TP.HCM khởi công nhà máy đốt rác phát điện thứ hai với công suất lớn
Nhà máy đốt rác phát điện VietStar khi hoàn thành sẽ giúp TP xử lý khoảng 45-50% tổng lượng rác sinh hoạt trên địa bàn TP.
Ngày 5-3, Tại Khu liên hợp xử lý chất thải Tây Bắc, huyện Củ Chi, TP.HCM đã diễn ra lễ khởi công xây dựng nhà máy đốt rác phát điện VietStar (dự án nhà máy tích hợp xử lý chất thải rắn VietStar), đây là nhà máy thứ hai trên địa bàn TP được khởi công xây dựng.

Các đại biểu tại buổi lễ khởi công. Ảnh: NGUYỄN CHÂU
Ông Ngô Như Hùng Việt, Tổng giám đốc công ty cổ phần VietStar cho biết nhà máy đốt rác phát điện này khi hoàn thành sẽ giúp TP xử lý khoảng 45-50% tổng khối lượng rác sinh hoạt bằng công nghệ hiện đại, giảm phát thải ô nhiễm.
Đồng thời thu hồi năng lượng để phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Nhà máy sử dụng công nghệ tích hợp gồm phân loại sản xuất compost kết hợp đốt rác phát điện với công suất 2.000 tấn/ngày. Tổng mức đầu tư khoảng 3.500 tỉ đồng. Dự án dự kiến hoàn thành sau 16 tháng.

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM phát biểu tại buổi lễ khởi công. Ảnh: NGUYỄN CHÂU
Việc đưa các nhà máy điện rác vào vận hành là một phần trong chiến lược tổng thể về bảo vệ môi trường của thành phố, kết hợp với các giải pháp như chuyển đổi toàn bộ công nghệ xử lý rác thải sang đốt phát điện vào năm 2030; thúc đẩy tái chế rác hữu cơ thành phân bón và nhiên liệu sinh học; kiểm soát chặt chẽ ô nhiễm nước, không khí và chất thải công nghiệp; xây dựng hệ thống quản lý chất thải rắn thông minh, kết nối dữ liệu xử lý rác thải toàn TP.
Với vai trò là cơ quan tham mưu cho UBND TP, Sở TN&MT cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng các nhà đầu tư, doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để các dự án xử lý chất thải được triển khai nhanh chóng, đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng và hiệu quả cao nhất.
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường cho biết hiện nay mỗi ngày TP phát sinh 10.000 tấn rác thải sinh hoạt, dự kiến đến năm 2030 sẽ tăng đến 16.000 tấn/ngày và 2040 là hơn 19.000 tấn/ngày.
Con số rác sinh hoạt phát sinh ở TP.HCM càng ngày càng tăng không chỉ phản ánh quy mô phát triển kinh tế - xã hội mà còn đặt ra đòi hỏi cấp bách về chuyển đổi mô hình quản lý, từ xử lý rác truyền thống sang khai thác rác thải như một nguồn tài nguyên quý giá.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: NGUYỄN CHÂU
TP không chỉ đặt mục tiêu xử lý rác, mà phải biến rác thành tài nguyên, đóng góp vào nền kinh tế tuần hoàn, từ đó giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và tạo ra giá trị mới cho xã hội.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường đề nghị: "Công ty Cổ phần VietStar và các đơn vị có liên quan phải đảm bảo tiến độ thi công và chất lượng công trình, tuân thủ đầy đủ các quy định về đầu tư, đất đai, môi trường và xây dựng, sớm đưa nhà máy vào vận hành hiệu quả. TP sẽ không chấp nhận việc chậm tiến độ hoặc triển khai không đúng cam kết.
Chủ đầu tư phải thực hiện đầy đủ các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường. Đặc biệt là kiểm soát chặt chẽ khí thải, nước thải, tiếng ồn, đảm bảo dự án không chỉ vận hành hiệu quả mà còn an toàn, bền vững và thân thiện với môi trường...
Sở TN&MT, Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ và giám sát chặt chẽ quá trình triển khai, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp nhưng phải đảm bảo thực hiện đúng các yêu cầu về công nghệ và môi trường."
TP.HCM cũng đang nghiên cứu các cơ chế khuyến khích, thu hút đầu tư để đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi công nghệ tại các nhà máy xử lý rác hiện hữu. Đồng thời hình thành chuỗi giá trị tuần hoàn trong quản lý chất thải, từ thu gom, phân loại, xử lý đến tái sử dụng và sản xuất năng lượng tái tạo.