Tp.HCM thu ngân sách đạt 238 nghìn tỷ đồng trong 6 tháng
Tổng thu ngân sách nhà nước của Tp.HCM thực hiện 6 tháng đầu năm ước đạt 238.000 tỷ đồng (đạt 61,7% dự toán năm và tăng 17,5% so cùng kỳ).
Tại kỳ họp HĐND Tp.HCM khóa X, nhiệm kỳ 2021 – 2026, báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2022 Phó chủ tịch UBND Tp.HCM Phan Thị Thắng cho biết, trong 6 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn ước tăng 3,82%; tổng thu ngân sách nhà nước thực hiện 6 tháng đầu năm ước đạt 238.000 tỷ đồng (đạt 61,7% dự toán năm và tăng 17,5% so cùng kỳ).
Trong 6 tháng cuối năm, TP tiếp tục thực hiện các biện pháp phục hồi kinh tế; đảm bảo thích ứng, an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; thành lập và đưa vào hoạt động Trung tâm mua sắm hàng hóa của ngành y tế TPHCM; khẩn trương ban hành và triển khai thực hiện Chương trình phát triển nhà ở TP giai đoạn 2021 - 2030; rà soát quy hoạch đô thị, tập trung quản lý xây dựng và thực hiện tốt công tác chống ngập nước và bảo vệ môi trường; ban hành và đẩy nhanh tiến độ, kế hoạch triển khai Dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.
Đồng thời, nâng cao khả năng dự báo những tác động, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của TP; khẩn trương hoàn thiện đề án Xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế Việt Nam tại TP.
Về kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Tp.HCM, bà Phan Thị Thắng cho biết, kết quả triển khai Nghị quyết 54 có hiệu quả, đạt được một số kết quả tích cực. Dù vậy, một số nội dung triển khai Nghị quyết 54 còn chậm so với dự kiến. Nguyên nhân do có ý kiến khác nhau giữa các bộ, ngành; một số vấn đề mới, phức tạp, có tác động lớn, lâu dài, khi triển khai cụ thể cần nghiên cứu kỹ trước khi xem xét, quyết định.
Theo bà Phan Thị Thắng, trong 2 năm đầu kể từ khi Nghị quyết 54, Tp.HCM đã triển khai rất quyết liệt nhưng chủ yếu là công tác chuẩn bị. Sau đó, Tp.HCM bị ảnh hưởng rất lớn bởi dịch Covid-19. Trước tình hình này, TP đã nỗ lực huy động cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân triển khai khẩn trương “nhiệm vụ kép” vừa tập trung phòng, chống dịch bệnh vừa thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh vô cùng khó khăn đó, mặc dù TPHCM đã có các bước chuẩn bị cho việc ban hành các loại phí, lệ phí hoặc tăng mức thuế hoặc thuế suất nhưng buộc phải dừng việc xem xét các đề xuất này.
Bên cạnh đó, cơ chế tài chính chưa được phát huy, TP chưa có đủ nguồn vốn đáp ứng nhu cầu đầu tư hạ tầng ngày càng gia tăng. Hơn 4 năm qua, không phát sinh khoản thu tiền sử dụng đất khi bán các tài sản công của các đơn vị Trung ương ở TP. Do đó, TP chưa được hưởng 50% khoản tiền này để đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ đầu tư công của TP.
Đồng thời, TP cũng chưa có nguồn thu từ cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước do việc thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp các năm trước gặp vướng mắc do thiếu quy định hướng dẫn về phương án sử dụng đất của doanh nghiệp khi cổ phần hóa. Do vậy, dẫn đến TP chưa có cơ sở để thực hiện phê duyệt phương án sử dụng đất doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa làm cơ sở thực hiện các bước tiếp theo trong quy trình thực hiện cổ phần hóa.
Bên cạnh đó, chi trả thu nhập tăng thêm căn cứ vào số ngày làm việc thực tế của cán bộ, công chức, viên chức khi triển khai còn một số khó khăn, vướng mắc do thời gian làm việc theo quy định riêng của mỗi ngành, lĩnh vực là khác nhau; đặc biệt là một số ngành, lĩnh vực đặc thù giáo dục và đào tạo, y tế, bảo trợ xã hội, văn hóa, nghệ thuật - thể dục, thể thao...
Ngoài ra, việc thu hút chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt đòi hỏi sự thận trọng trong xây dựng cơ chế tổ chức thực hiện nên thời gian xây dựng quy trình cần nhiều thời gian nghiên cứu, hoàn thiện.
Phó Chủ tịch UBND TP cho rằng, trong bối cảnh hiện nay đòi hỏi cần thiết phải có một nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54, qua đó tạo điều kiện khơi thông nguồn lực phát triển Tp.HCM trong giai đoạn hiện nay.