TP. Hà Nội: Hướng đến phát triển công nghiệp sạch
Để thúc đẩy trong thu hút đầu tư vào KCN, cụm công nghiệp, TP. Hà Nội thường xuyên triển khai các giải pháp về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh...
Nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp được thành lập
Theo đánh giá của UBND TP. Hà Nội, thời gian qua sản xuất công nghiệp Hà Nội đang có dấu hiệu phục hồi mức tăng trưởng, đặc biệt là công nghiệp chế biến chế tạo. Bên cạnh đó, thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp cũng được quan tâm, hầu hết các cụm công nghiệp hiện có đã được lấp đầy.
Và hiện nay, thành phố đang chú trọng đẩy mạnh phát triển thêm các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp mới. Từ đầu năm đến nay, thành phố đã ban hành Quyết định thành lập 8 cụm công nghiệp và hoàn thành thẩm định 17 cụm công nghiệp. Dự kiến, đến cuối năm 2019 sẽ có thêm 30 cụm công nghiệp mới.
Báo cáo của Sở Công thương Hà Nội về tình hình sản xuất công nghiệp tháng 8/2019 cho thấy, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 8/2019 tăng 3,8% so với tháng trước và tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,9% và tăng 9%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước tăng 2,2% và tăng 8,2%. Cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,2% và tăng 10,7%. Riêng công nghiệp khai khoáng tăng 1,5% so với tháng trước nhưng giảm 27,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp khai khoáng giảm 28,6%. Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,8%. Sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước tăng 8,1%...
Theo Ban Quản lý các KCN và chế xuất Hà Nội, thành phố đã và đang phát triển 17 KCN, khu công nghệ cao với tổng diện tích gần 3.500ha. Trong đó, 9 KCN với tổng diện tích 1,264 ha đang hoạt động ổn định. Tỷ lệ lấp đầy trên 95% đất công nghiệp gồm các KCN Thăng Long-Nội Bài; Thạch Thất - Quốc Oai; Nam Thăng Long; Sài Đồng B; KCN Hà Nội – Đài Tư; Quang Minh I; Phú Nghĩa; Khu công viên công nghệ thông tin...
Nhằm tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho DN hoạt động trong các KCN - khu công nghệ cao, Ban Quản lý các KCN, khu chế xuất Hà Nội đã nỗ lực thực hiện cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ, tháo gỡ những khó khăn đối với các DN đang hoạt động tại các KCN. Đồng thời thành phố cũng thực hiện có hiệu quả các chính sách ưu đãi, nhất là về thuế, tín dụng, đất đai, nhân lực. Tăng cường xúc tiến đầu tư, thực hiện các giải pháp huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển… Những nỗ lực cải cách này đã góp phần thu hút FDI của thành phố tăng mạnh.
Theo Cục Thống kê, trong tháng 8/2019, thành phố có 65 dự án FDI được cấp phép mới với tổng vốn đăng ký đạt 13,1 triệu USD. Trong đó có 54 dự án 100% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, 11 dự án liên doanh, liên kết. Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 8/2019, tổng vốn đăng ký của các dự án thành lập mới và dự án bổ sung tăng vốn trên địa bàn Hà Nội đạt 646 triệu USD, trong đó đăng ký mới 540 dự án với số vốn đạt 284 triệu USD; 130 dự án bổ sung tăng vốn đầu tư với 362 triệu USD.
Vấn đề môi trường được quan tâm hàng đầu
Có thể thấy, để thúc đẩy trong thu hút đầu tư vào KCN, cụm công nghiệp, thành phố thường xuyên triển khai các giải pháp về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Đồng thời tập trung chỉ đạo các ngành, các cấp có các giải pháp hỗ trợ nhà đầu tư, DN từ khâu đăng ký kinh doanh đến triển khai dự án; Rà soát, đôn đốc chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN, các dự án đầu tư thứ phát theo tiến độ đầu tư đã đăng ký tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đã được cấp; Thường xuyên nắm bắt thông tin thị trường lao động, việc làm của các DN trong các KCN trên địa bàn thành phố, phối hợp với các đơn vị liên kết, trường nghề để giới thiệu nguồn lao động vào các DN trong KCN trên địa bàn…
Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết, xu hướng đầu tư vào các KCN, cụm công nghiệp của Hà Nội thời gian qua là trong các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ sạch, phát triển bền vững. Các DN cũng sẽ tăng tỷ lệ vốn đầu tư vào một đơn vị diện tích đất bằng việc tăng mật độ sử dụng đất, đầu tư thiết bị, công nghệ cao, đầu tư dây chuyền đồng bộ; sử dụng công nghệ thông tin trong điều hành sản xuất…. Những chính sách phát triển công nghiệp của thủ đô đã đem lại hiệu quả lớn trong việc thu hút các DN cả trong và ngoài nước đầu tư vào Hà Nội.
Từ đầu năm đến nay, Sở Công thương Hà Nội đã chủ động phối hợp với các quận, huyện, thị xã hoàn thành thẩm định, trình UBND thành phố xem xét thành lập, mở rộng 17 cụm công nghiệp; Làm việc với các chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp để nắm bắt kế hoạch, tiến độ cụ thể từng dự án; kịp thời giải quyết các khó khăn vướng mắc tại các cụm công nghiệp làng nghề. Đồng thời, tổ chức Hội nghị đối thoại với các DN có sản phẩm công nghiệp chủ lực để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho DN trên địa bàn.
Giám đốc Sở Công thương Lê Hồng Thăng nhấn mạnh, để công nghiệp Thủ đô phát triển bền vững, tăng sức cạnh tranh, TP. Hà Nội đã và đang chú trọng phát triển các khu, cụm công nghiệp, chế xuất công nghệ cao, hiện đại, tiên tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm của DN. Các chính sách hỗ trợ công nghiệp, nhất là công nghiệp hỗ trợ cũng đang được thành phố tích cực triển khai. Thành phố hướng đến phát triển công nghiệp sạch, tập trung nghiên cứu, ứng dụng công nghệ để không tác động, ảnh hưởng xấu đến môi trường.
Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/tp-ha-noi-huong-den-phat-trien-cong-nghiep-sach-91725.html