TP.HCM: Dự án trọng điểm ì ạch vì đường chờ điện

Cột điện cùng đường dây giăng mắc trong phạm vi lòng đường nhưng không thể di dời nhanh khiến việc triển khai các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn TP.HCM chậm tiến độ.

Nhiều hệ lụy

Gần một năm qua, dự án đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa (phường 13, quận Tân Bình) vẫn ngổn ngang do nhà thầu chờ di dời cột điện.

Trụ điện trung thế án ngữ trên đường giao thông hai bên kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên.

Trụ điện trung thế án ngữ trên đường giao thông hai bên kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên.

Ghi nhận của PV Báo Giao thông, trên đoạn đường khoảng 800m thuộc gói thầu số 13, nhà thầu đã cào bóc toàn bộ phần mặt đường cũ. Do vậy, mặt đường đất sình lầy sau mỗi cơn mưa lớn. Thế nhưng, tốc độ thi công đang rất ì ạch vì vướng khoảng 20 trụ điện.

"Chúng tôi không có mặt bằng thi công nên đành cắt bớt nhân công vào các hạng mục phụ như làm vỉa hè. Mỗi ngày trôi qua, nhà thầu thiệt hại nặng nề bởi có hạng mục thi công kéo dài gấp 3 lần thời gian dự kiến", một chỉ huy công trường chia sẻ.

Bên cạnh việc ảnh hưởng đến khu dân cư dọc tuyến đường, tình trạng cột điện chậm di dời còn khiến toàn bộ dự án rơi vào tình thế phải thông xe tạm. Cụ thể, gói thầu số 9 thi công hầm chui Phan Thúc Duyện là điểm đầu tuyến đã thông xe từ tháng 8, mặc dù phức tạp hơn rất nhiều so với gói thầu số 13.

Đại diện Ban QLDA Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông) cho biết, ngay cả gói thầu số 10 của dự án là đoạn nằm trong khu vực quân sự và dẫn vào nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất cũng đã hoàn thành. Trong khi đó, gói thầu số 13 vẫn đang đợi tháo gỡ vướng mắc về hạ tầng điện.

Cách dự án đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa khoảng 4km, hai dự án nâng cấp mở rộng đường Tân Kỳ Tân Quý và cầu Tân Kỳ Tân Quý cũng trong tình cảnh "đường chờ điện".

Hiện tại, hàng trăm trụ điện trung thế và hạ thế vẫn án ngữ suốt một năm qua dù nhà dân hai bên đã giải tỏa, bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư.

Nhà thầu gặp khó vì trụ điện án ngữ

Dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên do Ban QLDA đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM làm chủ đầu tư cũng gặp tình trạng chậm tiến độ do đường hai bên kênh vướng trụ điện. Đây là tuyến kênh dài nhất TP.HCM, đi qua 7 quận, huyện.

Cột điện trên đường nối Trần Quốc Hoàn – Cộng Hòa đợi di dời.

Cột điện trên đường nối Trần Quốc Hoàn – Cộng Hòa đợi di dời.

Đại diện chủ đầu tư cho biết, dự án có tổng chiều dài đường giao thông gần 65km. Thế nhưng nhiều vị trí trên tuyến đường, trụ điện cao thế nằm "chình ình" ngay tim đường. Nhà thầu buộc phải chừa lại các vị trí này khiến cả tuyến rơi vào tình trạng "xôi đỗ".

Tìm hiểu của PV, Tổng công ty Điện lực TP.HCM đang thực hiện lộ trình ngầm hóa hệ thống điện với chỉ tiêu 500km trung thế và 800km hạ thế trong giai đoạn 2021 - 2025 theo kế hoạch. Từ đó, các dự án hạ tầng giao thông ít nhiều phụ thuộc và cần đối chiếu với lộ trình ngầm hóa.

Nếu tuyến đường không thuộc danh sách ngầm hóa hệ thống điện, chủ đầu tư cần có văn bản xin ý kiến Sở GTVT, Sở Công thương, Điện lực TP.HCM. Từ đó, các cơ quan quản lý chuyên ngành đưa ra giải pháp tối ưu nhất. Sau khi xác lập giải pháp, Điện lực TP.HCM đề nghị công ty điện lực thành viên phụ trách địa bàn, phụ trách tuyến lưới điện phối hợp với chủ đầu tư và nhà thầu thi công tiến hành di dời, tái lập hệ thống điện.

Trong quá trình này, không ít các hạng mục hạ tầng của ngành điện hư hỏng, tiêu hao và cần được tính toán chi phí tạm ứng, chi phí bồi thường. Các khoản mục này cũng cần phải được thẩm định và thanh quyết toán theo đúng trình tự.

Giám đốc một công ty điện lực thành viên cho biết: "Việc di dời các trụ điện để có mặt bằng thi công đường là dễ hiểu. Nhưng di dời vào vị trí nào lại là chuyện khác. Quan trọng hơn nữa là thời điểm di dời, tái lập hệ thống điện phải nhịp nhàng để không ảnh hưởng đến đời sống, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp".

Làm sao giảm độ "vênh"?

Đại diện Tổng công ty Điện lực TP.HCM cho rằng, công tác di dời và tái lập hệ thống điện luôn được chú trọng trong bối cảnh hạ tầng giao thông đang được mở rộng, phát triển. Để nâng cao hiệu quả và rút ngắn thời gian di dời, yếu tố mặt bằng kỹ thuật là tiên quyết.

Vừa qua, tại dự án đường giao thông hai bên kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên gặp tình trạng đan xen các hệ thống điện, Điện lực TP.HCM đã lập tức đề nghị các đơn vị thành viên phối hợp với chủ đầu tư để lên phương án di dời.

Đối với hệ thống điện tại dự án cầu và đường Tân Kỳ Tân Quý, dự án đường nối Trần Quốc Hoàn – Cộng Hòa, Điện lực TP.HCM đã có ý kiến phản hồi đến Ban Giao thông để đẩy nhanh tiến độ dự án. Dự kiến, toàn bộ trụ điện sẽ được thu hồi trong tháng 10.

Lý giải việc vênh nhau giữa dự án giao thông với quá trình di dời hệ thống điện, một kỹ sư có kinh nghiệm 15 năm giám sát các công trình tại TP.HCM cho rằng, hầu hết các dự án luôn thi công khi chưa giải phóng mặt bằng trọn vẹn.

Điều này dẫn đến tình trạng các chủ đầu tư, nhà thầu thi công và ngành điện chỉ thực sự đẩy mạnh công tác di dời hệ thống điện vào giai đoạn cuối của dự án. "Nếu chủ đầu tư dự án giao thông nhận mặt bằng sạch 100% từ ban đầu, ngành điện sẽ có cơ sở di dời hệ thống điện ngay từ giai đoạn đầu dự án", vị này cho biết.

Theo ông Ngô Sơn Hải, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), EVN và các đơn vị thành viên luôn phối hợp tối đa để hỗ trợ địa phương trong công tác di dời hệ thống điện, hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ dự án giao thông. Trong đó, trực tiếp các đơn vị của EVN sẽ làm việc, trao đổi với các đơn vị quản lý dự án để chủ động nắm bắt khó khăn, thống nhất phương án.

Quân Chính

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/tphcm-du-an-trong-diem-i-ach-vi-duong-cho-dien-192241031231042881.htm