TP.HCM trước giờ bán vé metro số 1: Vì sao người dân phải chờ hơn 16 năm?

Ban Quản lý đường sắt đô thị (MAUR - chủ đầu tư) cho biết hiện dự án đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên (metro số 1) đã hoàn thành 100% khối lượng thi công, đang trong thời gian làm các thủ tục theo quy định để đưa vào vận hành thương mại. Dự kiến metro số 1 sẽ vận hành chính thức từ ngày 22.12.2024.

17 đoàn tàu metro đã sẵn sàng

Để chuẩn bị cho thời khắc lịch sử của metro TP.HCM, Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 (HURC1 - đơn vị vận hành tuyến) đã chạy thử 100% công suất tuyến từ ngày 11 đến ngày 17.11, mỗi tàu có sức chứa tối đa 930 hành khách, với 47 kịch bản từ vận hành thông thường cho đến các tình huống khẩn cấp như cháy, nổ, mất điện, ngập nước, mất tín hiệu… Tần suất tàu chạy dày đặc từ 5g - 23g30 mỗi ngày, giãn cách mỗi chuyến 4 phút 30 giây - 10 phút. Phương án vận hành thử áp dụng tương tự như khi khai thác thương mại.

17 đoàn tàu của tuyến metro số 1 đã đượcCục Đăng kiểm Việt Nam kiểm định và tem kiểm định dán ngày 22.11 - thủ tục quan trọng để được phép khai thác vận hành thương mại. Ảnh: Văn Trung

17 đoàn tàu của tuyến metro số 1 đã đượcCục Đăng kiểm Việt Nam kiểm định và tem kiểm định dán ngày 22.11 - thủ tục quan trọng để được phép khai thác vận hành thương mại. Ảnh: Văn Trung

Thủ tục quan trọng để đảm bảo các đoàn tàu đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn để được phép vận hành thương mại, là 17 đoàn tàu của tuyến metro số 1 đã được cấp chứng nhận chất lượng, an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường phương tiện giao thông đường sắt. Cục Đăng kiểm Việt Nam đã kiểm định 17 đoàn tàu và ngày 22.11 các đoàn tàu được dán tem kiểm định có hiệu lực đến tháng 3.2027. TP.HCM dự kiến phát hành hơn 2 triệu thẻ đi metro trong giai đoạn đầu, mỗi ngày ước tính phục vụ gần 40.000 hành khách.

“HURC1 sẽ đăng tải những thông tin chi tiết về lịch trình tàu chạy, giá vé và các ga qua website, ứng dụng điện thoại di động để người dân thuận tiện trong việc lên kế hoạch đi lại đúng giờ”, MAUR cho biết.

UBND TP.HCM cũng đã ban hành quyết định giá vé dịch vụ vận tải hành khách công cộng trên tuyến metro số 1. Theo đó, metro số 1 áp dụng nhiều phương án giá vé nhằm tạo thuận lợi và khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng mới. Hành khách có thể chọn các loại vé lượt (một lần sử dụng dịch vụ), vé theo thời gian (đi trong một ngày hoặc ba ngày) và vé tháng.

Đối với vé lượt: nếu dùng tiền mặt, giá vé dao động 7.000 - 20.000 đồng (tùy quãng đường). Nếu thanh toán không dùng tiền mặt, giá vé 6.000 - 19.000 đồng. Đối với giá vé theo thời gian: vé một ngày là 40.000 đồng/người (không giới hạn số lượt đi lại trong ngày), giá vé ba ngày là 90.000 đồng/người (không giới hạn số lượt đi lại trong ba ngày).

Đối với vé tháng: hành khách phổ thông là 300.000 đồng/người (không giới hạn số lượt đi lại trong tháng); học sinh, sinh viên là 150.000 đồng/người (không giới hạn số lượt đi lại trong tháng). Giá vé đã bao gồm bảo hiểm thân thể hành khách sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng tàu điện trên tuyến metro số 1.

Đông đảo hành khách trải nghiệm tuyến metro số 1 trong lần chạy thử ngày 8.6.2024. Ảnh: Trung Dũng

Đông đảo hành khách trải nghiệm tuyến metro số 1 trong lần chạy thử ngày 8.6.2024. Ảnh: Trung Dũng

Hiện TP.HCM đang xây dựng chính sách hỗ trợ người sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt kết nối tuyến metro số 1 và đi tàu điện. Theo đề xuất, ngân sách thành phố hỗ trợ 100% giá vé (khoảng 33,1 tỷ đồng/tháng) cho hành khách sử dụng xe buýt kết nối tuyến metro số 1 và hành khách vận chuyển bằng tàu điện trên tuyến metro số 1 trong thời gian 30 ngày kể từ ngày tuyến metro số 1 bắt đầu khai thác vận hành thương mại. Đồng thời, đề xuất hỗ trợ về lâu dài 100% giá vé (43,3 tỷ đồng/năm) cho người có công với cách mạng; người khuyết tật; người cao tuổi và trẻ em dưới 6 tuổi.

Các trường hợp miễn, giảm giá vé sẽ theo nghị quyết của HĐND TP.HCM. Ngoài ra, TP.HCM cũng đề xuất ngân sách thành phố hỗ trợ kinh phí đối với hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt kết nối tuyến metro số 1, tàu điện theo nguyên tắc hỗ trợ phần chênh lệch giữa doanh thu bán vé, doanh thu khác theo quy định và chi phí hoạt động vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt, tàu điện (được xác định thông qua giá vận tải do cơ quan có thẩm quyền ban hành và một số chi phí liên quan khác) khoảng 2.226 tỷ đồng/năm.

Khu vực bán vé tại nhà ga Bến Thành. Ảnh chụp ngày 8.6.2024. Ảnh: Trung Dũng

Khu vực bán vé tại nhà ga Bến Thành. Ảnh chụp ngày 8.6.2024. Ảnh: Trung Dũng

Metro số 1 “hứa thật nhiều…”

Metro số 1 được lập dự án năm 2006, phê duyệt năm 2007 với tổng vốn hơn 17.000 tỷ đồng. Khởi công xây dựng hạng mục đầu tiên ngày 21.2.2008. Dự kiến đến tháng 6.2013 vận hành thử nghiệm và đến đầu năm 2014 chính thức đưa vào khai thác thương mại. Tuy nhiên, quá trình thi công gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Đến năm 2019, UBND TP.HCM phê duyệt điều chỉnh dự án, tổng mức đầu tư tăng lên khoảng 43.600 tỷ đồng và lùi tiến độ hoàn thành, khai thác thương mại vào quý IV.2021. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, chậm ký kết phụ lục hợp đồng tư vấn khiến dự án tiếp tục trễ hẹn.

Đến tháng 2.2023, UBND TP.HCM phê duyệt điều chỉnh dự án, trong đó dời thời điểm hoàn thành thi công đến cuối quý IV.2023. Một lần nữa dự án không thể hoàn thành trong năm 2023 nên TP.HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho điều chỉnh thời gian hoàn thành thi công dự án và đưa dự án vào vận hành thương mại cuối quý IV.2024.

Lối vào nhà ga Bến Thành. Ảnh chụp ngày 8.6.2024. Ảnh: Trung Dũng

Theo nguồn tin của Người Đô Thị, tại văn bản khẩn gửi Sở Giao thông Vận tải ngày 14.11 báo cáo tình hình triển khai thực hiện dự án xây dựng tuyến metro số 1, chủ đầu tư MAUR đã giải trình dự án xây dựng tuyến metro số 1 là một trong những dự án đường sắt đô thị đầu tiên ở Việt Nam thực hiện theo các quy định của mẫu hợp đồng nước ngoài và yêu cầu đặc thù của nhà tài trợ (điều kiện STEP), trong khi chủ đầu tư chưa có nhiều kinh nghiệm trong công tác quản lý dự án có tính chất quốc tế.

Dự án thuộc phạm vi điều chỉnh của nhiều quy định khác nhau, một mặt phải tuân thủ quy định theo hợp đồng ký kết với nhà thầu, mặt khác phải tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam và các hướng dẫn của nhà tài trợ. Trong khi đó, các quy định này vẫn còn sự khác biệt và chưa hài hòa với nhau. Ngoài ra, quá trình triển khai dự án có nhiều thay đổi về các quy định pháp luật. Trong quá trình triển khai dự án, MAUR phải tiến hành lấy ý kiến của các cơ quan quản lý chuyên ngành và các cơ quan có thẩm quyền để được hướng dẫn cách thức xử lý phù hợp, đảm bảo sự hài hòa giữa quy định của nhà tài trợ, quy định pháp luật trong nước và thông lệ hợp đồng quốc tế. “Điều này dẫn đến việc chậm trễ trong thẩm định, phê duyệt các hồ sơ”, MAUR giải trình.

UBND TP.HCM đã đề xuất ngân sách thành phố miễn phí cho toàn bộ hành khách metro số 1 trong 30 ngày đầu tiên khi các đoàn tàu chạy chính thức. Ảnh: Nam Anh

UBND TP.HCM đã đề xuất ngân sách thành phố miễn phí cho toàn bộ hành khách metro số 1 trong 30 ngày đầu tiên khi các đoàn tàu chạy chính thức. Ảnh: Nam Anh

Đa phần các gói thầu chính đều được ký kết theo hình thức hợp đồng trọn gói. Theo đó quy định nhà thầu phải hoàn thành 100% khối lượng mới đủ điều kiện để thanh toán. Hiện nay, dự án đang trong giai đoạn hoàn thiện, các gói thầu hoàn thành cơ bản khối lượng thi công. Tuy nhiên, việc nghiệm thu, thanh toán các khối lượng trong giai đoạn này cần phải hoàn tất nhiều nội dung liên quan như công tác phòng cháy chữa cháy, hồ sơ hoàn công, thử nghiệm cơ điện, thử nghiệm hệ thống và thử nghiệm giao diện... để đáp ứng an toàn hệ thống và yêu cầu thanh toán phù hợp với điều kiện hợp đồng và quy định pháp luật. “Dự án trải qua nhiều giai đoạn, thời kỳ với những vướng mắc tồn tại, tích lũy trong quá trình dài phải giải quyết vào cuối dự án như phát sinh hợp đồng, điều chỉnh giá, khiếu nại, tranh chấp hợp đồng... dẫn đến phức tạp trong quá trình xử lý để hoàn tất các thủ tục liên quan”, MAUR cho biết.

Các tuyến metro còn lại chờ đến bao giờ?

Tại báo cáo kết quả 5 năm thực hiện Đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn TP.HCM gửi Sở Giao thông Vận tải ngày 14.11, MAUR cho biết theo Quyết định số 568 ngày 8.4.2013 của Thủ tướng Chính phủ về Điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020, hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM với tổng chiều dài khoảng 220 km, gồm 8 tuyến xuyên tâm và vành khuyên nối các trung tâm chính của thành phố; 3 tuyến xe điện mặt đất hoặc đường sắt một ray (trainway hoặc monorail). Theo Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060, hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM được điều chỉnh với tổng chiều dài khoảng 582 km, bao gồm 12 tuyến trong đó có 8 tuyến metro xuyên tâm, 2 tuyến metro vành đai, 1 nhánh tàu ngoại ô và 1 tuyến tramway/LRT dọc đại lộ Đông Tây và sông Sài Gòn.

Hiện nay, ngoài tuyến metro số 1 và tuyến tàu điện ngầm số 2 (Bến Thành - Tham Lương) đang triển khai dự án đầu tư xây dựng, các tuyến còn lại đã được triển khai lập dự án đầu tư từ năm 2008 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Kết quả nghiên cứu của tư vấn (về hướng tuyến, quy mô, vị trí nhà ga, ranh chiếm dụng công trình...) được sử dụng để quản lý quy hoạch xây dựng và xúc tiến đầu tư.

Đông đảo hành khách trải nghiệm tuyến metro số 1 trong lần chạy thử từ gà Bến Thành đi đến ga Suối Tiên ngày 8.6.2024. Ảnh: Trung Dũng

Đông đảo hành khách trải nghiệm tuyến metro số 1 trong lần chạy thử từ gà Bến Thành đi đến ga Suối Tiên ngày 8.6.2024. Ảnh: Trung Dũng

Theo MAUR, việc triển khai đầu tư các tuyến đường sắt đô thị của các dự án còn lại tại TP.HCM chậm, không đạt mục tiêu đề ra là do các nguyên nhân:

1. Các dự án đường sắt đô thị là dự án đầu tư công có quy mô và tổng mức đầu tư rất lớn nên thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia hoặc trong quá trình triển khai xuất hiện tiêu chí dự án quan trọng quốc gia nên trình tự, thủ tục phê duyệt chủ trương, điều chỉnh chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án và điều chỉnh dự án phức tạp, kéo dài.

2. Tổng mức đầu tư rất lớn, sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) từ một hoặc nhiều nhà tài trợ để đầu tư xây dựng. Quy trình vay vốn ODA từ nhiều nhà tài trợ khác nhau cần nhiều thời gian để hoàn thiện các thủ tục về đàm phán, ký kết khoản vay và lấy ý kiến trong quá trình triển khai dự án với từng nhà tài trợ.

3. Thời gian chuẩn bị và thực hiện dự án kéo dài, số vốn cam kết của các nhà tài trợ khó đảm bảo; việc tính toán chi phí đầu tư cho dự án phải thay đổi nhiều do thời gian kéo dài và trượt giá dẫn đến đội vốn qua các bước thực hiện. Bên cạnh đó, các văn bản quy phạm pháp luật thay đổi trong quá trình thực hiện dự án dẫn đến phải điều chỉnh hoặc thực hiện lại các thủ tục, mất nhiều thời gian và tốn kém chi phí dự án.

4. Hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức, đơn giá vật tư, thiết bị chuyên ngành về lĩnh vực đường sắt đô thị ở Việt Nam chưa đồng bộ và đầy đủ, ít dự án để tham chiếu nên khó khăn trong việc quản lý đầu tư xây dựng.

Đông đảo hành khách tham quan, trải nghiệm nhà ga Bến Thành. Ảnh chụp ngày 8.6.2024. Ảnh: Trung Dũng

Đông đảo hành khách tham quan, trải nghiệm nhà ga Bến Thành. Ảnh chụp ngày 8.6.2024. Ảnh: Trung Dũng

5. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật gặp nhiều khó khăn là một trong các nguyên nhân chính phát sinh chi phí cam kết với các nhà thầu, nhà tài trợ phát sinh chi phí quản lý dự án và ảnh hưởng đến tiến độ dự án.

6. Việc triển khai và thực hiện dự án đường sắt đô thị trong bối cảnh phải hài hòa các thủ tục, quy định của các nhà tài trợ và pháp luật Việt Nam. Cụ thể phát sinh các điều chỉnh liên quan về hợp đồng (hình thức, giá trị và các phát sinh phụ lục), điều chỉnh khối lượng công việc, nhà thầu, đơn vị tư vấn phù hợp yêu cầu của nhà tài trợ và phù hợp quy định hiện hành.

7. Mỗi dự án đường sắt đô thị sử dụng tiêu chuẩn công nghệ khác nhau phụ thuộc vào nhà tài trợ vốn ODA, điều này gây bất lợi trong việc kêu gọi đầu tư, đào tạo chuyển giao công nghệ và chi phí vận hành bảo dưỡng.

“Để đảm bảo mục tiêu hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị TP.HCM vào năm 2035, MAUR đề xuất nhiệm vụ trọng tâm nhiệm kỳ 2025 - 2030: hoàn thành điều chỉnh chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư và triển khai thi công dự án xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 TP.HCM (Bến Thành - Tham Lương); phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư và khởi công xây dựng 6 tuyến đường sắt đô thị theo Đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM; phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục triển khai xây dựng để thực hiện mục tiêu hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị TP.HCM vào năm 2035…”, báo cáo cho biết.

Hành khách được mang gì lên metro?

Đơn vị vận hành tuyến metro số 1 cho biết hành khách có thể mang vật dụng, hành lý tối đa hai kiện hàng gồm: một hành lý có tổng kích thước chiều dài ba cạnh (dài + rộng + cao) dưới 158 cm, trọng lượng dưới 32 kg và một hành lý khác có tổng kích thước chiều dài ba cạnh dưới 115 cm, trọng lượng dưới 18 kg. Chiều cao tối đa của hành lý dưới 100 cm, tổng trọng lượng mang theo bằng hoặc dưới 50 kg. Các vật dụng cồng kềnh, gây cản trở cho người khác đều bị cấm mang lên tàu metro. Nhân viên nhà ga có quyền yêu cầu hành khách không được đi tàu metro khi kèm với hành lý quá cồng kềnh.

Hành khách không được mang lên tàu metro những hành lý sau: lò sưởi, bếp ga, thi thể, hài cốt, tro cốt, động vật các loại… Những hành lý, đồ vật không an toàn cho hành khách khác, nhân viên nhà ga sẽ yêu cầu hành khách không mang vào nhà ga hay lên tàu metro.

Nguyễn Minh - Phạm Anh

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/tp-hcm-truoc-gio-ban-ve-metro-so-1-vi-sao-nguoi-danphai-cho-hon-16-nam-46266.html