TP.HCM: Các trường gấp rút chọn sách giáo khoa lớp 5

Sách giáo khoa lớp 5 được chọn phải phù hợp với địa bàn, mang tính kế thừa, tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh tiếp nhận kiến thức.

Tuần qua, Sở GD&ĐT TP.HCM đã phối hợp với các nhà xuất bản có bộ sách giáo khoa lớp 5 được Bộ GD&ĐT phê duyệt tổ chức hội thảo giới thiệu sách.

Sách giáo khoa phải phù hợp, mang tính kế thừa

Sau một tuần tham dự hội thảo và họp tổ nghiên cứu từng bộ sách, tuần này Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (quận 11) họp hội đồng lựa chọn sách giáo khoa theo đúng quy định.

Cô Trần Thị Mỹ Lệ, khối trưởng khối 5, cho biết các bộ sách đã được Bộ GD&ĐT thẩm định và phê duyệt. Do đó, trong quá trình lựa chọn, giáo viên (GV) chú trọng đến yếu tố sách phải phù hợp với địa phương, với thực tế nhà trường và mang tính kế thừa.

“Từ lớp 1 đến lớp 4 học sinh (HS) đã học một bộ sách, vì vậy sách giáo khoa lớp 5 phải đảm bảo tính kế thừa để các em thuận tiện trong tiếp cận kiến thức, không bị đứt gãy. Việc chọn sách được các GV thực hiện nghiêm túc, khách quan” - cô Lệ nói.

 Giáo viên nghiên cứu sách giáo khoa tại hội thảo do Sở GD&ĐT TP.HCM phối hợp với các nhà xuất bản tổ chức. Ảnh: NQ

Giáo viên nghiên cứu sách giáo khoa tại hội thảo do Sở GD&ĐT TP.HCM phối hợp với các nhà xuất bản tổ chức. Ảnh: NQ

Ông Văn Nhật Phương, Hiệu trưởng nhà trường, thông tin ngoài tham gia hội thảo, các GV đã ngồi lại nghiên cứu, thảo luận kỹ trước khi lựa chọn sách theo quy định.

“GV chủ yếu đề cập đến sự phù hợp của từng bộ sách vì đây chính là yếu tố rất quan trọng. Giờ đây sách giáo khoa không còn là pháp lệnh như trước, trong quá trình dạy GV được quyền sử dụng các ngữ liệu khác để bài giảng trở nên phong phú, sống động hơn” - ông Phương nói.

Theo Thông tư 27, trong cơ cấu hội đồng lựa chọn SGK có đại diện ban đại diện cha mẹ HS của trường tham gia. Tôi nhận thấy việc giao quyền lựa chọn SGK cho trường đòi hỏi mỗi GV và cả phụ huynh phải có trách nhiệm hơn, tập trung thời gian và nghiên cứu thật kỹ danh mục sách đã được Bộ GD&ĐT phê duyệt. Chỉ có như vậy trường mới có thể chọn được bộ sách phù hợp với năng lực của HS và điều kiện tổ chức giảng dạy của mình. Ông NGUYỄN NGỌC ÁNH, Trưởng Ban đại diện cha mẹ HS Trường Tiểu học Lê Văn Thọ (quận Gò Vấp)

Theo bà Nguyễn Thị Cẩm Thanh Trà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (quận Tân Bình), trường đã thực hiện chọn sách theo hướng GV các lớp nghiên cứu từng bộ sách, viết phiếu nhận xét rồi thống nhất chọn bộ nào.

“Khi được “giao quyền”, các GV đều làm việc rất tâm huyết, họ phấn khởi khi được tham gia lựa chọn bộ sách giáo khoa mà mình sẽ là người trực tiếp giảng dạy, truyền đạt những kiến thức trong đó cho HS” - bà Trà chia sẻ.

Giao quyền chọn sách cho trường

Theo Thông tư 27 của Bộ GD&ĐT vừa có hiệu lực từ tháng 2-2024, sau ba năm UBND cấp tỉnh phụ trách việc chọn SGK, năm nay các trường đã được giao quyền chọn sách.

Thông tư nêu rõ mỗi trường là một hội đồng lựa chọn sách do hiệu trưởng thành lập. Riêng trường phổ thông có nhiều cấp học thì mỗi cấp một hội đồng. Như vậy, việc chọn sách giáo khoa sẽ quay lại cách làm của năm 2020 - năm đầu triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, giao quyền cho các trường.

ThS Vũ Hoàng Sơn, GV Trường Tiểu học Bình Hòa (quận Bình Thạnh), cho biết khi được giao quyền chọn sách, các trường sẽ chủ động hơn, GV cũng có trách nhiệm hơn. “Nếu lựa chọn sơ sài, GV chính là người phải chịu trách nhiệm trong suốt năm học” - ông Sơn nói.

Cũng theo ông Sơn, sau khi nghiên cứu kỹ các bộ sách, tuần này hội đồng lựa chọn sách giáo khoa của trường sẽ làm việc để chọn ra một bộ sách cho năm học tới.

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Đình Chinh chia sẻ theo Thông tư 27, quyền lựa chọn và quyết định sử dụng bộ SGK nào thuộc về các trường. Vì thế, các trường có thể chọn bộ sách phù hợp, sau đó gửi danh sách lên Phòng GD&ĐT để thẩm định lại.

“Do được giao quyền nên trách nhiệm của GV cũng lớn hơn. Tôi luôn nói các GV phải làm việc thật công tâm, trách nhiệm, nghiên cứu kỹ và tuyệt đối không được copy phiếu nhận xét trên mạng” - ông Phương bộc bạch.

Cũng theo ông Phương, thời gian lựa chọn SGK cấp trường sẽ diễn ra từ ngày 19-2 đến 15-3. Các trường sẽ gửi báo cáo về Phòng GD&ĐT trước ngày 21-3.

“Năm nay, việc lựa chọn sách giáo khoa được tổ chức sớm hơn. Như vậy, đến trước ngày 30-4, HS và phụ huynh sẽ biết được danh mục SGK lớp 5 của các trường. Điều này tạo sự thuận lợi để phụ huynh chuẩn bị sách vở, HS cũng có nhiều thời gian nghiên cứu trước” - ông Phương thông tin thêm.

Quy trình lựa chọn sách giáo khoa

Toàn bộ GV của từng môn học sẽ tham gia thảo luận, nghiên cứu, viết phiếu nhận xét, đánh giá môn học đó. Trường hợp môn học chỉ có một SGK được bộ trưởng Bộ GD&ĐT quyết định phê duyệt thì tổ chuyên môn lựa chọn sách trong quyết định, không cần bỏ phiếu.

Sách được chọn phải có hơn 50% số GV trở lên bỏ phiếu. Trường hợp không đạt tỉ lệ này, tổ chuyên môn thảo luận, phân tích và bỏ phiếu lại. Sau lần bỏ phiếu thứ hai, nếu không có sách nào được trên một nửa số GV chọn, tổ chuyên môn chọn sách có số phiếu cao nhất trong hai lần.

Dựa trên sự chọn lựa của các tổ chuyên môn, hội đồng lựa chọn SGK sẽ họp, thẩm định biên bản họp của tổ chuyên môn, từ đó đề xuất với hiệu trưởng danh mục sách đã được các tổ chuyên môn lựa chọn đúng theo quy định.

(Theo Thông tư 27 của Bộ GD&ĐT)

NGUYỄN QUYÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/tphcm-cac-truong-gap-rut-chon-sach-giao-khoa-lop-5-post779395.html