Top những điểm du lịch nổi tiếng của Ninh Bình

Được mệnh danh là vùng đất Cố đô, Ninh Bình là một trong những nơi có nhiều địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng.

Dưới đây là những điểm đến du lịch tâm linh nổi tiếng của Ninh Bình:

Cố đô Hoa Lư

Cố đô Hoa Lư, kinh đô phong kiến của Việt Nam, là điểm đến không thể bỏ qua khi đến Ninh Bình. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, Cố đô Hoa Lư là nơi lưu giữ những chứng tích hào hùng của dân tộc trong cuộc thống nhất giang sơn. Chúng ta sẽ chiêm bái những ngôi đền thờ, lăng tẩm của vua Đinh, vua Lê hết sức cổ kính và uy nghiêm, những vị vua tiên khởi của nước Đại Cồ Việt.

Cố đô Hoa Lư.

Cố đô Hoa Lư.

Chùa Bích Động

Chùa Bích Động nằm trong quần thể khu du lịch Tam Cốc - Bích Động, là một công trình kiến trúc cổ xưa. Sự hòa quyện giữa núi, động và chùa tạo nên bức tranh phong cảnh độc đáo, mang sắc thái tâm linh huyền bí. Đây là nơi hội tụ Bích Sơn Bát Cảnh (8 cảnh đẹp), được mệnh danh là “Nam thiên đệ nhị động” sau Chùa Hương.

Chùa Bích Động xây dựng từ năm 1428 thời Hậu Lê, theo kiểu chữ Tam trong Hán Tự, ba tòa chùa riêng biệt: chùa Hạ, chùa Trung, chùa Thượng, nằm dọc theo sườn núi tạo nên không gian linh thiêng.

Chùa Bích Động.

Chùa Bích Động.

Chùa Bái Đính

Là một điểm nhấn du lịch tâm linh ở Ninh Bình, chùa Bái Đính là sự kết hợp hài hòa giữa linh thiêng của Bái Đính cổ tự và sự tráng lệ của Bái Đính tân tự. Đây là công trình kiến trúc Phật giáo đồ sộ nhất Việt Nam với nhiều kỷ lục châu Á và Việt Nam như tượng Thích Ca bằng đồng dát vàng lớn nhất châu Á, tượng Phật Di Lặc bằng đồng lớn nhất Việt Nam, đại hồng chung lớn nhất Việt Nam…

Chùa Bái Đính còn lưu giữ sáu viên ngọc xá lợi, bảo vật quý của Đức Phật. Với những kỷ lục và vẻ đẹp kỳ vĩ, Bái Đính là điểm đến tâm linh hấp dẫn ở Ninh Bình.

Toàn cảnh chùa Bái Đính.

Toàn cảnh chùa Bái Đính.

Chùa Bái Đính được mệnh danh là ngôi chùa lớn nhất Đông Nam Á với kiến trúc độc đáo, tọa lạc trên ngọn núi cao chót vót, tạo nên điểm đặc biệt làm cho du khách choáng ngợp trước vẻ đẹp và sự hùng vĩ của ngôi chùa.

Động Thiên Tôn

Động Thiên Tôn nằm ở khu vực núi Dũng Đương, phía Đông của Cố đô Hoa Lư. Giống như Thăng Long Tứ Trấn, động Thiên Tôn cùng với đền Thánh Nguyễn, đền Trần, đền Cao Sơn tạo thành Hoa Lư tứ trấn, trấn giữ bốn phía của kinh đô Hoa Lư thời xưa.

Trong động có đền thờ Thánh Trấn Vũ Thiên Tôn, hay còn gọi là Chân Vũ Đế Quân, là Huyền Thiên Thượng đế Kim Thuyết hóa thân, đảm nhận vai trò tổng chỉ huy thiên binh, thiên tướng, được cử xuống trần để trừ yêu, đẹp loạn.

Cổng vào đền Thái Vi.

Cổng vào đền Thái Vi.

Đền Thái Vi

Khám phá Ninh Bình, du khách cũng không thể bỏ qua đền Thái Vi, một công trình được xây dựng để tưởng nhớ bốn đời vua Trần là Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông và Hiển Từ Hoàng thái hậu Thuận Thiên, nhằm tưởng nhớ công ơn của các vua Trần trong việc chiến thắng giặc Nguyên Mông, bảo vệ sơn hà xã tắc.

Đền được xây dựng trên nền cung điện Vũ Lâm của các vua Trần thời xưa, có kiến trúc theo phong cách “Nội công ngoại quốc”. Trước đền có giếng ngọc, trong sân đền có gác chuông hai tầng tám mái làm bằng gỗ lim. Ở đây treo một quả chuông đồng được đúc từ năm Chính Hòa thứ 19, tức năm 1689.

Đền Trần

Đền Trần (trấn phía Nam của kinh thành Hoa Lư) là một điểm đến tâm linh nổi tiếng của Ninh Bình. Đền thờ Quý Minh đại vương và hoàng phi Quý Nương là phu nhân của ông.

Đền Trần.

Đền Trần.

Đền Trần nằm uy nghi trên ngọn núi cao từ lâu đã trở thành ngôi đền nổi tiếng linh thiêng khắp xa gần, nơi đây được coi là vịnh Hạ Long trên cạn. Đền được vua Đinh Tiên Hoàng xây dựng vào thế kỷ thứ X với mong muốn mượn uy danh của Thánh để trấn trạch theo 4 hướng Đông - Tây - Nam - Bắc.

Ngôi đền cũ bằng gỗ do Đinh Tiên Hoàng đế xây dựng đã đổ nát và nhà Trần cho xây dựng lại bằng các cột đá rất nổi tiếng còn lại nguyên vẹn cho đến ngày nay và từ đó được nhân dân quen gọi là đền Trần vì được xây dựng lại từ thời nhà Trần. Đền Trần nằm giữa một vùng sơn thủy hữu tình thuộc khu du lịch sinh thái Tràng An. Đền có 4 cột đá được trạm khắc bộ tứ linh (long, ly, quy, phượng) hết sức độc đáo.

Đền Thánh Nguyễn

Đền thờ Đức Thánh Nguyễn thờ Lý Triều Quốc Sư Nguyễn Minh Không (hay Lý Quốc Sư), là vị cao tăng có chức vụ đứng đầu triều đình nhà Lý trong lịch sử Việt Nam do có nhiều công lao trong việc chữa bệnh cho vua Lý và nhân dân. Đền được xây dựng trên nền ngôi chùa Viên Quang do chính Nguyễn Minh Không dựng vào năm 1121. Sau khi ông mất, người dân đã thờ ông tại đây.

Ngoài giá trị lịch sử, đền còn được ghi nhận có giá trị kiến trúc nghệ thuật đặc sắc bởi nghệ thuật chạm trổ, điêu khắc tinh xảo. Hiện nay đền còn lưu giữ nhiều hiện vật cổ. Trước tiền đường thiêu hương là 2 con sóc đá thời Lê sơ, trong tiền đường có 2 chiếc trống tương truyền thời Lý – Trần rất quý hiếm,... Đền Thánh Nguyễn đã được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia năm 1989.

Cổng đền thờ Nguyễn Công Trứ.

Cổng đền thờ Nguyễn Công Trứ.

Đền thờ Nguyễn Công Trứ

Đền thờ Nguyễn Công Trứ độc đáo ở chỗ được xây dựng từ khi ông vẫn đang còn sống. Tiền thân của ngôi đền là căn nhà ba gian của Nguyễn Công Trứ. Đây là nơi để ông đi về và làm việc trong suốt quãng thời gian sống tại Kim Sơn.

Năm 1852, nhân dân Kim Sơn xây dựng, cải tạo lại thành ngôi Sinh Từ (tức đền thờ sống). Hàng năm, vào dịp sinh nhật của Nguyễn Công Trứ, nhân dân nơi đây lại mở hội mừng thọ ông. Sau khi ông mất, người dân Kim Sơn xây dựng thêm một tòa nữa bên cạnh gian nhà cũ gọi là Tiền đường là nơi thờ Nguyễn Công Trứ. Còn gian nhà cũ được dùng làm Chính cung. Từ đây, ngôi đền được đổi tên thành Truy Tư Từ. Năm 1992, đền thờ Nguyễn Công Trứ được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Hồng Khanh (Tổng hợp)

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/top-nhung-diem-du-lich-noi-tieng-cua-ninh-binh-ar907908.html