TP. Hồ Chí Minh: Cần nhiều giải pháp để đạt mục tiêu tăng trưởng

Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh vừa đề xuất các nhóm nhiệm vụ giải pháp trọng tâm, đột phá thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thành phố để đạt mục tiêu tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm 2024 và thời gian tới.

Mục tiêu của TP. Hồ Chí Minh 6 tháng cuối năm 2024 là giữ vững mục tiêu tăng trưởng cả năm 2024. Theo đó, tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (GRDP) tăng 7,5 - 8% so với năm 2023; phấn đấu chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2024 tăng 6,5%, trong đó 4 ngành công nghiệp trọng điểm tiếp tục là động lực tăng trưởng với mức tăng cao hơn mức tăng chung của toàn ngành.

Ngành công thương TP. Hồ Chí Minh đề xuất nhiều giải pháp thành phố cần thực hiện để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024 và thời gian tới

Ngành công thương TP. Hồ Chí Minh đề xuất nhiều giải pháp thành phố cần thực hiện để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024 và thời gian tới

Đối với khu vực dịch vụ, thành phố dự kiến duy trì tỷ trọng ở mức trên 62% GRDP; trong đó phát huy các ngành động lực như du lịch, thương mại, logistics thông qua các chương trình kích cầu mang tính cộng hưởng giữa thương mại và du lịch, các giải pháp kéo giảm chi phí vận tải, kho bãi. Đồng thời, TP. Hồ Chí Minh phấn đấu kim ngạch xuất khẩu qua cửa khẩu thành phố tăng 10% so với năm 2023.

Để đạt mục tiêu trên, lãnh đạo Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cho rằng thành phố cần đẩy nhanh tiến độ triển khai các cơ chế đặc thù, đột phá của thành phố theo Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh và Nghị định số 84/2024/NĐ-CP ngày 10/7/2024 của Chính phủ về thí điểm phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực cho chính quyền TP. Hồ Chí Minh.

Thành phố cần khẩn trương thực hiện công tác giải ngân các dự án kích cầu đầu tư; trong đó, khẩn trương xử lý các dự án đã được UBND thành phố phê duyệt tham gia Chương trình kích cầu đầu tư của thành phố chưa được bố trí kinh phí hỗ trợ lãi vay (theo Quyết định số 50/2015/QĐUBND, Nghị quyết số 16/2018/NQHĐND) và các phương án đã được cấp thẩm quyền phê duyệt hỗ trợ lãi vay (theo Nghị quyết số 10/2017/NQ-HĐND, Nghị quyết số 06/2021/NQ HĐND.

Đồng thời, thành phố phải triển khai các giải pháp khuyến khích hỗ trợ sản xuất đối với 3 ngành cơ khí - tự động hóa, ngành cao su - nhựa, ngành chế biến lương thực thực phẩm. Trong đó, tập trung tổ chức các hoạt động xúc tiến, tìm kiếm thị trường cho doanh nghiệp; tổ chức kết nối doanh nghiệp - ngân hàng để giải quyết về vốn đầu tư; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các chương trình hỗ trợ lãi vay theo Nghị quyết ban hành quy định về chính sách hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư được Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước cho vay thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố; tập trung tháo gỡ khó khăn về quỹ đất công nghiệp nhất là thủ tục pháp lý của các khu/cụm công nghiệp đã đầy đủ cơ sở hạ tầng có thể đưa vào khai thác sử dụng…

Lãnh đạo Sở Công Thương cũng đề xuất thành phố triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu, tìm kiếm các đơn hàng mới thông qua phát huy hiệu quả từ các hoạt động xúc tiến thương mại trực tiếp và phương thức thương mại điện tử để phát triển thị trường, xuất khẩu xuyên biên giới; Hội chợ hàng Việt Nam tiêu biểu xuất khẩu hàng năm; phát huy hiệu quả của các tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài tại thành phố.

Lãnh đạo ngành công thương TP. Hồ Chí Minh cũng kiến nghị thành phố khẩn trương tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về đầu tư hạ tầng logistics; trong đó, tập trung giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án đầu tư các trung tâm logistics trên địa bàn để đảm bảo mục tiêu khởi công ít nhất 1 trung tâm logistics tại TP. Hồ Chí Minh trước ngày 30/4/2025.

Ngọc Hậu

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/tp-ho-chi-minh-can-nhieu-giai-phap-de-dat-muc-tieu-tang-truong-153639.html