TP HCM: Cấp bách chuyển đổi công nghệ xử lý rác

TP HCM mỗi ngày thải ra 13.000 tấn rác thải sinh hoạt. Chuyển đổi công nghệ xử lý rác hứa hẹn mang lại lợi ích kinh tế và cải thiện môi trường sống

Theo Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP HCM lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025, TP HCM đặt mục tiêu đến năm 2025, tỉ lệ xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ mới hiện đại (đốt phát điện) và tái chế đạt ít nhất 80%, hướng tới năm 2030 là 100%.

Xử lý triệt để

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM, hiện khối lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) trên địa bàn thành phố phát sinh trung bình khoảng 13.000 tấn/ngày. Trong đó, chất thải có khả năng tái chế, tái sử dụng được thu gom, xử lý bằng hình thức tái chế thông qua cơ chế thị trường khoảng 3.000 tấn/ngày (chiếm 23%). Khối lượng rác còn lại được thu gom vận chuyển về các nhà máy xử lý trên địa bàn thành phố. Theo số liệu thống kê từ năm 2007 đến nay, khối lượng CTRSH phát sinh ngày càng tăng - khoảng 5,6%/năm.

Hiện nay, CTRSH phát sinh được thu gom, vận chuyển, xử lý trên toàn địa bàn thành phố đạt tỉ lệ 100%, thông qua các hình thức tái chế theo cơ chế thị trường, hệ thống thu gom rác công lập và tư nhân, vớt rác trên kênh, quét thu gom rác đường phố… và xã hội hóa công tác xử lý.

Khối lượng CTRSH phát sinh trên địa bàn thành phố được thu gom, vận chuyển về các nhà máy xử lý ở 2 khu liên hợp xử lý chất thải rắn. Trong đó, Khu Liên hợp Xử lý chất thải rắn Tây Bắc, huyện Củ Chi gồm nhà máy của Công ty CP Vietstar - công suất 1.800 tấn/ngày (áp dụng công nghệ sản xuất compost, tái chế nhựa), nhà máy của Công ty CP Đầu tư Phát triển Tâm Sinh Nghĩa - công suất 1.000 tấn/ngày (áp dụng công nghệ đốt không thu hồi năng lượng, sản xuất compost và tái chế nhựa) và bãi chôn lấp số 3 (dự phòng) của Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP HCM (áp dụng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh). Khu Liên hợp Xử lý chất thải rắn và nghĩa trang Đa Phước, gồm bãi chôn lấp Đa Phước của Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (VWS) khoảng 6.800 - 7.000 tấn/ngày (áp dụng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh).

Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt của Công ty CP Vietstar. Ảnh: QUỐC ANH

Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt của Công ty CP Vietstar. Ảnh: QUỐC ANH

Chuyển sang công nghệ đốt phát điện

Hiện nay, trên địa bàn thành phố đang có 5 đơn vị xử lý rác đã ký hợp đồng cung ứng dịch vụ xử lý CTRSH với thành phố, gồm Công ty CP Vietstar, Công ty CP Đầu tư Phát triển Tâm Sinh Nghĩa, VWS, Công ty CP Tasco và Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP HCM. Các đơn vị này đang thực hiện thủ tục để sớm chuyển đổi sang công nghệ đốt rác phát điện.

Tiên phong là nhà máy đốt rác phát điện Tâm Sinh Nghĩa tại Khu Liên hợp Xử lý chất thải rắn Tây Bắc, được khởi công hồi tháng 7-2024. Nhà máy xây dựng trên diện tích 20 ha, chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1, triển khai từ năm 2024 đến 2025, có tổng vốn đầu tư là 6.400 tỉ đồng, công suất đốt 2.000-2.600 tấn rác/ngày, công suất phát điện 60 MW/ngày. Sản lượng điện phát dự kiến là 365 triệu KWh/năm, đáp ứng được nhu cầu sử dụng điện của khoảng 100.000 hộ dân, đồng thời giúp giảm phát thải khoảng 257.000 tấn CO2/năm. Giai đoạn 2, công suất 6.000 tấn/ngày, công suất phát điện 130 MW/ngày. Giai đoạn 3, công suất 8.600 tấn/ngày, công suất phát điện 200 MW/ngày.

Phó Chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường cho rằng đây là tín hiệu tích cực trong việc khuyến khích kêu gọi đầu tư các dự án xử lý chất thải rắn. Theo ông, dự kiến năm 2040, lượng rác sinh hoạt trên địa bàn thành phố khoảng 21.000 tấn/ngày. Ông Bùi Xuân Cường giao nhiệm vụ cho các sở, ngành phối hợp với nhà đầu tư để đưa nhà máy vào vận hành trong 18 tháng. Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện các thủ tục để có thể khởi công nhà máy đốt rác phát điện của Công ty CP Vietstar với công suất 2.000 tấn/ngày. Ngoài ra, thành phố cũng có một số dự án chuyển đổi công nghệ đang ở bước thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, điều chỉnh chủ trương đầu tư.

Đồng thời, thành phố kêu gọi nhà đầu tư thực hiện dự án xử lý CTRSH mới theo phương thức đối tác công tư (PPP) - dự án REE, đang được thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để trình UBND TP HCM xem xét, trình HĐND thành phố ra quyết định chủ trương đầu tư dự án. Sau khi có quyết định chủ trương đầu tư dự án, công bố dự án và báo cáo nghiên cứu khả thi được duyệt, thành phố sẽ tổ chức đấu thầu rộng rãi lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo đúng quy định pháp luật hiện hành.

Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM cho rằng bên cạnh những kết quả đạt được, tiến độ thực hiện mục tiêu chuyển đổi công nghệ xử lý CTRSH vẫn còn nhiều hạn chế. Hiện nay, tỉ lệ CTRSH được xử lý bằng công nghệ đốt phát điện chỉ đạt khoảng 38%, thấp hơn đáng kể so với mục tiêu 80% vào năm 2025. Một số dự án còn gặp nhiều vướng mắc về thủ tục pháp lý, đặc biệt là việc bổ sung vào Quy hoạch điện VIII. Dự án của VWS vẫn chưa triển khai do vướng mắc trong quá trình đàm phán hợp đồng. Đối với các dự án đầu tư theo hình thức PPP, tiến độ còn chậm do thiếu hướng dẫn chi tiết về cơ chế đấu thầu loại hợp đồng BLT (xây dựng - thuê dịch vụ - chuyển giao).

Kỳ vọng dự án 3.000 tấn rác/ngày

Trong số các dự án nêu trên, người dân thành phố kỳ vọng sớm có sự thay đổi ở khu Nam thành phố với khối lượng rác "khổng lồ" đang được chôn lấp hợp vệ sinh.

Theo đại diện VWS, đến nay, VWS đang đầu tư dự án chuyển đổi công nghệ đốt rác phát điện đặt tại Khu Liên hợp Xử lý chất thải Đa Phước. Công suất của nhà máy đốt rác phát điện dự kiến khoảng 3.000 tấn rác/ngày, đây là số lượng rác còn lại sau khi đã phân loại để tái chế, làm phân hữu cơ. Tổng số vốn đầu tư thực hiện dự án dự kiến 420-750 triệu USD. Bên cạnh đó, VWS cũng đang triển khai dự án ủ rác, thu khí gas phát điện.

Riêng dự án chuyển đổi công nghệ đốt rác phát điện, đây là công nghệ hiện đại sẽ phục vụ tốt cho vấn đề xử lý rác, đi đến thực hiện tốt nhất quá trình phân loại rác cho TP HCM.

Cũng theo đại diện VWS, hồ sơ đề nghị đã được gửi đến UBND TP HCM và đang trong quá trình chờ xét duyệt. Nếu dự án được chấp thuận về giá thành hoàn tất, quá trình ký kết phụ lục hợp đồng sẽ diễn ra để dự án sớm được đưa vào hoạt động.

QUỐC ANH - ÁI MY

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/tp-hcm-cap-bach-chuyen-doi-cong-nghe-xu-ly-rac-196250121223056682.htm