Tổng thống Trump ra 'tối hậu thư' mới cho Nga bằng vũ khí và thuế quan
Trước thực tế xung đột Nga - Ukraine giằng co mãi, Tổng thống Mỹ Trump đã 'đổi giọng' với nhà lãnh đạo Nga, ra 'tối hậu thư 50 ngày' đối với Moscow và xoay ngược chính sách vũ khí đối với Ukraine.
Ngày 14/7/2025, Tổng thống Mỹ Trump vạch ra một số bước mới để gây sức ép buộc Nga chấm dứt xung đột vũ trang với Ukraine. Kế hoạch này bao gồm việc cấp thêm vũ khí cho Kiev và đe dọa tăng trừng phạt kinh tế nhằm vào Moscow nếu Nga không đạt được hòa bình với Ukraine trong vòng 50 ngày tới.
Các động thái này đánh dấu cách tiếp cận mới của ông chủ Nhà Trắng đối với xung đột Nga - Ukraine.

Tổ hợp phòng không Patriot. Ảnh: Army-technology.
Vũ khí nóng kết hợp với thuế quan thứ cấp
Khi công bố kế hoạch mới này, ông Trump vẫn cố chứng minh rằng mình không phải là nhân tố kéo dài cuộc chiến ở Ukraine. Tuy nhiên, ông đã thể hiện khá rõ là ông thất vọng với cách hành xử của Tổng thống Putin trong xung đột này. Ông không còn kiên nhẫn với những lời hứa từ phía ông Putin về hòa bình, chấm dứt xung đột. Tổng thống Trump thừa nhận, vũ khí Mỹ sẽ cần thiết cho Ukraine đẩy lui cuộc tiến công và xâm lấn của Nga.
Theo kế hoạch mới của ông Trump, các nước châu Âu sẽ mua vũ khí Mỹ rồi chuyển giao cho Ukraine. Ý tưởng này được Tổng thống Donald Trump công bố trong cuộc họp với Tổng thư ký NATO Mark Rutte tại Phòng Bầu dục của Nhà Trắng. Tại đây, ông Trump cũng vạch ra hạn chót mới cho Nga. Cụ thể, ông đe dọa sẽ tung những đòn trừng phạt thương mại nếu Nga có được thỏa thuận hòa bình với Ukraine trong vòng 50 ngày.
Đáng chú ý, ông Trump nhắc tới thuế quan 100% (áp lên Nga) và “thuế quan thứ cấp” (đánh vào những nước mua dầu mỏ của Nga). Ông cho rằng công cụ thương mại sẽ rất hiệu quả trong giải quyết vấn đề chiến tranh.
Mỹ giao dịch thương mại với Nga rất ít, nên chính các lệnh trừng phạt thứ cấp mới được cho là đòn giáng mạnh vào kinh tế Nga.
Đại sứ Mỹ tại NATO, Matt Whitaker, nói với CNN rằng thuế quan áp vào những nước như Ấn Độ và Trung Quốc (mua dầu của Nga) sẽ có tác động mạnh lên nền kinh tế Nga.
NATO và Ukraine hào hứng
Tổng thư ký NATO Rutte mô tả thỏa thuận của Mỹ và châu Âu về viện trợ vũ khí cho Ukraine là nhân tố “thay đổi cuộc chơi”. Ông đề cập một số quốc gia như Đức, Phần Lan, Đan Mạch, Thụy Điển và Na Uy như các nhà cung cấp tiềm năng vũ khí cho Ukraine.
Đêm 14/7, Tổng thống Ukraine Zelensky nói rằng ông đã có “cuộc điện đàm rất tốt” với người đồng cấp Mỹ Trump. Ông Zelensky chia sẻ rằng cả hai nhất trí sẽ điện đàm thường xuyên hơn.
Tổng thống Zelensky viết trên mạng xã hội X: “Tôi biết ơn Mỹ, Đức và Na Uy về việc họ đang chuẩn bị cung cấp gói phòng không Patriot mới cho Ukraine. Chúng tôi cũng đang hợp tác trong những thỏa thuận quốc phòng lớn với Mỹ”.
Trong một cuộc điện đàm riêng rẽ với Tổng thư ký NATO Rutte, Tổng thống Zelensky cho biết “sẽ có những chuyển giao vũ khí để giúp Ukraine đẩy lui các cuộc tiến công của Nga”.
Một nguồn tin cho biết, ngoài các tổ hợp tên lửa phòng không Patriot, Mỹ có thể bán cho NATO tên lửa tầm ngắn, đạn lựu pháo và tên lửa không đối không tầm trung để NATO sau đó chuyển giao cho Ukraine.
Đại sứ Mỹ tại NATO Whitaker cho hay, vũ khí chuyển cho Ukraine lần này chủ yếu là mang tính phòng thủ nhưng ông loại trừ cung cấp cả vũ khí tiến công.
Ukraine cho biết họ cần 10 hệ thống Patriot mới để tự vệ trước những cuộc tập kích ngày càng gia tăng của Nga bằng tên lửa và thiết bị bay không người lái (UAV).
Theo một quan chức Mỹ, trong thượng đỉnh NATO tại Hà Lan vào tháng 6, Tổng thống Ukraine Zelensky đã giới thiệu với Tổng thống Mỹ Trump và các nhà lãnh đạo khác một danh sách vũ khí mà ông này cho là Ukraine cần sở hữu để đẩy lui quân Nga trên chiến trường.
Ukraine đặc biệt quan tâm đến tổ hợp phòng không Patriot vì đây là thứ vũ khí không thể thay thế được. Hiện nay đa số vũ khí Mỹ trang bị cho Ukraine là được lấy từ nhiều nguồn khác nhau, có thể sản xuất trong nước hoặc thay thế bằng những phương án khác.
Tính toán sâu xa của ông Trump
Giới chức đánh giá ông Trump có nhiều ý đồ đằng sau quyết định cung cấp vũ khí cho Ukraine thông qua châu Âu và NATO thay vì chuyển giao trực tiếp cho Ukraine.
Thứ nhất, ông muốn tránh bị chỉ trích là lật lại chính sách của chính mình về việc giảm vai trò của Mỹ trong cuộc xung đột vũ trang kéo dài giữa Nga và Ukraine.
Thứ hai, ông muốn mang thêm cho nước Mỹ một lượng lớn tiền nữa bằng việc bán các tổ hợp Patriot (mỗi tổ hợp có giá tới khoảng 1 tỷ USD).
Thứ ba, một số quan chức Mỹ chia sẻ rằng đưa Patriot từ châu Âu sang Ukraine thì nhanh hơn là từ Mỹ sang hoặc sản xuất mới tại Mỹ.
Thứ tư, một số quan chức Mỹ cho rằng đây là cách để gửi tới Nga thông điệp rằng ông Trump rất không hài lòng với Tổng thống Putin trong cách xử lý vấn đề xung đột Ukraine.
NATO không tự chuyển giao vũ khí cho Ukraine mà chỉ đóng vai trò điều phối các hoạt đông cung cấp từ những nước thành viên.Phương thức chuyển giao có thể bao gồm việc các nước EU chuyển những vũ khí mà họ đã mua của Mỹ hoặc họ mua vũ khí mới của Mỹ để chuyển giao ngay lập tức sang Ukraine.