TP.HCM bàn phương án giải 'bài toán' đường trùng tên
TP.HCM có hàng loạt tuyến đường trùng tên ở các phường, xã, đặt ra bài toán cần sớm có những giải pháp giải quyết bất cập trên để tránh xáo trộn đời sống người dân và công tác quản lý hành chính.
Chiều 10-7, Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện Nghị định số 91/2005/NĐ-CP ngày 11-7-2005 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: NHƯ NGỌC
Ba lý do đường trùng tên ở phường, xã
Phát biểu tại hội nghị, PGS.TS Hà Minh Hồng, Hội khoa học lịch sử TP.HCM dẫn chứng năm 2019-2020, nhóm nghiên cứu của PGS-TS Tôn Nữ Quỳnh Trân xác định 311 tuyến đường ở TP.HCM nằm trong trường hợp có tên bị trùng lặp với 132 tên gọi.
Năm 2023, TS Trương Hoàng Trương (Khoa đô thị học, ĐH KHXH&NV) xác định TP.HCM có khoảng 3.600 đường có tên, nhiều đường chưa có và sẽ có thêm nhiều tuyến mới xuất hiện theo sự phát triển đô thị, trong đó có gần 400 đường trùng tên hoặc không chính xác nhân vật lịch sử, địa danh, tên không ý nghĩa và cần sửa đổi.

PGS.TS Hà Minh Hồng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: NHƯ NGỌC
"Tên đường trùng nhau ở 2 hoặc nhiều quận, huyện, cá biệt có những tên gọi được đặt cho 5 tuyến đường. Trường hợp tên đường Trần Văn Đang còn gây sốt khi nằm sát nhau cùng trên địa bàn quận 3 (cũ); hoặc 2 con đường cùng tên Hoa Lan giao nhau ở quận Phú Nhuận cũ (người dân phải đặt tên Hoa Lan lớn, Hoa Lan bé để tự phân biệt)" - ông Hồng dẫn chứng.
TP.HCM có một số tuyến đường trùng tên ở 2 phường, đơn cử như đường Phan Văn Trị xuất hiện ở phường Chợ Quán và phường An Đông (Quận 5 cũ); Đường Tân Mỹ ở phường Tân Thuận và phường Tân Mỹ (Quận 7 cũ); Đường Nguyễn Thị Nhỏ ở phường Phú Thọ và phường Minh Phụng (Quận 11 cũ).
Hay như đường Hồ Văn Long ở phường Bình Tân và phường Tân Tạo (Quận Bình Tân cũ); Đường Chu Văn An, đường Dân Chủ, đường Khổng Tử, đường Nguyễn Công Trứ, đường Nguyễn Khuyến, đường Nguyễn Trường Tộ, đường ở phường Thủ Đức và phường Tăng Nhơn Phú (TP Thủ Đức cũ)...
PGS.TS Hà Minh Hồng
Ông Hồng lý giải, có các lý do dẫn đến trùng tên đường. Một trong những nguyên nhân là do lịch sử để lại. Cạnh đó là dấu ấn lịch sử văn hóa. Hay như tên đường thường được đặt tên theo tên danh nhân, các sự kiện lịch sử, các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, mẹ Việt Nam anh hùng, địa danh... cũng dẫn đến các tỉnh thường có tên đường trùng nhau, thậm chí trong cùng một tỉnh vẫn thường xảy ra sự trùng lắp tên đường giữa các quận, huyện
Ngoài ra, từ sau năm 1975 đến trước năm 1995, không có quy định cụ thể về thẩm quyền đặt tên của từng cấp nên các quận, huyện đã tự ý đặt tên đối với tuyến đường mới.
Từ những thực tế trên, PGS.TS Hà Minh Hồng đề xuất giữ tên đường phố và ghi thêm địa chỉ (ví dụ đường Phan Văn Trị phường Chợ Quán; đường Phan Văn Trị phường An Đông; Đường Chu Văn An phường Thủ Đức; Đường Chu Văn An phường Tăng Nhơn Phú)...
Đề xuất này dẫn đến tên đường gắn với địa chỉ (không trùng) nên tên đường cũng không trùng (hoàn toàn). Tên đường vẫn gắn bó với thực tế cuộc sống dân cư và không bị thay đổi nên không đảo lộn phức tạp.
Việc thêm địa chỉ (tên phường) mang ý nghĩa lịch sử văn hóa gắn với với người dân, do đó cùng tên đường nhưng không có nghĩa trùng (mà mang ý nghĩa chỉ dẫn cụ thể hơn trước).
Giảm bớt một số tên đường, phố mang tên nhân vật không nổi tiếng - sử dụng nhiều hơn tên nhân vật nổi tiếng, có nhiều ý nghĩa lịch sử văn hóa lớn (ưu tiên tên sự kiện, địa danh) và thêm địa chỉ...
Giảm bớt tình trạng địa phương và cục bộ hóa tên đường, giảm bớt tình trạng sử dụng tên dân gian hóa (trừ trường hợp cả nước biết đến) đặt thành tên đường (ví dụ tên Út Tịch cả nước biết).
TP.HCM còn nhiều dư địa để đặt tên đường
Còn TS Nguyễn Minh Nhựt, Phó trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP.HCM nhận định việc sáp nhập tỉnh Bình Dương và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vào TP.HCM đã đưa thành phố trở thành đại đô thị lớn nhất Việt Nam với quy mô hơn 6.700 km² và dân số gần 15 triệu người.
Trong bối cảnh đó, tình trạng các tuyến đường trùng tên, đặc biệt giữa các phường, xã khác nhau, đã và đang gây ra những khó khăn đáng kể cho công tác quản lý hành chính, cấp giấy tờ pháp lý, vận hành logistics, cứu hộ cứu nạn, cũng như làm giảm hiệu quả quản lý đô thị thông minh.
Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ lịch sử đặt tên riêng lẻ khi các tỉnh, huyện còn độc lập; thiếu cơ sở dữ liệu thống nhất; quá trình sáp nhập nhanh chưa kịp rà soát tổng thể.
"Để giải quyết vấn đề này, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp: rà soát, xây dựng cơ sở dữ liệu GIS thống nhất tên đường toàn TP; đổi tên các tuyến đường trùng lặp gây nhầm lẫn nghiêm trọng theo nguyên tắc bảo tồn giá trị lịch sử - văn hóa và hạn chế tối đa xáo trộn; áp dụng đặt tên bổ sung có định danh địa lý; hoàn thiện quy trình thẩm định, phê duyệt tên đường minh bạch, khoa học..." - ông Nhựt đề xuất.

TS Nguyễn Minh Nhựt phát biểu tại hội nghị.
ThS Lê Tú Cẩm, Chủ tịch Hội di sản văn hóa TP.HCM nhận định việc đặt tên đường ở TP.HCM tồn tại nhiều vấn đề.
Như về tên địa danh nổi tiếng, đất nước có những địa danh trở thành những cái tên hấp dẫn đối với du khách nước ngoài như Tràng An, Phong Nha, Lũng Cú.... Mà đến nay vẫn chưa có những con đường mang tên địa danh nổi tiếng cả nước được hội tụ về đây.
Đặc biệt, trong tình hình cả nước đang sắp xếp lại, một số tỉnh, thành không còn tên, một số địa danh được đặt tên phường, nhưng cũng còn nhiều địa danh không còn. Có phải chăng đó là dư địa cho quỹ tên đường về địa danh, bà Cẩm đặt vấn đề.

ThS Lê Tú Cẩm phát biểu tại hội nghị.
"Về việc dùng tên các Di tích lịch sử - văn hóa đặt tên đường, dường như những năm vừa qua cũng chưa quan tâm khai thác. Chẳng hạn di tích Côn Đảo, di tích Ngã ba Đồng Lộc, di tích chùa Bái Đính cổ...
Việc dùng tên sự kiện lịch sử đặt tên đường, cũng là một lĩnh vực mà tên đường hiện hữu cũng như quỹ tên đường của TP còn thiếu vắng. Chẳng hạn như sự kiện Hội nghị Diên Hồng, Hội nghị Paris..." - bà Cẩm nói.
Ngoài ra, những năm trước đây, TP đã có sử dụng tên các nhân vật nước ngoài, như Bertrand Russel, Luther King,... đặt một số tên đường. Song, những năm gần đây, Hội đồng tên đường TP dường như chưa xem xét bổ sung tên các nhân vật nước ngoài vào quỹ tên đường.
Phát biểu tổng kết hội nghị, ông Nguyễn Minh Nhựt - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM cho biết thời gian qua, việc đặt, đổi tên đường luôn được lãnh đạo TP.HCM đặc biệt quan tâm.
Từ năm 2005 đến nay, cơ quan có thẩm quyền của TP đã ban hành văn bản đặt tên cho 643 tuyến đường; đổi tên 3 tuyến đường và điều chỉnh lý trình 19 tuyến đường.
Mỗi lần đặt, đổi tên đường là lãnh đạo TP.HCM phải "nâng lên, đặt xuống", cân nhắc rất kỹ, trải qua nhiều bước triển khai. Song, với nhiều nỗ lực, TP.HCM đã đạt được nhiều kết quả, đáp ứng yêu cầu quản lý đô thị, quản lý hành chính; góp phần giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc, nâng cao tình yêu quê hương, đất nước...
Nghị định số 91/2005/NĐ-CP được Chính phủ ban hành với mục tiêu quy định rõ thẩm quyền, nguyên tắc, tiêu chí, quy trình đặt, đổi tên đường, phố và công trình công cộng. Nghị định đã phát huy vai trò tích cực trong việc định hướng và điều chỉnh hoạt động đặt, đổi tên đường, công trình công cộng trên phạm vi cả nước, từng bước đưa công tác này vào quy cũ, đảm bảo tính trang trọng, chính xác, phù hợp với truyền thống lịch sử - văn hóa dân tộc.
Nguồn PLO: https://plo.vn/tphcm-ban-phuong-an-giai-bai-toan-duong-trung-ten-post859676.html