TP HCM đẩy mạnh kết nối chuỗi cung ứng

Nhiều chương trình hỗ trợ đang được TP HCM triển khai để phát huy thế mạnh cho sản xuất công nghiệp - một trong những trụ cột phát triển của thành phố mới

Ngày 4-7, không gian hội nghị kết nối nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ (CNHT) năm 2025 tại TP HCM đã ghi nhận sự tham gia đông đảo, chủ động của các doanh nghiệp (DN) sản xuất trong nước. Khoảng 300 cuộc kết nối trực tiếp 1-1 giữa DN Việt Nam và các tập đoàn nước ngoài (FDI), DN công nghiệp lớn đã được lên lịch từ trước, thể hiện rõ kỳ vọng hợp tác của cả hai phía.

Tự tin gia nhập chuỗi cung ứng

Theo quan sát, ngay từ sáng sớm, nhiều DN CNHT trong nước có mặt tại khu vực kết nối của hội nghị Tìm kiếm nhà cung cấp CNHT. Các DN chuẩn bị kỹ lưỡng hồ sơ DN, danh mục sản phẩm… để giới thiệu với các nhà mua hàng tiềm năng. Trong số này có nhiều DN như CNS Amura, Việt San, Bách Tòng... đã có kinh nghiệm làm hàng cho các tập đoàn sản xuất lớn nên họ rất tự tin khi tiếp xúc và tìm kiếm cơ hội mới.

Doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm, công nghệ mới tại Hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ năm 2025

Doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm, công nghệ mới tại Hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ năm 2025

Ông Phạm Anh Tuyên, Phó Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí Thịnh Phát (chuyên sản xuất linh kiện cơ khí), cho biết DN đã nỗ lực đầu tư máy móc thiết bị để tăng năng suất, giảm giá thành nhằm đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của khách hàng nước ngoài. Bên cạnh đó, DN đã đẩy mạnh tìm kiếm khách hàng mới từ các hội chợ triển lãm quốc tế, các chương trình xúc tiến của TP HCM… "Phải gặp gỡ, trao đổi trực tiếp mới hiểu được nhu cầu thị trường và khách hàng. Năm 2024, chúng tôi phát triển thêm 3 khách hàng Nhật, họ đòi hỏi cao về chất lượng, yêu cầu cải tiến liên tục nhưng một khi đã ký kết hợp đồng thì sẽ gắn bó lâu dài" - ông Tuyên nói.

Công ty CNS Amura, DN cơ khí chính xác đã tham gia chuỗi cung ứng của Samsung và nhiều nhà sản xuất lớn khác, bày tỏ mong muốn tiếp tục mở rộng kết nối và sẵn sàng tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ông Nguyễn Vĩnh Lộc, Giám đốc Công ty CP Công nghệ Daviteq, hoạt động trong lĩnh vực bán dẫn, có nhu cầu tìm kiếm các nhà cung cấp linh kiện điện tử, cơ khí, ép nhựa, bo mạch..., cho biết đây là lần thứ hai công ty tham gia hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp với mục tiêu tìm kiếm đối tác phù hợp để gia tăng tỉ lệ nội địa hóa. "Ngành CNHT Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ nhưng vẫn thiếu nền tảng kết nối đủ sâu giữa nhà cung cấp và bên mua. Chúng tôi cần những cơ chế hỗ trợ để nhà cung cấp CNHT Việt có thể tiếp cận đúng đối tác và ngược lại" - ông Vĩnh Lộc bày tỏ.

Mở rộng không gian hỗ trợ

Bà Lê Nguyễn Duy Oanh, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển CNHT (thuộc Sở Công Thương TP HCM), cho hay Sở Công Thương TP HCM xác định công nghiệp là một trong những trụ cột trong chiến lược phát triển mới của TP HCM sau khi sáp nhập Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Theo bà Oanh, ngay trong Hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp CNHT lần này, ban tổ chức đã mở rộng quy mô kết nối sang cả các DN tại Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, nơi có nhiều nhà máy của DN FDI và DN công nghiệp lớn đang hoạt động. Đây là một trong những hoạt động trọng tâm, hướng đến mục tiêu kết nối DN nội địa với chuỗi sản xuất toàn cầu, đặc biệt trong các ngành có giá trị gia tăng cao như công nghiệp bán dẫn, cơ khí chế tạo, hàng không, y tế và điện tử.

Bà Oanh cho hay ngày càng nhiều nhà sản xuất đầu cuối nước ngoài chuyển dịch đầu tư sang Việt Nam hoặc mở rộng đầu tư tại Việt Nam, có nhu cầu gia tăng tỉ lệ nội địa hóa. Nếu trước đây, các nhà sản xuất này chỉ tập trung vào năng lực cung ứng, chất lượng sản phẩm, giá thành sản xuất… thì hiện nay, vấn đề trách nhiệm xã hội cũng là một tiêu chí quan trọng mà DN CNHT cần đáp ứng. "Điển hình như Công ty ITO, một DN Nhật chuyên sản xuất thiết bị cho ngành điện tử, yêu cầu rất cao về trách nhiệm xã hội của nhà cung cấp, không chỉ về chất lượng, giá cả mà còn cả chế độ đãi ngộ người lao động. DN này có chiến lược mở rộng mạng lưới đối tác chiến lược và chuỗi cung ứng tại Việt Nam, nâng cao hơn nữa tỉ lệ nội địa hóa trong sản xuất so với mức 80% hiện nay" - bà Duy Oanh dẫn chứng.

Đại diện Sở Công Thương cho biết thêm TP HCM sẽ đẩy mạnh kết nối các DN CNHT tham gia cung ứng ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao: cơ khí chế tạo máy móc thiết bị, công nghiệp vi mạch bán dẫn, công nghiệp y tế, công nghiệp giao thông... Để thúc đẩy CNHT TP HCM phát triển mạnh mẽ, đúng tiềm năng, ngành công thương TP HCM còn phối hợp với Samsung triển khai dự án hỗ trợ DN CNHT Việt Nam chuyển đổi sang mô hình nhà máy thông minh. Chương trình này đã từng được Samsung triển khai tại Hàn Quốc và Thái Lan, giúp DN nhỏ cải tiến dây chuyền sản xuất, tiết giảm chi phí và nâng cao năng suất.

Không dừng lại ở đó, ngành công thương TP HCM cũng đang chuẩn bị tổ chức khóa tập huấn cho DN Việt về lộ trình gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu, từ tiêu chuẩn kỹ thuật, quản trị sản xuất đến các yêu cầu xã hội và môi trường... Trong bối cảnh tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu và dịch chuyển đầu tư, các hoạt động này sẽ là bệ đỡ để CNHT Việt Nam tiếp cận dòng vốn và đơn hàng quốc tế.

Nhiều DN ký được đơn hàng

Hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp CNHT là sự kiện thường niên do UBND TP HCM chủ trương, Sở Công Thương phối hợp Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp (HEPZA) và Ban Quản lý Khu Công nghệ cao (SHTP) tổ chức.

Bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho hay các hoạt động kết nối nhà cung cấp trong khuôn khổ hội nghị này đã được tổ chức liên tục từ nhiều năm, thu hút hơn 136 lượt DN FDI và hơn 2.100 cuộc kết nối với 470 DN sản xuất trong nước. Trong đó, nhiều DN nhỏ và vừa đã ký kết được đơn hàng, từng bước gia nhập chuỗi sản xuất lớn.

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/tp-hcm-day-manh-ket-noi-chuoi-cung-ung-196250704213319438.htm