'Tốt vay-dày nợ' và sự thận trọng của Quốc hội
Trong nhiều nội dung được Quốc hội thảo luận khi góp ý vào Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi), vấn đề trần nợ vay của ngân sách địa phương thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu.
Điều hành ngân sách luôn là vấn đề quan trọng của một quốc gia. Vì thế, tiếp tục hoàn thiện Luật Ngân sách nhà nước để đồng tiền của quốc gia được sử dụng đúng mục đích, thực sự là nguồn lực cho phát triển mà không gây ra những hậu quả xấu cho đất nước là một việc vô cùng cần thiết.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh việc sửa đổi Luật Ngân sách Nhà nước lần này là một nhiệm vụ quan trọng, nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc quản lý, điều hành ngân sách Nhà nước một cách hiệu quả, minh bạch, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong giai đoạn mới. Ảnh: Vietnam+
Ngân sách nhà nước được cân đối theo nguyên tắc tổng số thu từ thuế, phí, lệ phí và những nguồn thu khác phải lớn hơn tổng số chi thường xuyên và góp phần tích lũy ngày càng cao để chi đầu tư phát triển; trường hợp có bội chi thì số bội chi phải nhỏ hơn số chi đầu tư phát triển, tiến tới cân bằng thu, chi ngân sách; trường hợp đặc biệt thì Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định. Trường hợp bội thu ngân sách thì được sử dụng để trả nợ gốc và lãi các khoản vay của ngân sách nhà nước. Việc vay để bù đắp bội chi ngân sách nhà nước chỉ được sử dụng cho đầu tư phát triển, không sử dụng cho chi thường xuyên.
Việc đề xuất tăng mức trần nợ vay của các địa phương khi sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước lần này đặt trong bối cảnh việc sáp nhập các địa phương đang tiến hành khẩn trương, quyết liệt, từ 63 tỉnh, thành giảm còn 34 đơn vị với quy mô diện tích, dân số, điều kiện phát triển thay đổi, được cho là kịp thời, nhất là với những địa phương sáp nhập từ 2 tỉnh vốn có điều kiện phát triển khác nhau như miền núi-đồng bằng ven biển (Gia Lai-Bình Định; Kon Tum-Quảng Ngãi; Đắk Lắk-Phú Yên), hay có nơi được sáp nhập từ 3 tỉnh (Đắk Nông-Lâm Đồng-Bình Thuận; Ninh Bình-Nam Định-Hà Nam).
Không gian phát triển mở rộng, điều kiện phát triển mới, nhu cầu triển khai các dự án kết nối nội bộ, kết nối vùng, kết nối các địa phương sẽ cần nguồn lực đầu tư rất lớn. Vì vậy, điều chỉnh tăng dư nợ vay để đáp ứng yêu cầu đầu tư phát triển các địa phương trong tình hình mới là rất cần thiết.
Tất nhiên, việc này có thể sẽ làm tăng mức trần nợ công của quốc gia. Do đó, nhiều đại biểu Quốc hội đã bày tỏ sự lo lắng và đề nghị phải có biện pháp kiểm soát. Bởi lẽ, một khi mất kiểm soát sẽ dẫn đến vỡ nợ. Nỗi lo này không phải vô căn cứ. Trên thực tế, dù đã quy định cụ thể nhưng tình trạng bội chi vẫn còn xảy ra ở một số địa phương.
Nhiều địa phương có cơ chế đặc thù cho tăng dư nợ vay ngân sách để đầu tư vào các dự án ở địa phương mình (có nơi còn chủ động dự toán thu thấp để có số tăng vượt thu hàng năm nhằm bố trí cho những dự án ngoài kế hoạch), dẫn tới nguồn lực quốc gia bị phân tán, khi cần huy động vốn cho các chương trình dự án lớn lại rất khó khăn.
Hiện trần nợ công của nước ta được Quốc hội cho phép ở mức 60% GDP. Trên thực tế, đến cuối năm 2024 mới sử dụng khoảng 34,7% GDP. Do đó, việc điều chỉnh mức dư nợ của ngân sách địa phương đã được đánh giá kỹ lưỡng trên cơ sở tương quan với các chỉ tiêu an toàn nợ công đã được Quốc hội quyết định trong giai đoạn 2021-2025.
Vì vậy, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng đã đồng tình với Quốc hội khi cho rằng nâng trần nợ công phải đi kèm với kiểm soát được 2 vấn đề lớn. Đó là kiểm soát nợ công, giữ mức bội chi trong giới hạn cho phép của Quốc hội. Đồng thời, phải kiểm soát chất lượng nguồn vốn vay và chất lượng các dự án sử dụng vốn vay, tránh trường hợp vay vốn nhưng sử dụng không hiệu quả, dẫn đến tăng gánh nặng cho ngân sách.
Mục tiêu tăng trưởng 2 con số trong những năm tới đòi hỏi nguồn vốn rất lớn cho đầu tư phát triển. Nhưng “tốt vay-dày nợ”. Sự thận trọng của các đại biểu Quốc hội trước đề xuất tăng trần dư nợ vay ngân sách của các địa phương là vô cùng cần thiết. Bởi công tác quản trị quốc gia không cho phép ai đó “làm liều”, khiến không chỉ nguồn lực bị sử dụng kém hiệu quả mà còn làm tăng nợ công cho các địa phương và cho đất nước.
Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/tot-vay-day-no-va-su-than-trong-cua-quoc-hoi-post325196.html