thì có thể thấy Bắc Kinh không mấy quan tâm đến nỗ lực kiểm soát vũ khí hạt nhân.

(theo National Interest)

Vy Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tong-thong-joe-biden-lua-chon-huong-di-nao-cho-chien-luoc-hat-nhan-181018.html