TP. HCM nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản sau đại dịch

Theo các chuyên gia, việc 'giải cứu' đất xen cài tạo thuận lợi rất lớn cho doanh nghiệp triển khai dự án, hạn chế lãng phí nguồn lực đã đổ vào. Điều này cũng hỗ trợ các doanh nghiệp ổn định phát triển trở lại sau thời gian dài chịu ảnh hưởng trầm trọng của đại dịch Covid–19 trong gần 2 năm qua.

Chia sẻ, thấu hiểu khó khăn cùng doanh nghiệp

Khi tình hình dịch bệnh trên địa bàn được kiểm soát và các hoạt động kinh tế - xã hội dần ổn định trở lại, TP. HCM đang nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản phục hồi, đặc biệt trong việc gỡ vướng các vấn đề pháp lý. Mới đây, quận 7 được xem là điển hình khi thời gian gần đây nhiều dự án có đất xen cài là đất kênh rạch đã được thành phố cho tiếp tục triển khai sau thời gian dài phải tạm dừng thi công vì vướng luật.

Phối cảnh dự án căn hộ Green Star Sky Garden quận 7 - Nguồn: Hưng Lộc Phát

Bài liên quan

Bất động sản công nghiệp đang dịch chuyển ra vùng phụ cận

Tạo "đà" cho các doanh nghiệp bất động sản tăng tốc hậu đại dịch

Rủi ro bong bóng bất động sản lan rộng sang nhiều nước

Bất động sản, nông nghiệp, du lịch vẫn sẽ chịu tác động của đại dịch trong dài hạn

Đơn cử, UBND TP. HCM đã cho phép Công ty cổ phần đầu tư bất động sản Hưng Lộc Phát sử dụng đất để thực hiện dự án khu nhà ở cao tầng Green Star Sky Garden. Dự án có quy mô 5,2 ha gồm 110 căn biệt thự, 903 căn hộ, 34 shophouse tại phường Phú Mỹ, quận 7, TP. HCM. Sở Xây dựng ngay sau đó cũng đã cấp phép xây dựng cho dự án này.

Một số dự án khác cũng được hỗ trợ hoàn thiện thủ tục pháp lý như dự án Đức Long Golden Land. Tọa lại tại phường Tân Thuận Tây, quận 7, dự án Đức Long Golden Land (tên khác là Sunshine Apartment hay Dragon Court) cũng được giao 6.641,1m2 đất xen cài trong tổng diện tích dự án 11.000 m2.

Trước đó, dự án được UBND TP. HCM giao đất (bao gồm cả phần đất do Nhà nước trực tiếp quản lý) để thực hiện dự án; đồng thời UBND quận 7 cũng có văn bản thông báo cho Sở Tài nguyên - Môi trường TP. HCM rằng không có nhu cầu sử dụng phần đất này nên giao chủ đầu tư thực hiện dự án là đúng nhu cầu kế hoạch sử dụng đất năm 2017 đã được UBND thành phố phê duyệt. Song, sau gần 1 năm thi công, dự án vẫn bị yêu cầu tạm dừng vì “dính” đất là đất kênh rạch, mặt nước hoang xen cài bên trong do Nhà nước trực tiếp quản lý.

Việc tháo gỡ “nút thắt” đất công cho các dự án là động thái tích cực của chính quyền nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp phát triển trở lại sau thời gian bị ảnh hưởng do dịch bệnh. Cùng với đó, điều này cũng sẽ góp phần hạn chế những thiệt hại cho doanh nghiệp giữa những khó khăn đang gặp phải.

Thúc đẩy "giải cứu" các dự án vướng đất xen cài khác

Ở một góc độ khác, ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Bộ phận Đầu tư, Công ty Savills Việt Nam cho rằng, nói đến bất động sản là nói tới 3 vấn đề chính, gồm pháp lý, năng lực tài chính và năng lực quản trị của doanh nghiệp. Thời gian qua, hầu như các nhà đầu tư ngoại không thể tham gia rót vốn vào các dự án bất động sản tại TP. HCM, vì thiếu quy hoạch chi tiết 1/500, chưa hoàn tất hành lang pháp lý…

Trong khi đó, không một doanh nghiệp phát triển dự án nào tự tin nói rằng, họ không sử dụng vốn vay. Ngược lại, tỷ lệ vốn vay thường rất lớn, kèm theo đó là chi phí lãi vay cao. Nếu dự án càng kéo dài, thì sản phẩm bất động sản sẽ không ngừng bị “đội vốn”.

Các chuyên gia đồng tình rằng, giải quyết hợp lý các dự án vướng đất xen cài sẽ tạo điều kiện để doanh nghiệp đưa dự án vào triển khai, khơi dậy lại thị trường bất động sản vốn chịu tổn thất lớn trong làn sóng dịch.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, CEO Đại Phúc Land đánh giá, việc được gỡ “nút thắt” đã tạo thuận lợi rất nhiều cho các dự án trên, giúp doanh nghiệp có cơ hội triển khai, hạn chế lãng phí nguồn lực đã đổ vào trong thời gian dài.

“Đồng thời, các trường hợp trên còn thúc đẩy cho việc tháo gỡ thủ tục của các dự án vẫn đang bị vướng mắc khác. Đất xen cài là câu chuyện đã tồn tại lâu nay, đôi khi chỉ vì phần đất rất nhỏ vướng luật mà dự án không thể triển khai. Điều này khiến hiệu quả đầu tư giảm sút và gây áp lực lên giá thành sản phẩm về mặt lâu dài”, bà Hương chỉ ra.

Theo chuyên gia bất động sản Trần Khánh Quang, việc đất xen cài được “giải cứu” đã tháo gỡ rất nhiều vấn đề cho doanh nghiệp bất động sản. Bởi, bất kì lô đất lớn nào cũng rất khó để không phải “dính” đất công, trong khi hiện nay việc định giá phần đất này vẫn chưa rõ ràng, minh bạch.

“Ước mong của doanh nghiệp bất động sản không phải giá đất rẻ hay đắt, mà là nó trị giá bao nhiêu để doanh nghiệp đền bù hoặc phương án đổi đất như thế nào để họ chủ động triển khai”, ông Quang nêu.

Theo thống kê của Hiệp hội Bất động sản TP. HCM, chỉ tính riêng trên địa bàn thành phố đã có khoảng 173 dự án nhà ở thương mại chậm tiến độ hoặc bị đình chỉ thi công do vướng các phần đất xen cài, dù tỉ lệ đất công chỉ chiếm khoảng trên dưới 10% diện tích.

Với những vướng mắc trên, UBND TP. HCM đã kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm ban hành Thông tư cụ thể hướng dẫn về tiêu chí giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất do Nhà nước trực tiếp quản lý thuộc ranh dự án. Theo UBND TP. HCM, hầu hết các dự án đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư hiện nay theo quy định của Luật Đầu tư đều có đất do Nhà nước trực tiếp quản lý nằm xen cài trong dự án.

Cũng trong buổi gặp gỡ các doanh nghiệp mới đây, ông Lê Hòa Bình, Phó chủ tịch UBND TP. HCM cho biết, thành phố sẽ triển khai chi tiết hướng dẫn Nghị định 148 và sẽ ban hành trong tháng 10 về quy trình xử lý đất xen cài.

Kỳ Hoa

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tp-hcm-no-lucthao-go-kho-khan-cho-doanh-nghiep-bat-dong-san-sau-dai-dich-post162041.html