Tổng thống Panama 'nói thẳng' về tuyên bố kênh đào của ông Trump
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Davos, Tổng thống Panama Jose Raul Mulino bác bỏ 'tất cả tuyên bố của ông Trump' về kênh đào Panama.
Tổng thống Panama Mulino quyết không nhượng bộ Mỹ về kênh đào Panama (ảnh: Reuters)
“Bạn đang nghiêm túc đấy à?”, ông Mulino phản ứng khi một số phóng viên hỏi rằng liệu Panama có lo ngại kịch bản Mỹ dùng vũ lực để “lấy lại” kênh đào Panama hay không.
Trước đó, cùng ngày 22/1, trong cuộc họp của WEF, ông Mulino cho biết, Panama bác bỏ “tất cả tuyên bố của ông Trump” về kênh đào Panama.
“Trước hết, là vì chúng sai sự thật”, ông Mulino nói.
“Thứ hai, kênh đào Panama thuộc về Panama và sẽ tiếp tục là như vậy”, ông Mulino nhấn mạnh.
“Kênh đào này không phải sự nhượng bộ hay quà tặng từ phía Mỹ”, ông Mulino nói, lưu ý rằng Panama sở hữu kênh đào thông qua một loạt hiệp ước được ký kết từ những năm 1903 với Mỹ.
Trong diễn văn nhậm chức hôm 20/1, đề cập đến học thuyết “Vận mệnh hiển nhiên” của Mỹ về mở rộng lãnh thổ, ông Trump tuyên bố Mỹ sẽ “lấy lại” kênh đào Panama – tuyến hàng hải quan trọng bậc nhất thế giới.
Theo ông Trump, việc Mỹ trao kênh đào cho Panama là “dại dột”.
“Chúng ta đã bị đối xử tệ hại vì món quà dại dột đó. Lẽ ra, nó không bao giờ nên được trao cho Panama. Lời hứa của Panama với Mỹ đã bị phá vỡ”, ông Trump nói.
Theo Reuters, kênh đào Panama do Mỹ xây dựng trong khoảng thời gian từ năm 1904 đến năm 1909, dưới thời Tổng thống Mỹ Theodore Roosevelt Jr.
Ngày 31/12/1999, Mỹ trao quyền sở hữu kênh đào cho Panama, theo hiệp ước được ký vào năm 1977 bởi Tổng thống Mỹ Jimmy Carter.
Thông qua hiệp ước, Mỹ tuyên bố từ bỏ quyền kiểm soát kênh đào Panama kể từ năm 2000. Quyền sở hữu kênh đào thuộc về Panama, nhưng Mỹ có trách nhiệm bảo dưỡng và vận hành. Hằng năm, kênh đào mang lại cho Panama khoản thu từ 3,5 đến 5 tỷ USD.
Hiệp ước không có điều khoản nào cho phép Mỹ “lấy lại” kênh đào Panama.
Tuy nhiên, hồi đầu tháng 1, ông Trump không loại trừ khả năng Mỹ sử dụng vũ lực để kiểm soát kênh đào.