TP.HCM đề nghị đưa Vovinam - Việt Võ đạo vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Lý lịch di sản văn hóa phi vật thể đề nghị đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia xác định Vovinam - Việt Võ đạo thuộc nghệ thuật trình diễn dân gian, tri thức dân gian…
UBND TP.HCM vừa có văn bản ngày 9.10 gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết đã chỉ đạo Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp Liên đoàn Vovinam TP.HCM thực hiện công tác kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể và hoàn thiện việc lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể “Việt Võ đạo”.
Căn cứ quy định của Luật Di sản văn hóa và các văn bản có liên quan, UBND TP.HCM đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét đưa di sản văn hóa phi vật thể Việt Võ đạo vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Theo tài liệu của Sở Văn hóa và Thể thao về lý lịch di sản văn hóa phi vật thể đề nghị đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đính kèm văn bản của UBND TP.HCM:
Tên gọi của di sản văn hóa phi vật thể là: Việt Võ đạo (tên gọi khác: Vovinam), thuộc nghệ thuật trình diễn dân gian, tri thức dân gian. Việt Võ đạo - Vovinam được thực hành ở nhiều địa điểm, tập trung ở TP.HCM.
Đây là môn võ truyền thống của dân tộc Việt Nam do cố võ sư, sáng tổ (danh từ đặc biệt của môn phái để chỉ tổ sư sáng lập) là Nguyễn Lộc, sáng tạo vào năm 1938 tại Hà Nội.
Vovinam là tên gọi Tây ngữ hóa từ Võ Việt Nam, gồm 2 phần: Võ thuật Việt Nam (Việt Võ thuật) và Võ đạo Việt Nam (Việt Võ đạo), để phân biệt các võ phái khác ở Việt Nam và để cho người ngoại quốc dễ đọc dễ nhớ, sử dụng lâu dần cả phạm vi trong nước và quốc tế. Vovinam trở thành quen thuộc và thành tên gọi phổ biến của môn võ này. Có thể gọi Vovinam hay Việt Võ đạo đều được nhưng đầy đủ hơn là Vovinam - Việt Võ đạo.
Thập niên 1930, dưới thời thực dân Pháp đô hộ, tầng lớp thanh niên lúc bấy giờ không có nhiều lựa chọn, trong đó có việc bị lôi cuốn vào phong trào “tự do, buông thả” (phóng đãng) phương Tây. Là một thanh niên đương thời - lớn lên tại Hà Nội, ông Nguyễn Lộc đã chọn con đường Cách mạng Tâm Thân - một phương cách rèn luyện và tu dưỡng để có thân thể khỏe mạnh, tâm hồn cao thượng, lối sống thanh cao, sáng đẹp.
Sinh ngày mồng 8 tháng 4 năm Nhâm Tý (24.5.1912) tại làng Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây (nay thuộc thủ đô Hà Nội), ông Nguyễn Lộc là trưởng nam trong gia đình có 5 anh em. Với thiên năng và ước vọng lớn lao, ông đã hoàn thành việc nghiên cứu để sáng lập ra Vovinam vào năm 1938.
Một năm sau, vào mùa thu 1939, ông đưa lớp môn sinh đầu tiên biểu diễn ra mắt công chúng tại Nhà hát lớn Hà Nội với ý định cung cấp cho võ sinh các kỹ thuật tự vệ hiệu quả sau khi học một thời gian ngắn, với hy vọng rằng bằng cách dạy cho dân chúng kỹ năng chiến đấu, người Việt Nam sẽ đánh đổ thực dân Pháp, giải phóng dân tộc mà không cần sự trợ giúp từ bên ngoài.
Ông Nguyễn Lộc đồng thời đề ra chủ thuyết "Cách mạng Tâm Thân" để thúc đẩy môn sinh luôn canh tân bản thân, và hướng thiện về thể chất lẫn tinh thần. Từ nhỏ, ông đã có kiến thức căn bản của võ cổ truyền Việt Nam rồi tổng hợp từ kiến thức về võ thuật cổ truyền Việt Nam của chính mình với các tinh hoa võ thuật của một số nền văn hóa. Vì thế, Vovinam được ông sáng tạo ra nhằm đối phó riêng lẻ với sự chiếm đóng của quân Pháp, mục đích quảng bá tinh thần dân tộc cho người Việt Nam.
Mùa xuân năm 1940, sau những năm tháng tìm tòi, sáng tạo và truyền thụ trong gia đình, anh em bạn hữu và cộng đồng môn sinh ở phạm vi hẹp, lớp Vovinam công khai đầu tiên được khai giảng tại Trường Sư phạm. Những năm sau, tuy có lúc bị chính quyền bảo hộ cấm cản hoặc phân tán do thời cuộc, nhưng Vovinam vẫn được quảng bá rộng rãi, tạo tiếng vang ở Hà Nội và một số tỉnh lân cận,…
Giữa năm 1954, Võ sư Nguyễn Lộc và một số môn đệ vào Sài Gòn. Sau khi biểu diễn giới thiệu Vovinam tại rạp Norodomme vào đầu năm 1955, Võ sư Nguyễn Lộc mở lớp tại số 58 đường Thủ Khoa Huân và cử môn đệ huấn luyện ở một số nơi khác.
Trong lúc công việc quảng bá Vovinam ở vùng đất mới chỉ mới bắt đầu và còn nhiều khó khăn, Võ sư Nguyễn Lộc qua đời vào ngày mồng 4 tháng 4 năm Canh Tý (29.4.1960) và được an táng tại nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi (Sài Gòn). Võ sư đã để lại cho dân tộc một sự nghiệp võ học quý giá.
Bên cạnh đó, Sáng tổ Nguyễn Lộc còn lưu lại trong gia đình, bè bạn và các môn đệ một tấm gương về nhân cách và đạo đức cao đẹp. Trước lúc từ giã cõi trần, Sáng tổ Nguyễn Lộc đã trao nhiệm vụ lãnh đạo môn phái cho Võ sư trưởng Lê Sáng. Hiện di cốt Sáng tổ được bảo quản tại Tổ đường (số 31, đường Sư Vạn Hạnh, Quận 10, TP.HCM).
Tháng 11.1960, nhân Võ sư Phạm Lợi (môn Judo) tham gia đảo chính, chế độ Sài Gòn đã hạn chế các võ phái hoạt động. Tuy nhiên, Vovinam vẫn khéo léo tìm cách mở lớp tại một số trường tư thục như Hồ Vũ, Thăng Long, Saint Thomas,... do Võ sư Trần Huy Phong và Nguyễn Văn Thư hướng dẫn.
Sau cuộc lật đổ Ngô Đình Diệm vào ngày 1.11.1963, các võ phái ở Sài Gòn được phép hoạt động trở lại, Võ sư trưởng Lê Sáng tập hợp các Võ sư Trần Huy Phong, Nguyễn Văn Thư, Nguyễn Văn Thông, Mạnh Hoàng, Phan Quỳnh,... để hình thành ban chấp hành môn phái, xây dựng quy lệ môn phái và lên kế hoạch khôi phục, phát triển Vovinam từ khoảng đầu năm 1964.
Võ đường đầu tiên thời kỳ khôi phục và phát triển đặt tại số 61 đường Vĩnh Viễn (Quận 10, Sài Gòn). Dựa trên tư tưởng, kỹ thuật của sáng tổ truyền lại, Chưởng môn Lê Sáng và ban chấp hành môn phái đã xác lập chương trình giảng huấn võ đạo, huấn luyện võ lực và võ thuật theo từng cấp (sơ đẳng, trung đẳng, cao đẳng, thượng đẳng).
Chiếc áo thun ba lỗ và quần đùi được thay thế bằng bộ võ phục màu xanh da trời. Hệ thống kỹ thuật cũng dần dần được bổ sung thêm một số đòn thế mới, trong đó có thái dụng (thu thập, dùng trí não quan sát rồi vận dụng sáng tạo) tinh hoa của một số võ phái khác.
Với hoạt động năng nổ, sáng tạo của ban chấp hành môn phái, Vovinam đã thu hút được sự chú ý của nhiều giới và các võ đường khác dần dần xuất hiện như: Võ đường Trần Hưng Đạo, Mạc Đĩnh Chi, Cao Thắng, Hoa Lư...
Năm 1966, Vovinam Việt Võ đạo được Bộ Giáo dục ở Sài Gòn mời cộng tác thực hiện chương trình “Học đường mới” với 4 thí điểm: Trung học Pétrus-Ký, Gia Long, Chu Văn An, Trưng Vương. Và cũng từ năm này, danh xưng Vovinam được bổ sung thành Vovinam Việt Võ đạo để thanh thiếu niên chú trọng đến tinh thần dân tộc khi luyện võ, từ đó rèn luyện bản thân cả 3 phương diện: Tâm, Trí, Thể.
Một số trường trung học công lập và tư thục lớn tại Sài Gòn lúc đó đều có lớp tập Vovinam Việt Võ đạo ngoại khóa. Nhiều huấn luyện viên của các môn phái võ nước ngoài và võ cổ truyền cũng tham gia vào Vovinam. Họ đã mang nhiều kỹ thuật của các môn võ khác bổ sung vào Vovinam. Tiêu biểu: Võ sư Nguyễn Hữu Nhạc của võ đường Sa Long Cương đã mang bài Long Hổ Quyền vào Vovinam.
Từ năm 1967 - 1968, nhiều võ sư, huấn luyện viên được đưa đi xây dựng phong trào võ cổ truyền Việt Nam ở hầu hết các tỉnh, thành miền Nam. Ngoài thanh thiếu niên, sinh viên, học sinh, Vovinam Việt Võ đạo còn mở lớp cho công chức, quân nhân, tu sĩ,… Khoảng cuối năm 1968, võ đường 61 Vĩnh Viễn dời đến số 30 Trần Hoàng Quân (nay là 31 Sư Vạn Hạnh, Quận 10, TP.HCM) và là trung tâm điều hành tất cả hoạt động của môn phái.
Nhiều sách, đặc san do Ban nghiên cứu Việt Võ đạo biên soạn và những bài hát do môn sinh, thân hữu sáng tác đã được xuất bản trong giai đoạn này. Hằng năm, vào dịp Lễ tưởng niệm sáng tổ, đại diện các tỉnh đã tập trung về Sài Gòn dự lễ, tập huấn, thi cử, cắm trại, tạo thành truyền thống tốt đẹp uống nước nhớ nguồn, tri ân người sáng lập Việt Võ đạo.
Có thể khẳng định, giai đoạn 1964 - 1975 là thời kỳ phát triển nhảy vọt của môn phái, xác định được vị thế trong làng võ cổ truyền miền nam Việt Nam. Và theo chân các du học sinh, người lao động xuất khẩu…, Vovinam Việt Võ đạo xuất hiện ở Pháp, Ý, Đức, Thụy Sĩ,... vào đầu thập niên 1970. Người có công dựng cột mốc đầu tiên để phát triển Vovinam Việt Võ đạo ra quốc tế (1973) là Giáo sư - Tiến sĩ Phan Hoàng.
Gần một năm sau ngày thống nhất đất nước, Võ sư Nguyễn Văn Chiếu đã tập hợp một số võ sư, huấn luyện viên về Quận 8 (TP.HCM) ôn luyện. Sau đó, Võ sư Trần Huy Phong cũng tham gia tập luyện và truyền dạy.
Ngày 15.12.1978, được sự chấp thuận của Sở Thể dục Thể thao TP.HCM và UBND Quận 8, lớp Vovinam Việt Võ đạo chính thức khai giảng tại tụ điểm hồ bơi Hòa Bình (Quận 8) với đông đảo học viên cả nam và nữ ở nhiều lứa tuổi. Trong khoảng thời điểm này hoặc sau đó, một số quận ở TP.HCM và tỉnh, thành ở phía nam cũng bắt đầu vượt qua nhiều khó khăn để tái lập phong trào. Các câu lạc bộ, chi hội Việt Võ đạo từng bước phát triển và lan rộng trong quảng đại quần chúng, cơ quan, trường học, quân đội, công an…
Đầu thập niên 1990, môn phái cũng bổ sung lần thứ hai vào chương trình huấn luyện một số bài quyền tay không và binh khí, giúp cho hệ thống bài bản, kỹ thuật đa dạng và phù hợp với nhiều đối tượng. Hiện nay, hệ thống kỹ thuật Vovinam Việt Võ Đạo bao gồm: khóa gỡ, đòn căn bản, vật, đơn luyện (bao gồm một số bài nổi tiếng của võ cổ truyền để nghiên cứu và bảo tồn), song luyện, đa luyện (tay không và vũ khí), nhu khí công quyền.
Trước xu thế phát triển của thời đại, từ tháng 11.2017, võ nhạc Vovinam Việt Võ đạo đã ra đời tại TP.HCM và đang được phổ biến trong học đường (chính khóa, ngoại khóa) tại 40 tỉnh, thành cũng như lan tỏa đến một số nước.
Song song đó, Vovinam Việt Võ đạo vẫn tiếp tục giảng huấn lý thuyết võ đạo theo tư tưởng: “Sống, để người khác sống và sống cho người khác”.
Tháng 10.2007, Đại hội thành lập Liên đoàn Vovinam Việt Nam (VVF) tổ chức tại TP.HCM. Tiến sĩ Lê Quốc Ân đảm nhận chức vụ Chủ tịch VVF nhiệm kỳ I và II (2007 - 2017), Tiến sĩ Mai Hữu Tín nhận nhiệm vụ Chủ tịch VVF nhiệm kỳ III (từ 2017 đến nay).
Năm 2010, trước khi qua đời, Chưởng môn Lê Sáng đã thành lập 2 tổ chức: Hội đồng Võ sư Chưởng quản và Hội đồng Võ sư Tương trợ hải ngoại. Trong đó, Hội đồng Võ sư Chưởng quản là tổ chức cao nhất của môn phái, chịu trách nhiệm điều hành môn phái. Hội đồng Võ sư Chưởng quản do Võ sư Nguyễn Văn Chiếu làm Chánh chưởng quản.
Từ những lớp võ nhỏ mang tính phong trào, hiện Vovinam Việt Võ đạo đã phát triển ở khắp các quận huyện trên địa bàn TP.HCM. Hầu khắp các tỉnh thành trên toàn quốc và 70 quốc gia trên thế giới. Một số tổ chức Vovinam châu lục hoặc khu vực (thuộc Liên đoàn Vovinam thế giới) được hình thành như: Liên đoàn Vovinam châu Á, châu Âu, châu Phi, Đông Nam Á, Nam Á và khối Ả rập…
Do hoàn cảnh lịch sử, Vovinam Việt Võ đạo còn có vài tổ chức khác. Năm 1996, Võ sư Trần Huy Phong và một số võ sư ở nước ngoài đã thành lập Hội đồng võ sư lãnh đạo môn phái và Tổng Liên đoàn Vovinam Việt Võ đạo thế giới. Bên cạnh đó còn có một số tổ chức hoặc câu lạc bộ sinh hoạt riêng lẻ. Dù vậy, tất cả đều hướng đến mục tiêu chung là giúp mọi người có thêm phương cách rèn luyện sức khỏe và tinh thần.
Vovinam Việt Võ đạo thu hút đam mê của nhiều lứa tuổi, từ học sinh tiểu học cho đến bậc cao tuổi; từ những người lao động chân tay đến các trí thức, từ đông đảo công dân đến những chiến sĩ công an và quân đội; đầy đủ giới tính, với nhiều dân tộc khác nhau trong cộng đồng…
Những người thực hành di sản học võ đạo và luyện tập võ thuật ở nhiều không gian đa dạng: từ các khuôn viên công cộng (công viên, vườn hoa) đến các sân trường học, cơ quan; từ các câu lạc bộ đến các trung tâm văn hóa thể thao…
Bên cạnh những người thực hành di sản thông thường, còn hình thành các thế hệ vận động viên chuyên nghiệp, tham gia hệ thống các giải thi đấu quốc gia và quốc tế. Vovinam Việt Võ Đạo được đưa vào các giải thi võ thuật trên thế giới, góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam đến bạn bè quốc tế. Môn võ này được đưa vào nội dung thi đấu SEA Games 32 tại Campuchia (5.2023), thi đấu tại Đại hội thể thao học sinh Đông Nam Á (6.2023), tổ chức Giải vô địch thế giới lần 6 tại TP.HCM (11.2023).
Mạng lưới Vovinam trong nước và quốc tế ngày càng nhân rộng, với điểm xuất phát từ TP.HCM.
Nhấn mạnh giá trị bản sắc Việt Nam cũng như chú trọng việc trao truyền di sản, Vovinam Việt Võ đạo ngày càng được cộng đồng quan tâm, thực hành. Hiện nay Việt Võ đạo có mặt tại 44 tỉnh thành trên khắp cả nước. Trong tương lai sẽ hướng đến phủ kín ở 63 tỉnh thành, đặc biệt là các tỉnh miền núi phía Bắc.
Ở phạm vi quốc tế: Việt Võ Đạo phát triển với quy mô rộng lớn với nhiều môn sinh có mặt ở gần 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với hơn 2 triệu võ sinh. Trong đó có Ba Lan, Bỉ, Campuchia, Đan Mạch, Đức, Hoa Kỳ, Maroc, Na Uy, Nga, Pháp, România, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Singapore, Uzbekistan, Thái Lan, Ý, Úc, Ấn Độ, Iran, Tây Ban Nha, Algérie, Đài Loan,…
“85 năm trải qua nhiều bước thăng trầm (1938 - 2023), Vovinam Việt Võ đạo đã có những đóng góp nhất định vào nền võ thuật Việt Nam và thế giới. Với hệ thống kỹ thuật mang tính dân tộc, khoa học, thực dụng, sáng tạo cùng với triết lý nhân sinh thượng võ và tấm lòng xả kỷ, Vovinam Việt Võ đạo đã góp phần giới thiệu đất nước và con người Việt Nam với cộng đồng quốc tế”, tài liệu của Sở Văn hóa Thể thao nhận định.