TP.HCM: Du lịch bùng nổ dịp lễ, doanh thu ước đạt 7.138 tỷ đồng
Chỉ tính riêng 5 ngày nghỉ lễ, khách tham quan TP.HCM ước đạt khoảng 1,95 triệu lượt, tăng 101,2% so với cùng kỳ năm 2024. Doanh thu ước đạt 7.138 tỷ đồng, tăng 120,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Sở Du lịch TP.HCM, từ ngày 20/4 - 4/5/2025 (15 ngày), khách tham quan tại các khu điểm du lịch, vui chơi giải trí… ước khoảng 2,7 triệu lượt. Khách quốc tế đến TP.HCM ước khoảng 355.000 lượt. Doanh thu ước đạt 15.707 tỷ đồng.
Chỉ tính riêng 5 ngày nghỉ trong dịp lễ, khách tham quan tại các khu điểm du lịch, vui chơi giải trí ước khoảng 1,95 triệu lượt, tăng 101,2% so với cùng kỳ năm 2024. Khách quốc tế đến TP.HCM ước khoảng 120.000 lượt, tăng 122,2% so với cùng kỳ năm 2024.
Khách lưu trú tại các cơ sở lưu trú ước khoảng 867.000 lượt, tăng 333,5% so với cùng kỳ năm 2024. Công suất phòng ước đạt khoảng 95%, tăng 26,7% so với cùng kỳ năm 2024. Doanh thu ước đạt 7.138 tỷ đồng, tăng 120,6% so với cùng kỳ năm 2024.

Doanh thu du lịch của TP.HCM trong kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 tăng 120,6% so với cùng kỳ năm 2024.
Về dịch vụ lưu trú, từ giữa tháng 3, nhiều khách sạn tại các quận trung tâm như quận 1, 3, 4 và Phú Nhuận - nơi diễn ra các chương trình biểu diễn nghệ thuật, diễu hành, lễ hội ánh sáng và sự kiện ẩm thực đã ghi nhận tình trạng đặt kín phòng.
Đến kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5/2025, công suất phòng tại các khách sạn từ 1 - 5 sao ở khu vực trung tâm Thành phố đạt từ 95 - 100%, riêng khối 4 - 5 sao nhiều đơn vị đã không còn phòng trống trong các ngày cao điểm từ 27/4 đến 1/5.
Ở các khu vực lân cận trung tâm, các cơ sở lưu trú cũng ghi nhận công suất phòng đạt từ 80% trở lên. Nhờ vào mức giá hợp lý, chất lượng dịch vụ ổn định và vị trí thuận lợi kết nối đến các điểm diễn ra hoạt động lễ hội, những khách sạn này tiếp tục là lựa chọn ưu tiên của du khách. Cao điểm trong hai ngày 30/4 và 1/5, lượng khách tăng mạnh khiến nhiều khách sạn ở khu vực này cũng kín phòng hoàn toàn.
Về các điểm tham quan, nhiều doanh nghiệp lữ hành tại TP.HCM ghi nhận sức mua các chương trình du lịch nội đô, ngắn ngày tăng mạnh, khoảng 30 - 35% so với năm 2024.
Trong đó, một số chương trình du lịch văn hóa, di tích lịch sử, có chiều sâu nội dung, thuyết minh, kết hợp trải nghiệm thực tế và ẩm thực địa phương tăng từ 30 - 50%, như: “Dấu ấn Sài Gòn – Gia Định”, “50 năm trở lại”; chương trình du lịch xe buýt hai tầng, ăn tối trên tàu, tham quan Địa đạo Củ Chi… đã kín chỗ từ đầu tháng 4 năm 2025.

Du khách đa phần chọn tham gia tour nội đô, hành trình về nguồn, khám phá không gian lịch sử nhân dịp 50 năm ngày thống nhất.
Theo tổng hợp từ các doanh nghiệp lữ hành, khách đi tour nội đô chủ yếu là nhóm gia đình, bạn trẻ hoặc người lớn tuổi có nhu cầu trải nghiệm ngắn. Lượng khách chọn khởi hành du lịch trễ có xu hướng tăng, tuy nhiên xu hướng chính là ở lại TP.HCM và tham gia tour nội đô, hành trình về nguồn, khám phá không gian lịch sử nhân dịp 50 năm ngày thống nhất.
Cụ thể, BestPrice Travel ghi nhận lượng khách đặt vé máy bay đến TP.HCM trong ngày 29/4 đến 4/5 tăng gấp 3 lần. Thống kê từ Vietluxtour, tổng lượng khách đến TP.HCM tăng 50%, riêng khách đoàn và doanh nghiệp tăng 25%. Các tour như “Dấu ấn thống nhất hào hùng” và “Trở về miền đất thép” được đón nhận mạnh mẽ. Còn Vietravel và Saigontourist ghi nhận lượng khách ổn định, tuy nhiên nhu cầu du lịch trong TP.HCM cao nhờ sức hút từ các sự kiện kỷ niệm quy mô lớn.
Không khí lễ hội rộn ràng không chỉ đến từ các hoạt động tổ chức chuyên nghiệp mà còn lan tỏa nhờ sự vào cuộc đầy trách nhiệm và cảm xúc của người dân TP.HCM. Từ các tiểu thương, bác tài xế, hướng dẫn viên cho đến các hộ dân khu vực trung tâm – tất cả đều thể hiện tinh thần hiếu khách, nhiệt tình và tự hào khi đón tiếp du khách đến với TP.HCM trong dịp lễ trọng đại.
Trên khắp các tuyến đường, người dân chủ động trang trí mặt tiền nhà, treo cờ, phối hợp giữ gìn vệ sinh, an ninh trật tự, tạo nên không gian sống thân thiện, văn minh. Nhiều người dân trở thành hướng dẫn viên không chuyên, sẵn sàng giới thiệu món ăn đặc sản, kể lại những câu chuyện về Sài Gòn xưa - TP.HCM nay.