Nữ giám đốc người Mường và giấc mơ sữa quê hương
Sinh ra và lớn lên trên đồng cỏ Ba Vì (Hà Nội), chị Nguyễn Thúy Hằng, người dân tộc Mường đã kiên trì vượt qua rất nhiều thử thách để xây dựng thương hiệu cho quê hương . Ước mơ nâng giá trị cho sản phẩm sữa của Ba Vì, chị tạo việc làm cho nhiều hộ gia đình người Mường, giúp đồng bào cùng tự tin vượt nghèo khó.

Vừa sản xuất, chị Hằng và các nhân viên người Mường vừa chú trọng giữ gìn bản sắc dân tộc mình.
Muốn đi xa thì thơm ngon là chưa đủ…
Khởi nghiệp lần đầu vào năm 2008, hai vợ chồng chị Nguyễn Thị Thúy Hằng đã cùng các cộng sự thành lập mô hình trạm dừng nghỉ vừa sản xuất, vừa bán và giới thiệu sản phẩm. Ban đầu, các trạm dừng nghỉ của chị chỉ kinh doanh đặc sản vùng miền với nhiều sản phẩm từ các địa phương khác. Nhờ sở hữu một trạm dừng nghỉ tại Vĩnh Phúc, chị được ủy quyền đại diện cho tỉnh trong việc giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, đồng thời tham gia các cuộc họp với cơ quan chức năng để tìm hướng phát triển các sản phẩm này.
Là người con của miền đất trung du bán sơn địa Ba Vì, nhiều năm giám đốc Thúy Hằng trăn trở về việc nâng tầm sản phẩm nổi tiếng nhất của quê hương - chế phẩm từ sữa bò. Chị muốn đẩy mạnh phát triển sản phẩm từ nguồn nguyên liệu quý giá này.
Năm 2017, chị quyết định chuyển đổi từ cơ sở sản xuất lên Công ty Cổ phần Sữa 486, dù khi đó mọi quy trình sản xuất và bán hàng vẫn còn thủ công. “Sữa bò Ba Vì thơm, ngon nhưng muốn đi xa thì phải đẩy mạnh chế biến, tối ưu hóa hệ thống máy móc, dây chuyền sản xuất”, chị Hằng chia sẻ. Ban đầu, sản phẩm chỉ đủ để bán tại các trạm dừng nghỉ do công ty quản lý. Công ty áp dụng mô hình "khép kín", thu mua nguyên liệu từ nông dân, chế biến và bán trực tiếp cho người tiêu dùng. Đến năm 2021, công ty đầu tư nâng cấp hệ thống máy móc, dây chuyền sản xuất và năm 2022 chính thức đổi tên thành Sữa Đồng Cỏ Ba Vì. Hiện tại, công ty vẫn sử dụng nguồn nguyên liệu từ nông dân địa phương.

Chị Hằng (áo vét hồng) tham gia một chương trình thiện nguyện trên địa bàn.
Hướng về cộng đồng Mường, về người lao động
Theo ông Nguyễn Đức Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì, tại 7 xã miền núi của huyện, đồng bào người dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ 38,3% dân số. Trong đó đông hơn cả là dân tộc Mường và Dao với những nét văn hóa, phong tục, tập quán đặc sắc và đặc trưng tụ cư theo địa bàn, khu vực. “Những năm qua, đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi của Thủ đô, giai đoạn 2019-2024, thành phố Hà Nội và huyện Ba Vì đã quan tâm, bố trí tổng kinh phí 1.954,289 tỷ đồng để đầu tư nâng cấp hạ tầng thuộc các lĩnh vực trường học, y tế, văn hóa, thủy lợi, giao thông nông thôn tại các xã miền núi”, ông Đức Anh cho biết.
Chị Hằng hiểu những khó khăn của đồng bào dân tộc thiểu số, nên luôn tạo điều kiện sinh kế cho họ. Công ty không chỉ ưu tiên tuyển dụng lao động từ cộng đồng này mà còn hỗ trợ kỹ thuật, tài chính cho các hộ chăn nuôi bò sữa, giúp bà con nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng thu nhập. Đồng thời, chị Hằng cùng các cộng sự hướng dẫn bà con nông dân triển khai mô hình chăn nuôi bền vững, thân thiện với môi trường để phát triển kinh tế lâu dài.
Song song với việc phát triển sản phẩm, công ty cũng liên tục cập nhật và áp dụng công nghệ tiên tiến trong quy trình sản xuất, bảo quản và đóng gói để bảo đảm chất lượng cao nhất. Ban lãnh đạo công ty tổ chức các khóa đào tạo nâng cao chuyên môn cho nhân viên, hướng dẫn quy trình quản lý và sản xuất bài bản. Đội ngũ chăm sóc khách hàng cũng được đào tạo chuyên nghiệp để mang đến trải nghiệm tốt nhất cho người tiêu dùng. Từ các trạm dừng nghỉ ban đầu, công ty đã đưa sản phẩm vào nhiều hệ thống siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch. Hiện nay, công ty sở hữu 3 trạm dừng nghỉ và đang tìm cách mở rộng thị trường, tiếp cận với các đơn vị ở nhiều vùng miền khác nhau, góp phần đưa thương hiệu sữa Ba Vì vươn xa.

Các sản phẩm mới được tạo nên từ sự trân trọng đặc sản quê hương cùng ý chí vượt khó, thoát nghèo của người lao động, trong đó có đồng bào người dân tộc thiểu số ở địa phương.
Mong là niềm tự hào chung
Vừa kinh doanh, Sữa Đồng Cỏ Ba Vì vừa tích cực tham gia các hoạt động xã hội với hàng trăm suất học bổng tài trợ cho học sinh nghèo; các chương trình quyên góp thực phẩm cho người dân gặp khó khăn, đặc biệt là trong các đợt thiên tai, bão lũ. Đáng chú ý nữa là chú trọng bảo vệ môi trường với việc thực hiện nghiêm ngặt các tiêu chuẩn xử lý chất thải, sử dụng nguyên liệu thân thiện với môi trường. Các mô hình chăn nuôi bền vững được triển khai, giúp bà con nâng cao năng suất mà vẫn bảo vệ thiên nhiên một cách hiệu quả.
Không dừng lại ở sản xuất sữa tươi, nữ giám đốc người Mường và các cộng sự đang nghiên cứu phát triển thêm các sản phẩm giá trị gia tăng như sữa chua, phô mai, bơ và sữa thanh trùng… Chị đang tiếp tục nuôi giấc mơ đưa sản phẩm sữa Ba Vì vươn xa hơn, trở thành niềm tự hào của người dân Ba Vì, của cộng đồng người Mường trên vùng đất giàu bản sắc.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/nu-giam-doc-nguoi-muong-va-giac-mo-sua-que-huong-post869139.html