Tổng thống Trump công bố thỏa thuận thương mại với EU, áp thuế quan 15%
Tổng thống Donald Trump hôm 27/7 tuyên bố Mỹ đã đạt một thỏa thuận thương mại với Liên minh châu Âu (EU) sau cuộc thảo luận quan trọng với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen.

Tổng thống Donald Trump (bìa phải) công bố thỏa thuận thương mại Mỹ - EU sau cuộc gặp với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tại Scotland vào ngày 27/7/2025. Ảnh: AFP
Thuế suất 15% không được cộng vào các mức thuế hiện hành
Mỹ và EU đạt thỏa thuận thương mại giữa chỉ vài ngày trước thời hạn Washington đe dọa áp thuế quan mới đối với hàng hóa của khối này kể từ ngày 1/8.
Theo thỏa thuận được Tổng thống Trump công bố, Mỹ sẽ áp mức thuế 15% đối với hầu hết hàng hóa châu Âu nhập khẩu vào Mỹ, bao gồm cả ô tô.
Một số sản phẩm, bao gồm máy bay và các bộ phận của máy bay, một số hóa chất và dược phẩm, sẽ không phải chịu thuế, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen cho biết tại một cuộc họp báo sau khi thỏa thuận được công bố.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu cũng nhấn mạnh rằng mức thuế quan 15% mới sẽ không được bổ sung vào bất kỳ mức thuế quan nào đã có hiệu lực.
Thuế quan 15% theo thỏa thuận thấp hơn mức 30% mà Tổng thống Trump trước đó đe dọa áp dụng với EU - đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ, nhưng cao hơn mức thuế cơ sở 10% mà EU kỳ vọng.
Tổng thống Trump cho biết EU đã đồng ý mua 750 tỷ USD hàng hóa năng lượng của Mỹ và đầu tư thêm 600 tỷ USD so với mức hiện tại. Ngoài ra, khối này cũng sẽ "chi hàng trăm tỷ USD mua thiết bị quân sự" của Mỹ, ông chủ Nhà Trắng tiết lộ, nhưng không cung cấp số tiền cụ thể.
"Đây là một thỏa thuận rất mạnh mẽ, một thỏa thuận rất lớn, là thỏa thuận lớn nhất trong tất cả các thỏa thuận", Tổng thống Trump phát biểu hôm 27/7 cùng với Chủ tịch Ủy ban châu Âu.
"Đó là một thỏa thuận tốt, một thỏa thuận khổng lồ, với những cuộc đàm phán khó khăn", Chủ tịch Ủy ban châu Âu nhận xét sau cuộc gặp cùng ngày với Tổng thống Trump.
Mặc dù vẫn còn nhiều câu hỏi về các chi tiết cụ thể và mốc thời gian của các khoản đầu tư của EU vào Mỹ, nhưng thỏa thuận vừa đạt được đã đánh dấu một thời điểm quan trọng đối với Tổng thống Trump, sau nhiều tuần bất ổn xung quanh các cuộc đàm phán thương mại giữa hai bên.
Trong một cuộc họp báo trước cuộc gặp với nhà lãnh đạo EU, ông Trump cho biết cơ hội để hai bên đạt được một khuôn khổ thỏa thuận là 50 - 50.
Còn Brussels cũng đã chuẩn bị cho kịch bản không đạt thỏa thuận nếu các cuộc đàm phán thương mại bị trì hoãn trước thời hạn 1/8. Các nhà lập pháp EU đã phê duyệt một gói thuế quan trả đũa lớn, nhắm vào một loạt hàng hóa của Mỹ. Khối này cũng đã cân nhắc việc triển khai "Công cụ chống cưỡng ép (ACI)" - một bộ quy định nhằm bảo vệ EU và các quốc gia thành viên khỏi sự cưỡng ép kinh tế.
Phản ứng tích cực từ các nước EU
Các nhà lãnh đạo châu Âu đã hoan nghênh thỏa thuận thương mại vừa đạt được với Mỹ. Tâm lý căng thẳng dường như đã được giải tỏa khi hai bên tránh được một cuộc chiến thương mại. Tuy vậy, một số quan chức EU vẫn tỏ ra thận trọng về các điều khoản của thỏa thuận.
Thủ tướng Ireland Micheál Martin cho biết thỏa thuận này "mang lại sự rõ ràng và khả năng dự đoán cho mối quan hệ thương mại giữa EU và Mỹ".
"Điều đó có nghĩa là bây giờ sẽ có mức thuế quan cao hơn so với trước đây và điều này sẽ tác động đến thương mại giữa EU và Mỹ, khiến nó trở nên tốn kém hơn và thách thức hơn", Văn phòng chính phủ Ireland nêu trong một tuyên bố. Tuy vậy, tuyên bố cũng cho rằng thỏa thuận với Mỹ sẽ "tạo ra một kỷ nguyên ổn định mới".
Thủ tướng Đức Friedrich Merz đã hoan nghênh thỏa thuận mới, nêu bật những lợi ích mà nó sẽ mang lại cho ngành công nghiệp ô tô của nước này.
"Với thỏa thuận trong các cuộc đàm phán EU - Mỹ về thuế quan, một cuộc xung đột thương mại, vốn sẽ ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế hướng đến xuất khẩu như Đức, đã được loại bỏ", ông Friedrich Merz nêu trong một tuyên bố.
"Điều này đặc biệt đúng đối với ngành công nghiệp ô tô, khi mà mức thuế hiện tại là 27,5% đã giảm gần một nửa xuống còn 15%. Đặc biệt ở đây, việc giảm thuế nhanh chóng có ý nghĩa rất lớn", Thủ tướng Đức nói thêm.
Trong khi đó, Thủ tướng Hà Lan Dick Schoof nêu trong một bài đăng trên mạng xã hội X rằng "đã không có mức thuế quan nào tốt hơn đạt được", nhưng ca ngợi Ủy ban châu Âu đã đảm bảo được thỏa thuận tốt nhất có thể. Ông cho rằng thỏa thuận giữa EU và Mỹ "mang lại sự rõ ràng hơn cho các doanh nghiệp của chúng tôi và mang lại sự ổn định hơn cho thị trường".
Các nhà lãnh đạo chính quyền Italia, bao gồm Thủ tướng Giorgia Meloni, đã ra một tuyên bố nói rằng thỏa thuận mới đạt được giúp tránh "xung đột trực tiếp giữa hai bờ Đại Tây Dương" và "đảm bảo sự ổn định" giữa Mỹ và EU.
Tuyên bố cũng cho biết Italia nhìn nhận mức thuế quan 15% theo thỏa thuận là "bền vững", nếu tỷ lệ phần trăm đó bao gồm, và không được cộng thêm, các mức thuế quan trước đó.
Theo Hội đồng châu Âu - cơ quan quyền lực cao nhất của EU, tổng kim ngạch thương mại giữa EU và Mỹ đạt 1.680 tỷ EUR (tương đương 1.960 tỷ USD) trong năm 2024. Mặc dù EU có thặng dư thương mại hàng hóa với Mỹ, nhưng lại ghi nhận thâm hụt về dịch vụ. Nhìn chung, khối này có thặng dư thương mại khoảng 50 tỷ EUR với Mỹ vào năm ngoái, khi tính cả hàng hóa và dịch vụ.