TP.HCM: Vườn ươm tạo 'đại bàng' Việt Nam

Với vị thế đầu tàu kinh tế và nay là một 'siêu đô thị', TP.HCM đang có cơ hội vàng để trở thành cái nôi sản sinh ra những 'đại bàng' của Việt Nam.

Thành phố nên tập trung "ươm" các doanh nghiệp lớn trong các ngành: công nghệ cao, logistics...

Thành phố nên tập trung "ươm" các doanh nghiệp lớn trong các ngành: công nghệ cao, logistics...

Nhiều doanh nghiệp tư nhân dẫn dắt thị trường

Đầu tàu kinh tế TP.HCM, sau sự kiện sáp nhập với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu đã đưa Thành phố bước vào một giai đoạn hoàn toàn mới, không chỉ mở rộng về địa giới và dân số, mà còn tạo ra một vùng động lực hội tụ sức mạnh kinh tế chưa từng có trong nửa thế kỷ qua. Đây là cơ hội lịch sử để định hình một siêu đô thị với sự hiện diện của những doanh nghiệp đầu tàu đủ tầm vóc dẫn dắt thị trường trong nước và cạnh tranh trên trường quốc tế.

Trên thực tế, quá trình sáp nhập đã kéo theo sự quy tụ của hàng loạt tập đoàn kinh tế lớn - những cột trụ của nền sản xuất và thương mại quốc gia. Ngoài các tên tuổi nhà nước như Becamex IDC, Liên doanh Dầu khí Việt - Nga Vietsovpetro, Hóa dầu Long Sơn… thì còn là sự xuất hiện ngày càng đậm nét của khối doanh nghiệp tư nhân và vốn đầu tư nước ngoài. Cụ thể phải kể đến như Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động - “ông lớn” trong ngành bán lẻ thiết bị công nghệ đang có trụ sở đặt tại phường Phú Cường (tỉnh Bình Dương cũ, nay là phường Thủ Dầu Một, TP.HCM). Thế Giới Di Động đang sở hữu 97.000 tỷ đồng vốn hóa trên sàn chứng khoán. Hay Tân Hiệp Phát là doanh nghiệp ở ngành nước giải khát cũng có trụ sở đặt tại Bình Dương cũ (nay thuộc phường Bình Hòa, TP.HCM mới). Một loạt doanh nghiệp thuộc ngành hàng tiêu dùng nhanh, thực phẩm, đồ uống khác như Mondelez Kinh Đô, Cà phê Trung Nguyên, Sữa quốc tế LOF, Mentholatum… hay ngành gỗ và nội thất như Wanek Furniture, Gỗ An Cường, Gỗ Thuận An… cũng đã chính thức về chung một nhà với TP.HCM và có trụ sở đặt tại TP.HCM.

Trong bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam (VNR500) do Công ty CP Báo cáo Đánh giá Việt Nam công bố, TP.HCM sau sáp nhập hiện có 202 doanh nghiệp góp mặt. Đáng chú ý, trong báo cáo đến hết năm 2024 này có tới 197 doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân, dẫn đầu là những tên tuổi lớn như Thế Giới Di Động, Masan, Vinamilk… Theo Nghị quyết số 68‑NQ/TW của Bộ Chính trị, mục tiêu chiến lược là ươm tạo ít nhất 20 doanh nghiệp tư nhân lớn có khả năng tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu trước năm 2030. Trực thuộc Thành phố mới, các doanh nghiệp đầu tàu tại TP.HCM không chỉ mang lại giá trị kinh tế khổng lồ mà còn đặt nền móng cho một hệ sinh thái phát triển công nghiệp thương mại - dịch vụ hiện đại, có sức lan tỏa lớn và khả năng cạnh tranh toàn cầu.

Quy mô một số doanh nghiệp đầu tàu do TP.HCM (mới) quản lý, bao gồm cả doanh nghiệp Nhà nước và tư nhân

Quy mô một số doanh nghiệp đầu tàu do TP.HCM (mới) quản lý, bao gồm cả doanh nghiệp Nhà nước và tư nhân

Cũng cần nhìn nhận rằng, trong lực lượng doanh nghiệp niêm yết - nhóm đại diện tiêu biểu nhất cho khu vực doanh nghiệp có năng lực, TP.HCM hiện đang giữ vai trò nổi bật. Theo dữ liệu từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, đến năm 2022, các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố chiếm khoảng 32% tổng giá trị vốn hóa toàn thị trường. Khi sáp nhập với các địa phương công nghiệp trọng điểm - nơi tập trung nhiều doanh nghiệp niêm yết quy mô lớn, giới chuyên gia tại Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA) đánh giá tỷ trọng đóng góp của Thành phố mới vào thị trường vốn có khả năng gia tăng đáng kể. Dù chưa có dự báo chính thức, một số phân tích độc lập cho rằng tỷ lệ này hoàn toàn có thể tiệm cận mức 40% nếu thống kê đầy đủ các doanh nghiệp có trụ sở hoặc hoạt động chủ lực tại vùng được mở rộng.

Thiếu bóng “đại bàng”

Tuy nhiên, theo PGS-TS. Nguyễn Hữu Huân - Đại học Kinh tế TP.HCM, chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật, có nhiều doanh nghiệp quy mô lớn, với khối tài sản tầm cỡ, nhưng hiện tại chưa hề có những doanh nghiệp xứng tầm “đại bàng”.

Không phải cứ sở hữu tài sản nghìn tỷ hay quy mô hàng ngàn lao động là có thể gọi là “đại bàng”. Cần rạch ròi giữa một doanh nghiệp lớn theo nghĩa kế toán - tài chính với một đại bàng theo nghĩa chiến lược quốc gia. “Đại bàng” phải là lực lượng dẫn dắt - những doanh nghiệp không chỉ chiếm lĩnh thị phần lớn, mà còn có khả năng mở rộng thị trường mới, thiết lập chuẩn mực ngành, dẫn dắt chuỗi giá trị và lan tỏa công nghệ, quản trị ra xung quanh. Họ không phát triển đơn độc, mà kéo theo một hệ sinh thái vệ tinh gồm nhà cung ứng, đối tác, trường đại học, tổ chức R&D và cả các doanh nghiệp khởi nghiệp. Thiếu vắng những “đầu tàu” như vậy, nền kinh tế sẽ mãi vận hành theo lối chia nhỏ, manh mún, không tạo được lực kéo đủ mạnh để hội nhập sâu vào chuỗi cung toàn cầu hay giải bài toán tự chủ kinh tế.

Lý giải việc thiếu vắng đi những “đại bàng”, PGS-TS. Nguyễn Hữu Huân cho rằng, khu vực tư nhân của chúng ta còn quá non trẻ. Thực tế, phải đến khi Luật Doanh nghiệp thì kinh tế tư nhân mới thật sự được khuyến khích phát triển, và gần đây vai trò của kinh tế tư nhân mới được xem là quan trọng nhất trong nền kinh tế. So với các tập đoàn nước ngoài có lịch sử hàng trăm năm và hệ sinh thái hỗ trợ lâu đời, doanh nghiệp Việt mới chỉ có hơn 20 năm để trưởng thành - còn rất ngắn ngủi.

Về chính sách, khu vực tư nhân hiện vẫn chưa có nhiều cơ hội thực sự để tham gia vào các dự án tầm cỡ quốc gia. Dù chủ trương luôn nhấn mạnh việc khuyến khích doanh nghiệp tư nhân tham gia, nhưng trên thực tế, việc tiếp cận các dự án lớn còn nhiều rào cản. Quy trình lựa chọn nhà đầu tư tư nhân trong nhiều trường hợp vẫn thiếu minh bạch, phổ biến là tình trạng chỉ định thầu hoặc áp dụng các tiêu chí đánh giá không rõ ràng, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc cạnh tranh bình đẳng.

Bên cạnh đó, theo TS. Nguyễn Đức Kiên - nguyên Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, trừ một vài trường hợp hiếm hoi đang nỗ lực vươn ra toàn cầu, phần lớn các chính sách hỗ trợ hiện nay vẫn mang tính rời rạc, thiếu đồng bộ và chưa đủ tầm để tạo nên những ngành kinh tế mũi nhọn thực sự. Đây là điểm yếu lớn trong tư duy phát triển, khi chưa hình thành được một thị trường nội địa đủ vững chắc để nuôi dưỡng và bảo vệ các doanh nghiệp tiên phong vượt lên khỏi giới hạn nội địa.

Ngoài ra, phần lớn doanh nghiệp tư nhân lớn hiện nay vẫn xuất phát từ bất động sản - một lĩnh vực tạo lợi nhuận nhanh nhưng không bền vững. Sự thiếu vắng các trường hợp chuyển dịch thành công sang công nghiệp chế biến, công nghệ cao hay năng lượng sạch cho thấy khoảng trống nghiêm trọng trong chiến lược đa dạng hóa và chuyển dịch cơ cấu ngành nghề, điều kiện tiên quyết để trở thành “đại bàng”.

Nhưng đó mới chỉ là những thách thức về mô hình phát triển. Trên thực tế, theo chuyên gia kinh tế PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh, các doanh nghiệp còn đang phải xoay xở trong môi trường kinh doanh nhiều rào cản: hạ tầng logistics quá tải, chi phí vận chuyển cao, thủ tục hành chính phức tạp, chính sách thiếu nhất quán và môi trường pháp lý biến động khó lường. Thiếu đất công nghiệp, khan hiếm nhân lực chất lượng cao, cùng với áp lực cạnh tranh mạnh mẽ từ khối FDI càng khiến doanh nghiệp nội địa khó “cất cánh”.

Về nội tại, nhiều doanh nghiệp vẫn ít đầu tư cho R&D hoặc đầu tư chưa hiệu quả, tỷ trọng đổi mới sáng tạo để bứt phá tăng trưởng từ công nghệ còn chưa được như kỳ vọng. Với những doanh nghiệp có tiềm năng thì tâm lý “ngại lớn” cũng vẫn tồn tại, cùng sự thiếu liên kết trong nội ngành và liên ngành, đang làm giảm sức bật và khả năng tích lũy nội lực để bước ra thế giới…

ĐỂ ƯƠM TẠO THÀNH CÔNG

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng - Nguyên Giám đốc R&D Viện Nghiên cứu khoa học lãnh đạo và Quản trị doanh nghiệp:

Để “đại bàng” TP.HCM thực sự cất cánh, việc đưa ra những giải pháp mạnh mẽ và đồng bộ từ phía Chính phủ và TP.HCM là điều tối cần thiết. Trước hết, cần hoàn thiện thể chế và chính sách một cách ổn định, minh bạch và nhất quán. Cần thiết lập cơ chế cạnh tranh công bằng, minh bạch trong việc lựa chọn nhà đầu tư và đấu thầu các dự án quy mô lớn. Cần có tiêu chí rõ ràng, công khai trong đánh giá năng lực và xét chọn nhà đầu tư, tránh tình trạng “sân sau” hoặc độc quyền trá hình, tạo niềm tin cho các doanh nghiệp tư nhân lớn có năng lực thật sự được tham gia đóng góp vào các dự án quốc gia. Bài học từ việc tạo độc quyền hay chỉ tập trung vào một số “tay chơi” lớn rất dễ dẫn đến tình trạng doanh nghiệp “đại bàng” quay lại thao túng chính sách - giống mô hình “chaebol” ở Hàn Quốc trước đây, vốn gây nhiều hệ lụy xã hội.

Trong bối cảnh triển khai chính quyền địa phương hai cấp, các cơ quan nhà nước cần thực thi nghiêm minh pháp luật và đảm bảo quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp, tạo niềm tin cho nhà đầu tư, cần thiết một thiết chế về “văn hóa công sở” cũng nên trở thành “luật cứng”, chứ không chỉ là “nội quy, quy tắc văn hóa nội bộ” mỗi nơi mỗi kiểu và rất tùy tiện. Phải chuyển từ tư duy hành chính sang tư duy phục vụ cho nhóm doanh nghiệp này.

Cần có cơ chế cụ thể để các doanh nghiệp đầu đàn được tiếp cận sâu hơn với chuỗi giá trị toàn cầu, học hỏi phương pháp, tiêu chuẩn, hệ thống công nghệ từ các doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam. Nhà nước cần đóng vai trò chủ động trong việc đàm phán, thúc đẩy các điều khoản chuyển giao công nghệ trong các dự án đầu tư FDI lớn, đồng thời thiết lập cơ chế bắt buộc hoặc khuyến khích các tập đoàn đa quốc gia chia sẻ công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực và liên kết với doanh nghiệp trong nước.

Đặc biệt, cần thiết lập cơ chế công nhận và hỗ trợ các tập đoàn tư nhân đầu tàu, “dẫn dắt”, nhằm tạo điều kiện để họ có động lực hóa “đại bàng”.

Ngoài những giải pháp từ chính quyền, bản thân doanh nghiệp cũng cần chủ động và nỗ lực thực hiện những bước đi quan trọng để khẳng định vị thế của mình. Đổi mới và sáng tạo không ngừng là yếu tố then chốt và bao trùm trong toàn chuỗi kinh doanh của bất cứ doanh nghiệp nào, lĩnh vực nào, quy mô nào. Các doanh nghiệp cần đầu tư vào nghiên cứu và phát triển mạnh mẽ và chuyên nghiệp, công nghệ lõi và xây dựng thương hiệu mạnh. Việc nâng cao năng lực quản trị hiện đại rất quan trọng, doanh nghiệp cần xây dựng một hệ thống vận hành chuyên nghiệp và hiệu quả, chủ động quản trị được mọi rủi ro trong toàn chuỗi kinh doanh của mình và các đối tác liên quan.

Sẵn sàng niêm yết công khai, nâng cao trách nhiệm giải trình. Cụ thể, báo cáo tài chính phải minh bạch 100%, niêm yết công khai, có báo cáo định kỳ hàng tháng cho Chính phủ và TP.HCM. Được kiểm soát độc lập hàng tháng bởi tổ chức kiểm toán uy tín. Chỉ tiêu tài chính cứng, công khai và cập nhật liên tục 5 chỉ tiêu tài chính tối thiểu.

PGS-TS. Nguyễn Hữu Huân - Đại học Kinh tế TP.HCM:

Về dài hạn, TP.HCM - với vai trò đầu tàu kinh tế và trung tâm đổi mới sáng tạo của cả nước, cần xây dựng một hệ sinh thái công nghệ toàn diện, có khả năng nuôi dưỡng và dẫn dắt các ngành công nghiệp mũi nhọn. Không thể có “đại bàng” nếu chỉ đơn độc doanh nghiệp - dù lớn và tiềm lực đến mức nào. Học hỏi từ mô hình “Thung lũng Silicon”, Thành phố cần tạo ra một không gian nơi các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, quỹ đầu tư mạo hiểm, và trường đại học tương tác chặt chẽ, cùng hình thành một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo đúng nghĩa. Không chỉ là nơi phát triển sản phẩm, hệ sinh thái này còn phải thúc đẩy sáng chế, bảo hộ sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ và thương mại hóa các thành quả nghiên cứu.

Đặc biệt, thay vì dàn trải nguồn lực vào quá nhiều lĩnh vực, TP.HCM cần chọn lọc một số ngành chiến lược để tập trung “ươm đại bàng”, điển hình là công nghệ lượng tử và trí tuệ nhân tạo (AI). Công nghệ lượng tử hiện không còn là lĩnh vực nghiên cứu xa vời, mà đang trở thành nền tảng cốt lõi cho cuộc cạnh tranh công nghệ toàn cầu. Các quốc gia như Mỹ, Trung Quốc, Đức, Canada hay Nhật Bản đều đang đầu tư hàng chục tỷ USD vào công nghệ lượng tử, bởi tiềm năng ứng dụng của nó có thể làm thay đổi căn bản các ngành công nghiệp, từ bảo mật dữ liệu, điện toán, đo lường siêu chính xác đến y sinh, tài chính và quốc phòng. Các “đại bàng” Việt Nam được “ươm” sau, nên cần tìm lợi thế cạnh tranh từ sự khác biệt, nếu không sẽ mãi chỉ là “người theo sau”...

TS. Võ Trí Thành - Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh:

Đây chính là thời vận để hiện thực hóa giấc mơ thủ phủ “đại bàng”. Khác với trước đây - khi phần lớn trọng tâm chính sách dồn vào thu hút FDI, TP.HCM nay cần chuyển mạnh sang chính sách ươm tạo, bảo vệ và nâng cấp doanh nghiệp tư nhân Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng lớn. Để làm được điều đó, thành phố cần xác định rõ các ngành mũi nhọn, xây dựng hệ sinh thái thuận lợi cho từng nhóm doanh nghiệp, đồng thời có các công cụ thể chế đủ mạnh để bảo vệ và thúc đẩy “chim non hóa đại bàng”.

Hiện TP.HCM đã có một số doanh nghiệp nội tiềm năng, nhưng trong các lĩnh vực chiến lược như công nghiệp nền tảng hay dịch vụ cao cấp vẫn thiếu vắng những “đại bàng” thực thụ. Để đi nhanh, đi đúng, thành phố nên tập trung “ươm” doanh nghiệp lớn trong các ngành: công nghệ cao (để giảm lệ thuộc FDI và làm chủ công nghệ lõi), tài chính - ngân hàng (để phát huy vai trò trung tâm phân bổ vốn), logistics (tận dụng lợi thế vùng và vị trí trung chuyển), dịch vụ số - thương mại điện tử (nơi doanh nghiệp nội có thể cạnh tranh sòng phẳng) và tiêu dùng - bán lẻ (thế mạnh sẵn có, dễ mở rộng khu vực). Đây đều là các ngành có khả năng tạo lan tỏa lớn và định vị vị thế TP.HCM trên bản đồ kinh tế quốc tế.

Để biến các tiềm năng này thành hiện thực, TP.HCM cần thay đổi cách tiếp cận: dành quỹ đất và cơ chế ưu đãi cụ thể cho doanh nghiệp trong nước tại các khu công nghệ cao, xây dựng chương trình đồng đầu tư giữa Nhà nước - doanh nghiệp - viện nghiên cứu để chia sẻ rủi ro, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để doanh nghiệp tài chính mở rộng ra quốc tế, và đặc biệt, trao niềm tin cùng cơ hội thị trường cho doanh nghiệp nội địa có đủ năng lực. Chỉ khi đó, chiến lược nuôi dưỡng “đại bàng” nội địa mới có thể đi vào thực chất, thay vì chỉ dừng lại ở khẩu hiệu.

Hưng Khánh

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/tp-hcm-vuon-uom-tao-dai-bang-viet-nam-320468.html