TP HCM quyết tâm cải thiện Chỉ số PAPI

Trong 4 tháng còn lại của năm 2021, TP HCM tiếp tục công khai, minh bạch, ngăn chặn nhũng nhiễu để cải thiện điểm của 8 chỉ số thành phần trong Chỉ số PAPI

Năm 2020, Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (Chỉ số PAPI) của TP HCM chỉ đạt 41,99 điểm, xếp trong nhóm 15 tỉnh, TP đạt điểm trung bình thấp với 7 chỉ số giảm điểm so với năm 2019. Do đó, TP HCM quyết tâm cải thiện chỉ số này để phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân, doanh nghiệp cũng như thực hiện hiệu quả chủ đề năm 2021 "Thực hiện chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư".

Mục tiêu vào nhóm trung bình cao

Phó Chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan cho biết qua đánh giá kết quả Chỉ số PAPI năm 2020 cho thấy TP HCM cần đặt ra kế hoạch cụ thể để phấn đấu Chỉ số PAPI được xếp vào nhóm tỉnh, TP đạt điểm trung bình cao vào năm 2021 và các năm tiếp theo được xếp vào nhóm tỉnh, TP đạt điểm cao nhất.

Công chức TP HCM giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. (Ảnh chụp trước khi TP HCM thực hiện giãn cách xã hội)

Công chức TP HCM giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. (Ảnh chụp trước khi TP HCM thực hiện giãn cách xã hội)

Trong 4 tháng còn lại của năm 2021, TP HCM phấn đấu cải thiện điểm đối với 8 chỉ số nội dung so với năm 2020. Cụ thể, so với năm 2020, chỉ số "tham gia của người dân ở cấp cơ sở" phấn đấu đạt trên 6 điểm, tăng 1,55 điểm; chỉ số "công khai, minh bạch" đạt trên 6,5 điểm, tăng 1,12 điểm; chỉ số "trách nhiệm giải trình với người dân" đạt trên 6 điểm, tăng 1,2 điểm; chỉ số "kiểm soát tham nhũng trong khu vực công" đạt trên 6,5 điểm, tăng 0,14 điểm.

Trong khi đó, chỉ số "thủ tục hành chính công" phấn đấu đạt trên 7,5 điểm, tăng 0,16 điểm; chỉ số "cung ứng dịch vụ công" phấn đấu đạt trên 7,8 điểm, tăng 0,43 điểm; chỉ số "quản trị môi trường" đạt trên 6 điểm, tăng 2,54 điểm và chỉ số "quản trị điện tử" đạt trên 6 điểm, tăng 2,54 điểm.

Từ năm 2022-2025, mỗi năm phấn đấu điểm năm sau tăng hơn năm trước đối với 8 chỉ số nội dung trên, đồng thời duy trì nằm trong nhóm tỉnh, TP đạt điểm cao nhất.

Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công

Để thực hiện mục tiêu trên, TP HCM thông tin minh bạch về các công trình xây dựng cơ bản trên địa bàn, khoản đóng góp của người dân khi thực hiện các dự án "Nhà nước và nhân dân cùng làm;" công khai và thực hiện đúng quy định về chính sách hỗ trợ xã hội cho hộ nghèo, nhất là đối với khoản hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19.

TP HCM tiếp tục ngăn chặn kịp thời các dấu hiệu tiêu cực, xử lý theo đúng quy định đối với vi phạm về quản lý tài chính, tài sản công; công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, khung giá đất hiện hành, mức giá đền bù khi thu hồi đất.

Đối với việc kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, chính quyền các cấp phối hợp, tạo điều kiện để HĐND, Ủy ban MTTQ, tổ chức chính trị - xã hội các cấp thực hiện giám sát, phản biện xã hội. Cùng với đó là chống lãng phí, tham nhũng trong mọi lĩnh vực quản lý, đặc biệt liên quan đến đất đai, trật tự xây dựng, thủ tục hành chính, tài chính. Công khai báo cáo kết quả phòng chống tham nhũng, chống lãng phí cũng như xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, đơn vị...

Trước quyết tâm cải thiện Chỉ số PAPI của UBND TP HCM, nhiều chuyên gia, tổ chức nhìn nhận đây là việc đáng mừng. Hiện nay, cả hệ thống chính trị TP HCM đang tập trung cao độ cho công tác phòng chống dịch Covid-19 nhưng không vì thế mà TP lơ là, gián đoạn hoạt động của nền hành chính công.

Theo đánh giá của một số chuyên gia, vẫn còn tình trạng phải "bôi trơn" hay "phong bì lót tay" mới được việc như một kiểu tham nhũng vặt làm hình ảnh công chức méo mó. Chuyên gia cải cách hành chính Diệp Văn Sơn, nguyên Phó Vụ trưởng Cơ quan Thường trực phía Nam - Bộ Nội vụ, cho rằng để cải thiện Chỉ số PAPI thì phải bắt đầu từ chính quyền cơ sở bởi đây là nơi "đụng việc" với dân, doanh nghiệp nhiều nhất. Ngoài ra, rất cần một đội ngũ cán bộ, công chức vừa có tâm vừa có tầm.

Trong thực tế, công chức được đào tạo bài bản, khi thực thi công vụ do không bị những ràng buộc của một quy định chặt chẽ, dẫn đến sai phạm. Thậm chí một số công chức còn "vận dụng" trình độ để "lách luật" gây nhũng nhiễu. Vì thế, cái tâm phải đặt lên hàng đầu sau đó mới đến tầm. Có tầm mà không có tâm thì cũng nguy hiểm.

"Cần phải có những quy định chặt chẽ về hoạt động công vụ để khắc chế những biểu hiện nguy hiểm đó, hạn chế tối đa yếu tố chủ quan của con người tham gia vào quá trình vận hành. Ngoài ra, có một quy chế hoạt động công vụ đầy đủ và minh bạch sẽ tạo điều kiện cho việc giám sát, kiểm tra, xử lý của cấp lãnh đạo, người dân, công luận được dễ dàng" - ông Sơn đề xuất.

Chống tham nhũng trong y tế, giáo dục

Quyết tâm cải cách Chỉ số PAPI, TP HCM sẽ tăng cường công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực y tế, không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ, khám chữa bệnh tại các đơn vị; đơn giản thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành để phục vụ tốt người dân. Đồng thời chống tiêu cực, tham nhũng trong lĩnh vực y tế, nhất là tham nhũng vặt trong tiếp nhận, khám chữa bệnh.

Ở lĩnh vực giáo dục, các đơn vị giáo dục công lập công khai, minh bạch các khoản phí, lệ phí theo quy định; tăng cường công tác quản lý dạy thêm, học thêm. Không để xảy ra tình trạng "chạy trường, chạy lớp", công khai, minh bạch trong tuyển sinh đầu cấp; không để xảy ra tình trạng phụ huynh phải chi thêm tiền để con em được quan tâm hơn.

Bài và ảnh: PHAN ANH

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/tp-hcm-quyet-tam-cai-thien-chi-so-papi-2021090121113204.htm