Tổng thống Putin: Nước Nga đối mặt với loạt đe dọa quân sự từ NATO
Tổng thống Nga đã chỉ ra một loạt thách thức an ninh Moskva đang đối mặt, trong bối cảnh quan hệ với phương Tây ngày càng xấu đi.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nêu ra một loạt vấn đề mà ông xem là mối đe dọa quân sự đối với nước này trong cuộc họp mới đây với các quan chức quốc phòng cấp cao ở Moskva, ngày 21/12. Ông cũng thể hiện sự thất vọng đối với cách hành xử của liên minh quân sự NATO.
Cũng trong cuộc họp trên, Tổng thổng Putin cho rằng thái đội của Mỹ và NATO đối với Nga là không đúng chừng mực và không phản ánh được quan hệ giữa hai bên. Theo nhà lãnh đạo Nga, phương Tây vẫn giữ chính sách thù địch và họ tin rằng họ sẽ thành công khi làm vậy, như cách đánh bại Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh.
Tổng thống Putin nhấn mạnh rằng, nước Nga có đủ nguồn lực để thực hiện các hành động cần thiết nhằm tự vệ và các hệ thống vũ khí mới đang được Moskva phát triển đã từng bước hiện thực hóa điều này.
Trong cuộc họp trên, Tổng thống Putin nhấn mạnh Moskva cần “những đảm bảo lâu dài, có tính pháp lý ràng buộc” từ Washington về việc ngăn chặn khả năng NATO tiến sát tới biên giới nước Nga. Tuần trước, Moskva cũng đã gửi đi hai thông điệp cho Mỹ và NATO, trong đó đưa ra một loạt đề nghị giúp duy trình an ninh cho các bên. Đề xuất tập trung vào việc di chuyển quân và khí tài hạng nặng, ngoài ra vấn đề Ukraine gia nhập NATO cũng được đưa ra như một giới hạn cuối cùng.
Các đề xuất trên của Moskva được đưa ra ngay sau cuộc hội đàm trực tuyến giữa Tổng thống Putin và người đồng cấp Mỹ Joe Biden vào đầu tháng 12. Ông Putin cho biết Nga thực sự quan tâm đến việc Mỹ có sẵn sàng thực hiện một đảm bảo trên giấy tờ về việc ngăn NATO mở rộng ra về phía Đông Âu, cũng như vấn đề triển khai các hệ thống vũ khí tấn công của khối gần biên giới Nga.
Trước đó, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã gióng lên hồi chuông cảnh báo, đồng thời lo ngại việc NATO triển khai số lượng vũ khí đáng kể gần biên giới Nga, bao gồm cả các hoạt động quân sự của Mỹ và Anh ở Đông Âu. Ông Lavrov cho rằng điều này không khác gì một hành động khiêu khích đối với Moskva.
Tuy nhiên trái ngược với niềm tin của Moskva, ông Putin cho rằng ngay cả khi Mỹ đưa ra một đảm bảo như phía Nga đề xuất, thì cũng không có gì lấy làm chắc chắn chính quyền Biden hay chính phủ kế tiếp sẽ thực hiện điều này. Washington đã có quá nhiều lần bội tín khi đơn phương rút khỏi các thỏa thuận quốc tế mà không cần quan tâm đến hậu quả.
Đơn cử gần đây nhất là việc Washington đơn phương rút khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở, khi cáo buộc Nga vi phạm các thỏa thuận nhưng không đưa ra được bằng chứng cụ thể. Hay nghiêm trọng hơn là việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước Chống tên lửa đạn đạo (ABM) vốn là giải pháp để hai bên hạn chế năng lực phát triển tên lửa tấn công.
Vấn đề Ukraine cũng được ông Putin nhắc đến trong cuộc họp trên trước những lo ngại NATO có thể triển khai các hệ thống vũ khí tấn công ở quốc gia Đông Âu này, bởi thời gian để các tên lửa phương Tây bay từ Ukraine đến Moskva khoảng từ 7-10 phút, đối với vũ khí siêu thanh chỉ 5 phút.
Phát biểu của Tổng thống Nga được đưa ra trong bối cảnh Moskva lo ngại về các hệ thống vũ khí của Mỹ được chuyển giao cho Kiev.
Được trước nguy cơ trên, Nga cũng có sự chuẩn bị riêng của họ khi không ngừng đẩy mạnh phát triển các hệ thống tên lửa siêu thanh có vận tốc bay trung bình lên đến Mach 9 (hơn 11.000km/h) và đưa chúng vào trang bị từ năm 2022.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Nga, Đại tướng Sergey Shoigu, Moscow sẽ đầu tư 3,5 tỷ USD vào việc nâng cấp kho vũ khí trong những năm tới. Đến năm 2026, số tàu chiến Nga có khả năng triển khai các loại vũ khí tấn công chính xác cao sẽ tăng lên 30%, số lượng tên lửa hành trình cũng sẽ được tăng lên gấp đôi.