TP.HCM cần cơ chế đặc thù vượt trội, phân quyền mạnh

Nhiều đại biểu đề nghị cho TP.HCM cơ chế mạnh hơn, thời gian kéo dài hơn để tăng tính chủ động cho TP cũng như tính khả thi của các chính sách.

Chiều 8-6, Quốc hội (QH) đã thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết của QH về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Đa số các đại biểu (ĐB) đều ủng hộ việc cần cho TP.HCM một số cơ chế, chính sách đặc thù giúp TP phát triển, từ đó đóng góp vào sự phát triển cho cả vùng và cả nước.

Cần phân quyền mạnh hơn cho TP.HCM

ĐB Dương Khắc Mai (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông) cho rằng cơ chế cho TP.HCM không chỉ đặc thù mà phải đặc biệt, không chỉ vượt trội mà cần cơ chế đi trước để TP.HCM thực sự là đầu tàu đa chức năng, đi trước mở đường và đảm nhận vai trò dẫn dắt, tìm hướng đi mới cho cả nước. Ông cho rằng cơ chế đó phải đủ để TP.HCM trở thành trung tâm thực hành, thực nghiệm để giải quyết những vấn đề trong thực tiễn chưa đủ rõ, hoặc đủ nhưng chưa đủ chín.

Lấy ví dụ cơ chế HĐND TP được bố trí nguồn thu từ cổ phần hóa doanh nghiệp 100% vốn nhà nước để tăng vốn điều lệ cho công ty tài chính nhà nước, ĐB Mai cho rằng cơ chế này chưa đủ. “Tôi đề nghị cần mở rộng cơ chế tài chính đặc thù nguồn tài chính cho công ty tài chính TP như phát hành trái phiếu quốc tế; ưu tiên đầu tư cho một số chương trình, dự án như phát triển đường sắt đô thị, chống ngập…” - ĐB Mai nói.

ĐB Nguyễn Phương Thủy (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) nói về các cơ chế đặc thù phát triển TP.HCM. Ảnh: PHẠM THẮNG

ĐB Nguyễn Phương Thủy (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) nói về các cơ chế đặc thù phát triển TP.HCM. Ảnh: PHẠM THẮNG

Tương tự, ĐB Nguyễn Phương Thủy (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) chia sẻ các cơ chế, chính sách này quả thực chưa “mang tính đột phá mạnh mẽ, vượt trội” như kỳ vọng của các ĐBQH, cử tri cũng như cá nhân bà. ĐB lấy ví dụ một số chính sách về quản lý liên thông đối với cán bộ, công chức xã, thị trấn; bổ sung một số cơ quan chuyên môn thuộc UBND, HĐND TP và UBND TP Thủ Đức… “còn khá lẻ tẻ”. Trong khi các nội dung phân quyền cho UBND TP Thủ Đức lại chưa thật rõ ràng.

ĐB Thủy đề nghị có thể phân quyền cho HĐND TP được ban hành tiêu chí, tiêu chuẩn, điều kiện và quyết định việc thành lập các cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP và cấp quận, huyện, TP trực thuộc. Đồng thời được quy định về tiêu chuẩn, định mức tối thiểu về số lượng cán bộ, công chức tại xã, phường, thị trấn và quyết định tổng biên chế đối với từng đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc.

“Việc phân quyền sẽ giúp TP chủ động trong điều chỉnh bố trí cán bộ, công chức, người lao động tùy theo điều kiện của địa bàn mình mà vẫn bảo đảm không vượt quá mức tổng biên chế được HĐND quyết định” - ĐB Thủy nói.

ĐB Trần Khánh Thu (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình) cũng tán thành cần có những cơ chế, chính sách mới, đủ mạnh, vượt trội để TP.HCM phát triển đột phá. Ở góc độ y tế, bà cho rằng cần có cơ chế, chính sách nhằm thu hút nguồn lực xã hội, nhất là hệ thống y tế tư nhân đồng hành tham gia.

Bà Thu cho rằng TP.HCM cần được phân cấp thẩm quyền ban hành chính sách đặc thù ưu đãi để thu hút các nhà đầu tư về y tế hay các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe người dân. Theo đó, ĐB Thu đề xuất bổ sung áp dụng cơ chế hợp tác công tư (PPP) cho cả lĩnh vực y tế, không áp dụng hạn mức.

“Nếu được QH chấp thuận, kiến nghị giao HĐND TP quyết định danh mục các dự án và sẽ giám sát việc thực hiện” - ĐB Thu kiến nghị.

Thời gian thí điểm cần dài hơn

Một trong những nội dung được nhiều ĐB đề cập tại phiên thảo luận là cần nghiên cứu, xem xét kéo dài thời gian thực hiện thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù tại TP.HCM đến năm 2030.

ĐB Nguyễn Trúc Sơn (Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre) cho rằng các dự án triển khai tại TP.HCM phần lớn thuộc dạng “đặc biệt”, có ý nghĩa không chỉ đối với TP mà còn cả vùng, cả nước.

“Từ rất lâu, TP.HCM vì cả nước, bây giờ cả nước vì TP.HCM. Với chính sách đặc thù này, chúng tôi rất kỳ vọng TP.HCM phải đi trước, về trước chứ không phải TP.HCM đi trước, về sau. Làm sao cho những chính sách chúng ta đưa ra thật sự khả thi trong quá trình thực hiện” - ĐB Sơn nói.

Theo ông, thời gian để triển khai các chính sách, cơ chế thí điểm chỉ kéo dài năm năm là quá ngắn, nhất là trong bối cảnh hiện nay, các quy hoạch của các tỉnh, thành và của quốc gia chưa hoàn thiện. “Nếu TP.HCM ban hành và thực hiện ngay chính sách này thì liệu TP.HCM được phép làm các dự án gì chưa được phê duyệt trong quy hoạch? Nếu được, có thể chúng ta giao cho TP.HCM trùng khớp với thời kỳ quy hoạch 2021-2030, nghĩa là chính sách này kéo dài đúng kỳ quy hoạch đến năm 2030, đến cuối kỳ quy hoạch chúng ta sẽ tổng kết…” - ĐB Sơn nói.

ĐB Hà Sỹ Đồng (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị). Ảnh: PHẠM THẮNG

ĐB Hà Sỹ Đồng (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị). Ảnh: PHẠM THẮNG

Cùng vấn đề, ĐB Hà Sỹ Đồng (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị) cho rằng cần tính toán lại thời gian thực hiện nghị quyết. Theo ông Đồng, thời gian thực hiện Nghị quyết 54/2017 quy định là năm năm nhưng với thời gian như vậy, các nội dung đều chưa đạt được.

Dự thảo lần này thực chất là tiếp nối Nghị quyết 54 và có thêm một số chính sách, cơ chế đối với một số lĩnh vực khác. “Câu hỏi đặt ra là tiếp tục thực hiện trong năm năm tới liệu có khả thi? Theo tôi, phải thực hiện trong thời gian từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” - ĐB Hà Sỹ Đồng đề nghị.

Ba mục tiêu khi áp dụng các chính sách thí điểm

Báo cáo, giải trình thêm trước QH, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho hay những năm qua, TP.HCM đang chững lại về tốc độ phát triển và có dấu hiệu tụt lại. “Có quá nhiều vấn đề đang là thách thức đối với TP.HCM. Việc ban hành nghị quyết mới là cấp bách, cần thiết, giúp TP tháo gỡ các điểm nghẽn, phát triển trở lại, từ đó đóng góp cho cả vùng, cả nước” - ông Dũng nhấn mạnh.

Theo ông, cơ quan soạn thảo đã chuẩn bị rất kỹ nội dung dự thảo nghị quyết để đảm bảo khi chính sách thí điểm được triển khai sẽ đạt ba mục tiêu đặt ra. Thứ nhất, phải khơi thông, huy động được nguồn lực; thứ hai, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và thứ ba là giảm trình tự thủ tục, rút ngắn thời gian thực hiện.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: PHẠM THẮNG

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: PHẠM THẮNG

“Tất cả cơ chế, chính sách của nghị quyết đã được rà soát theo các nguyên tắc đặt ra, đảm bảo tháo gỡ các điểm nghẽn cho TP, đảm bảo trọng tâm, trọng điểm. Chúng tôi sẽ cùng TP.HCM và các bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu. Nếu có vấn đề mới thuyết phục hơn, mạnh hơn thì sẽ báo cáo với QH” - ông Dũng nói.

Ông Dũng cũng dẫn ý kiến một số ĐB cho rằng các chính sách “dàn trải, chưa tập trung, chưa đủ mạnh”. Cụ thể, có ĐB nêu tại sao TP cần nguồn lực, sao không cho TP phát hành trái phiếu vay 20-30 tỉ USD để làm toàn bộ hạ tầng cốt lõi giúp TP bứt phá, từ đó đóng góp trở lại cho đất nước và có thể trả được nợ. “Điều này chúng tôi sẽ ghi nhận, nghiên cứu một cách nghiêm túc” - ông Dũng nói.

Với một số đề nghị khác như bỏ giới hạn mức tối thiểu đối với chương trình y tế, kéo dài thời hạn thực hiện nghị quyết đến năm 2030…, ông Dũng cho biết cơ quan soạn thảo sẽ phối hợp cùng TP.HCM nghiêm túc tiếp thu và nếu phù hợp, không ảnh hưởng đến vấn đề khác sẽ báo cáo QH, Ủy ban Thường vụ QH.

Cần nguồn năng lượng mạnh hơn để TP.HCM “bốc” lên

Dự thảo nghị quyết quy định bảy nhóm chính sách lớn với 44 cơ chế đặc thù cho TP.HCM khá toàn diện, đặc biệt có những nội dung rất mới, mang tính đột phá. Những chính sách này về cơ bản đã có cả cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn nhưng tôi nhận thấy cần thêm cái gì đó để thực sự tạo động lực mạnh hơn, tạo thành “nguồn năng lượng” mạnh hơn để TP.HCM “bốc” lên.

Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An . Ảnh: QH

Hôm nay, các ĐBQH nói nhiều đến vấn đề ngân sách và đầu tư. Riêng tôi thấy có một số vấn đề TP.HCM cần làm, đầu tiên là con người. Thứ nhất, chính sách về tổ chức, bộ máy, nhân sự nên trao quyền cho TP rộng hơn.

Thứ hai, TP.HCM là đầu tàu kinh tế của cả nước. Và “đầu tàu kinh tế” cần dựa vào sản xuất, dịch vụ và đất đai. Việc đưa ra hướng phát triển đô thị giao thông (TOD) là hướng rất tốt nhưng TP.HCM không chỉ là các đô thị mà phải hướng ra ngoài, còn Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh. Đây là nguồn đất đai vô cùng hữu ích cho TP.HCM nếu chúng ta tận dụng được. Vì vậy, cơ chế đất đai đối với TP.HCM phải mạnh hơn nữa.

Mặt khác, trong cách thức huy động đầu tư, tôi mong muốn chúng ta giao cho TP.HCM cơ chế BT. Cơ chế BT phải dừng lại sau khi Luật PPP ra đời, do có rất nhiều hạn chế. Tuy nhiên, TP.HCM cần được làm BT với cơ chế công khai, minh bạch, có hệ thống theo dõi, giám sát để tránh việc lạm dụng, tránh việc lợi dụng, chống sai phạm.

Tôi cũng cho rằng TP còn thiếu một mảng rất lớn khác, chúng ta thường nói là “kinh tế đêm”, hay phát triển du lịch. Người ta đến với TP.HCM không phải chỉ đi làm công nhân, làm kỹ sư, làm chuyên gia mà còn muốn TP.HCM trở thành trung tâm du lịch, trung tâm dịch vụ giải trí.

Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh
TRỊNH XUÂN AN

NHÓM PV

Nguồn PLO: https://plo.vn/tphcm-can-co-che-dac-thu-vuot-troi-phan-quyen-manh-post737101.html