TP.HCM trước sứ mệnh trở thành trung tâm của doanh nghiệp tư nhân

Với chủ trương đưa kinh tế tư nhân thành động lực quan trọng nhất trong tăng trưởng kinh tế, các chính sách chung và giải pháp, nguồn lực đầu tư của TP.HCM tạo nền tảng, không gian để phát huy tiềm lực thành phần kinh tế này. TP.HCM đứng trước sứ mệnh trở thành trung tâm của doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam.

Trong bài viết mới đây nhan đề "Phát triển kinh tế tư nhân- Đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng", Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định một cách rõ ràng và đầy cảm hứng rằng: "Một nền kinh tế cường thịnh không thể chỉ dựa vào khu vực nhà nước hay đầu tư nước ngoài mà phải dựa vào nội lực là khu vực tư nhân vững mạnh, đóng vai trò tiên phong trong đối mới và phát triển đất nước.". Đây không chỉ là sự ghi nhận, mà là một định hướng chiến lược của Đảng ta đối với công cuộc phát triển kinh tế đất nước trong thời kỳ mới.

Tổng Bí thư đã chỉ rõ: Để khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ và bền vững, cần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, giảm thiểu sự can thiệp hành chính, loại bỏ cơ chế "xin - cho", thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, và đặc biệt là "xóa bỏ mọi rào cản, không phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế". TPHCM cam kết thực hiện nhất quán và hiệu quả các định hướng đó.

Loạt bài “Mở đường cho kinh tế tư nhân phát triển và tiềm lực của TP.HCM” đi sâu phân tích áp lực thay đổi chính sách cho kinh tế tư nhân và vai trò dẫn đầu của TP.HCM.

Trong quá trình phát triển, không ai có thể phủ nhận vị thế của TPHCM trong nền kinh tế Việt Nam. Thành phố hiện đóng góp 23% GDP cả nước, 27% tổng thu ngân sách và chiếm 35% tổng số doanh nghiệp. Trong đó, khu vực kinh tế tư nhân đang ngày càng khẳng định vai trò trụ cột nhưng vẫn chưa đủ sức vươn ra cạnh tranh quốc tế. Hiện nay, với chủ trương đưa kinh tế tư nhân thành động lực quan trọng nhất trong tăng trưởng kinh tế cả nước, các chính sách chung và các giải pháp, nguồn lực đầu tư của thành phố tạo nền tảng, không gian để phát huy tiềm lực thành phần kinh tế này. TPHCM từng đi đầu trong đổi mới và giờ đứng trước sứ mệnh trở thành trung tâm của doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam.

Xây dựng doanh nghiệp đầu ngành, địa phương đầu tàu

Khu vực kinh tế tư nhân bao gồm 3 thành phần chính: doanh nghiệp tư nhân, kinh tế cá thể (chủ yếu là hộ kinh doanh) và kinh tế tập thể (chủ yếu là hợp tác xã).

TP.HCM có khoảng 278.000 doanh nghiệp tư nhân, 220.000 hộ kinh doanh đang thực hiện nghĩa vụ thuế và hàng trăm ngàn cá nhân kinh doanh. Chính thức hóa hoạt động của khu vực kinh tế phi chính thức này sẽ là bước đi quan trọng đối với TP.HCM trong việc mở rộng và nâng cao hiệu quả của kinh tế tư nhân.

Cần khảo sát thực tế để có thêm chính sách cho doanh nghiệp tư nhân

Cần khảo sát thực tế để có thêm chính sách cho doanh nghiệp tư nhân

TS. Nguyễn Quốc Việt - chuyên gia chính sách công cho rằng, trong chủ trương phát triển kinh tế tư nhân thành động lực quan trọng nhất của tăng trưởng, cần xây dựng các doanh nghiệp tư nhân đầu ngành, cần có cơ chế đặt hàng doanh nghiệp tư nhân lớn, điều này rất quan trọng.

Muốn như vậy, phải rà soát từng ngành, từng lĩnh vực để xác định đúng, trúng các công trình hạ tầng trọng điểm để ưu tiên đầu tư, đặt hàng doanh nghiệp thực hiện. Doanh nghiệp tư nhân lớn nếu được tham gia vào đây một cách công bằng, bình đẳng cũng tạo thêm sức bật cho mình.

Với hộ kinh doanh cũng vậy, cũng phải rà soát để có giải pháp phù hợp.

Theo TS. Việt, trong các giải pháp để thúc đẩy kinh tế tư nhân ở TP.HCM phát triển, trước mắt cần thống kê, đánh giá cụ thể thực trạng, năng lực sản xuất- kinh doanh của khu vực này.

"TPHCM cần có đề án để làm rõ về khu vực kinh tế tư nhân, có thực trạng thì mới đưa ra giải pháp được. Môi trường kinh doanh là yếu tố quan trọng bậc nhất trong việc thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển và cải thiện không chỉ đơn giản cắt hoặc đơn giản hóa thủ tục mà quan trọng hơn là tạo sự minh bạch thông tin thông suốt, không có điểm mờ, giảm rủi ro, giảm chi phí giao dịch. TP.HCM cũng cần có chính sách nâng cao năng lực cạnh tranh của TP thông qua đầu tư vào hạ tầng, công nghệ, lao động" - TS. Nguyễn Quốc Việt đề xuất.

Ông Lê Trí Thông, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM, Tổng Giám đốc Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) đề xuất, cần nâng cao trình độ doanh nghiệp tư nhân, kết nối giữa doanh nghiệp và chính sách, giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp.

Cần xây dựng các doanh nghiệp có khả năng dẫn dắt và hỗ trợ những doanh nghiệp nhỏ hơn. Tạo ra các cơ chế để doanh nghiệp có thể chia sẻ và hợp tác nhằm hình thành một hệ sinh thái doanh nghiệp tư nhân phát triển bền vững.

Ông Lê Trí Thông, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM, Tổng Giám đốc Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận-PNJ

Ông Lê Trí Thông, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM, Tổng Giám đốc Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận-PNJ

"Chúng ta đã đề xuất về thể chế, tăng cường các nguồn đầu tư, thúc đẩy dòng vốn, đồng thời chúng ta cũng cần một chuỗi chương trình để nâng cao trình độ của các ông chủ doanh nghiệp tư nhân, nâng tầm doanh nghiệp tư nhân từ doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ hoặc doanh nghiệp lớn của Việt Nam (nhưng cũng chỉ là trung bình ở thế giới) thành doanh nghiệp có tầm thế giới"- ông Lê Trí Thông kiến nghị.

Tạo không gian phát triển

Năm 2025, TP.HCM đặt mục tiêu tăng trưởng 2 con số. Trong đó, khu vực kinh tế tư nhân được cho là còn nhiều tiềm năng tăng trưởng.

Theo chuyên gia và các hiệp hội ngành hàng, nếu TP.HCM khuyến khích được hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp, sẽ góp phần tạo sức bật mới trong phát triển kinh tế, đạt được mục tiêu tăng trưởng.

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM cho rằng, trong phát triển kinh tế tư nhân, các hộ kinh doanh ở thành phố đang hoạt động hiệu quả và bền vững, chỉ cần có thêm chính sách phù hợp thì việc chuyển thành doanh nghiệp siêu nhỏ là trong tầm tay.

Còn các địa phương khác, nơi lực lượng hộ kinh doanh cá thể không lớn mạnh như TP.HCM thì có thể tập trung vào việc xây dựng các hợp tác xã và tổ hợp tác để giảm bớt tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, đồng thời thúc đẩy sự tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng.

"Bây giờ thành phố tạo điều kiện như miễn giảm thuế, cho sử dụng hệ thống kế toán đơn giản…để mấy trăm ngàn hộ kinh doanh này phát triển thành doanh nghiệp nhỏ thì thành phố có thêm mấy trăm ngàn doanh nghiệp trong phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Và đặc thù của TPHCM là các hộ kinh doanh này tồn tại bền vững qua nhiều đời, nên nếu được hỗ trợ, dẫn dắt và tạo điều kiện để chuyển lên thành doanh nghiệp thì thành phố sẽ có ngay một lực lượng doanh nghiệp rất hùng hậu" - bà Chi nói.

Khuyến khích hộ kinh doanh ở TP.HCM phát triển thành doanh nghiệp siêu nhỏ

Khuyến khích hộ kinh doanh ở TP.HCM phát triển thành doanh nghiệp siêu nhỏ

Các chuyên gia kêu gọi TP.HCM một lần nữa đứng ra gánh vác vai trò đầu tàu, tiên phong trong đổi mới lần này, trong phát huy tiềm lực khu vực kinh tế tư nhân đúng với kỳ vọng là động lực quan trọng nhất của tăng trưởng kinh tế.

Vai trò tiên phong của TP.HCM rất lớn nên GS.TS. Vũ Minh Khương đề xuất, thành phố sớm cử đoàn công tác đi tìm hiểu thực tế ở nước ngoài, cụ thể là Singapore, để nắm được các công cụ hỗ trợ cho kinh tế tư nhân của họ rồi về xem xét xây dựng giải pháp cho thành phố:

Ông Khương cho rằng: "Nên tạo ra một hệ thống yểm trợ các doanh nghiệp tư nhân một cách hoàn hảo. TP.HCM thử nghiệm trước, từ đó là bài học lớn cho cả nước. Điều đó đòi hỏi TP.HCM một lần nữa đóng vai trò tiên phong trong đổi mới lần thứ 2, xây dựng một Việt Nam hùng cường, trên cơ sở của thể chế, chính sách có sức cạnh tranh rất cao với thế giới chứ không phải chỉ là “xé rào” như đổi mới lần 1".

Sự xác định đúng vị trí, vai trò của kinh tê tư nhân như hiện nay ở Việt Nam, nhất là ở TP.HCM, bắt đầu khơi mở ra một “kho báu”, một sức mạnh tiềm tàng, để kinh tế tư nhân trở thành động lực chủ đạo cho sự phát triển mạnh mẽ.

PGS.TS Trần Hoàng Ngân, đại biểu Quốc hội, cho biết, trong các giải pháp tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân, thành phố đã tăng cường đầu tư cho hạ tầng.

"Hạ tầng là doanh nghiệp cần nhất, đặc biệt là hạ tầng về giao thông kết nối. TP.HCM trong kế hoạch 2016- 2020 thì mỗi năm đầu tư công là 20.000 tỷ đồng. Từ 2021-2025 mỗi năm là 50.000 tỷ, gấp 2,5 lần và riêng 2025 này là 100.000 tỷ đồng. Kế hoạch 2026- 2030 mỗi năm đầu tư công từ 120.000- 150.000 tỷ. Tất cả cho thấy nguồn lực đầu tư công là rất lớn" - ông Trần Hoàng Ngân cho biết thêm.

PGS.TS Trần Hoàng Ngân

PGS.TS Trần Hoàng Ngân

Phát biểu tại Lễ công bố và trao chứng nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao 2025 mới đây, bà Nguyễn Thị Lệ- Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.HCM khẳng định, thành phố là nơi khởi nguồn và là cái nôi hình thành cộng đồng doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao. TP.HCM cũng chính là nơi khởi sắc mạnh mẽ nhất của khu vực kinh tế tư nhân.

Năm 2024, khu vực tư nhân chiếm tới 77% cơ cấu kinh tế TP.HCM; tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn đạt hơn 395.000 tỷ đồng, trong đó hơn 67% đến từ khu vực kinh tế tư nhân.

Thời gian tới TPHCM sẽ thúc đẩy các hiệp hội và các sở, ngành phối hợp chặt chẽ hơn nhằm triển khai các chương trình, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp một cách thực chất, thiết kế chính sách sát với nhu cầu và bối cảnh mới.

Thực hiện tinh thần chỉ đạo quyết liệt của Tổng Bí thư Tô Lâm đối với phát triển kinh tế tư nhân, TP.HCM đã triển khai các tổ công tác đặc biệt để rà soát, tháo gỡ khó khăn cho các công trình, dự án và đang xây dựng mô hình tổ công tác chuyên trách làm việc với các doanh nghiệp công nghệ lớn, nhà đầu tư chiến lược. Bên cạnh đó, thành phố sẽ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ môi trường đầu tư, cải cách hành chính, thúc đẩy các sáng kiến để phát triển kinh tế tư nhân cả chiều rộng lẫn chiều sâu.

Cùng loạt bài:

Mở đường cho kinh tế tư nhân phát triển và tiềm lực của TP.HCM

TP.HCM trước sứ mệnh trở thành trung tâm của doanh nghiệp tư nhân

Minh Hạnh-Lệ Hằng/VOV-TP.HCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/tphcm-truoc-su-menh-tro-thanh-trung-tam-cua-doanh-nghiep-tu-nhan-post1187630.vov