TP. Hải Phòng chi 4.000 tỷ đồng cho thu nhập tăng thêm đối với công chức trong 2 năm
Trong giai đoạn từ năm 2022 - 2024, TP. Hải Phòng chi tổng cộng hơn 4.000 tỷ đồng cho chính sách thu nhập tăng thêm đối với cán bộ, công chức, viên chức.
Ngày 13/11/2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 35/2021/QH15 nhằm thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển TP. Hải Phòng. Nghị quyết này tạo hành lang pháp lý để thành phố triển khai các chính sách mang tính đột phá, trong đó có chính sách về thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức. Thành phố được phép sử dụng nguồn cải cách tiền lương dư để chi thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức, với mức tối đa 0,8 lần mức lương ngạch bậc, chức vụ hoặc lương theo vị trí việc làm.
Thực hiện Nghị quyết này, ngày 20/7/2022, Hội đồng nhân dân (HĐND) Hải Phòng đã ban hành Nghị quyết số 05/2022/NQ-HĐND về mức chi thu nhập tăng thêm, sau đó được sửa đổi, bổ sung tại Nghị quyết số 01/2023/NQ-HĐND ngày 18/4/2023 để phù hợp thực tiễn.
Theo quy định, việc chi thu nhập bình quân tăng thêm được áp dụng cho hai nhóm đối tượng. Nhóm 1 bao gồm cán bộ, công chức làm việc trong các cơ quan chính quyền, Đảng, đoàn thể và cán bộ, công chức cấp xã. Những người thuộc nhóm này được hưởng hệ số 0,6 lần mức lương nếu hoàn thành tốt nhiệm vụ và 0,4 lần nếu chỉ hoàn thành nhiệm vụ.
Nhóm 2 là viên chức làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập do nhà nước bảo đảm chi thường xuyên hoặc tự chủ một phần chi thường xuyên. Đối tượng này được hưởng hệ số 0,4 lần mức lương nếu hoàn thành tốt nhiệm vụ và 0,2 lần nếu chỉ hoàn thành nhiệm vụ. Theo lộ trình, hệ số điều chỉnh thu nhập bình quân tăng thêm này sẽ tăng đều 0,1 mỗi năm từ năm 2022 đến năm 2024 và duy trì đến năm 2026.
Về nguyên tắc, thu nhập bình quân tăng thêm được thực hiện trên cơ sở hiệu quả công việc của cán bộ công chức, viên chức tại cơ quan, đơn vị, địa phương. Việc đánh giá hiệu quả công việc căn cứ theo kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức hàng năm. Việc chi trả thu nhập bình quân tăng thêm của năm nào thì căn cứ vào kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức của năm đó và được chi trả vào năm sau liền kề.
Trong giai đoạn từ năm 2022 - 2024, thành phố đã chi tổng cộng hơn 4.000 tỷ đồng cho chính sách thu nhập tăng thêm đối với cán bộ, công chức, viên chức.
Cụ thể, trong năm 2022, tổng kinh phí chi trả đạt 1.072,3 tỷ đồng, đảm bảo cho 38.306 người được hưởng lợi. Năm 2023, kinh phí chi trả là 1.013,8 tỷ đồng, với số người hưởng lợi tăng lên 38.467 người. Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong việc cân đối ngân sách, đặc biệt là khi triển khai các chính sách an sinh xã hội khác và tình hình phục hồi sau đại dịch COVID-19, thành phố vẫn đảm bảo nguồn lực tài chính cho chính sách này.
Đến năm 2024, dự kiến tổng kinh phí chi trả đạt hơn 2.000 tỷ đồng, số người hưởng lợi tạm ước thực hiện bằng năm 2023 và đảm bảo lộ trình tăng hệ số điều chỉnh thu nhập.
Việc triển khai chính sách thu nhập tăng thêm cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là một minh chứng rõ ràng cho sự quan tâm của chính quyền thành phố, đồng thời cho thấy tầm nhìn chiến lược trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp phát triển bền vững.
Trước tiên, về mặt kinh tế, việc chi trả thu nhập tăng thêm giúp cải thiện đời sống của cán bộ, công chức, viên chức thành phố; tạo động lực mạnh mẽ trong công việc, cải thiện đáng kể hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị; cán bộ, công chức, viên chức yên tâm công tác, giảm phiền hà sách nhiễu, tăng cường kỷ luật, kỷ cương công vụ. Số lượng cán bộ, công chức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong năm 2023 đã tăng so với năm 2022, đặc biệt tại các đơn vị cấp xã, nơi trước đây thường gặp khó khăn trong việc giữ chân nhân sự.
So với các giai đoạn trước, số công chức, viên chức xin thôi việc tại thành phố có xu hướng giảm (từ 289 công chức, viên chức xin thôi việc trong giai đoạn từ 01/7/2022 đến 30/4/2023 giảm xuống còn 104 công chức, viên chức xin thôi việc giai đoạn từ 01/5/2023 đến 30/9/2023).
Ngoài ra, chính sách còn giúp TP. Hải Phòng trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhân tài trẻ. Kỳ tuyển dụng công chức năm 2024 ghi nhận tỷ lệ 3,56 thí sinh cạnh tranh cho một chỉ tiêu, cao nhất trong vòng 14 năm qua. Nhiều thí sinh có trình độ thạc sĩ, đại học từ các trường uy tín trên cả nước đã chọn Hải Phòng làm nơi cống hiến.
Dù đã đạt được kết quả thiết thực, song TP. Hải Phòng luôn nhận thức rõ ràng những thách thức cần khắc phục trong quá trình triển khai thực hiện chính sách. Việc cân đối nguồn ngân sách, nhất là trong bối cảnh cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn từ phía chính quyền địa phương.
TP. Hải Phòng cũng đang tích cực nghiên cứu, đề xuất, cải thiện các phương thức triển khai để đảm bảo sự minh bạch, hiệu quả và tính bền vững. Tại dự thảo Nghị quyết sửa đổi Nghị quyết số 35/2021/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng, bên cạnh nhiều chính sách cơ chế đặc thù vượt trội, thành phố Hải Phòng tiếp tục đề xuất Quốc hội xem xét, kế thừa nội dung chi thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan chính quyền, Đảng, đoàn thể do thành phố quản lý theo hiệu quả công việc trên cơ sở cân đối ngân sách địa phương để tạo động lực nâng cao chất lượng nền công vụ, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao ngang tầm nhiều vụ để tiếp đà bứt phá trong kỉ nguyên phát triển mới.
Theo UBND TP. Hải Phòng, trong bối cảnh toàn hệ thống chính trị đang khẩn trương thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức nhà nước theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, với phương châm “vừa chạy vừa xếp hàng,” “thời gian không chờ đợi,” “phải làm ngay, càng làm sớm càng có lợi cho dân, cho nước,” chính sách thu nhập tăng thêm là minh chứng rõ nét cho tính ưu việt của phương pháp thu hút, giữ chân nhân tài, nâng cao chất lượng hoạt động công vụ; góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Trong ba năm qua, thành phố đã chứng kiến một bước đột phá quan trọng, không chỉ là con số hơn 4.000 tỷ đồng hay 38.000 cán bộ, công chức, viên chức thụ hưởng, mà chính là sự đổi thay trong tâm thế, động lực và chất lượng phục vụ nhân dân, là bài học kinh nghiệm quý báu không chỉ cho Hải Phòng mà còn cho các địa phương khác, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong giai đoạn hiện nay.