TP Hồ Chí Minh: Hết lo khan hàng, tăng giá

Ngày 21/7, sau những ngày thị trường tiêu dùng TP HCM thiếu hụt nguồn cung rau củ quả, thịt, cá, trứng,… hàng hóa tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ truyền thống đã dồi dào hơn trước. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cung ứng cũng tăng cường sản xuất đáp ứng nhu cầu người dân.

Hàng hóa đầy các quầy kệ tại một số hệ thống siêu thị.

Hàng hóa đầy các quầy kệ tại một số hệ thống siêu thị.

Tăng lượng hàng tiêu thụ và dự trữ

Ngày 21/7, theo báo cáo của Tổ Công tác đặc biệt Bộ Công thương, lượng cung ứng hàng hóa thiết yếu cho TP HCM đã dần ổn định. Lượng khách mua sắm tại chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi giảm so với các ngày trước đó. Sức mua tại các chợ giảm nhẹ 5% - 10%, trong khi tại hệ thống siêu thị giảm 15% so với những ngày trước đó.

Trong khi đó, ghi nhận của phóng viên, sau khi TP HCM áp dụng hàng loạt giải pháp như tạo “luồng xanh” cho hàng hóa lưu thông, mở cửa một số chợ truyền thống,…thị trường hàng hóa đã dần ổn định. Tại siêu thị Co.opmart, Satrafood, Vinmart, Bách Hóa Xanh,… không còn cảnh người dân xếp hàng dài chờ đến lượt mua hàng.

Liên quan đến việc điều tiết lượng hàng hóa cung ứng cho thị trường, Tổ công tác đặc biệt của Bộ Công thương thông tin, lượng cung ứng hàng hóa thiết yếu cho TP HCM đã dần ổn định cùng 5.000 xe được cấp giấy thông hành sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp, đơn vị phân phối vận chuyển.

“Giờ đi siêu thị đã dễ thở hơn nhiều. Hết cảnh nhích từng chút chờ đến lượt mua hàng nhưng quy định về khoảng cách an toàn vẫn được các siêu thị thực hiện tốt. Hàng hóa dồi dào hơn hẳn những ngày trước”, bà Nguyễn Hoàng Kim (khu phố Tam Đa, phường Long Trường, thành phố Thủ Đức) chia sẻ.

Trên quầy kệ của các cửa hàng tiện lợi khoai lang, cà chua, bắp cải, bông cải,… được sắp xếp đầy ắp. Mặt hàng thực phẩm tươi sống cũng phong phú và đa dạng. Đặc biệt, giá cả các mặt hàng khá mềm và ổn định.

Còn tại chợ An Đông (quận 5), bà Dương Hòa Thương Hợp, tiểu thương cho hay, mặc dù dịch bệnh nhưng mặt hàng cua đồng, cua thịt, cua xay… không hề khan hiếm. Giá các mặt hàng này cũng không tăng so với 2 tuần trước đó, bằng với thời điểm trước khi đợt dịch thứ 4 bùng phát.

Ông Nguyễn Anh Đức – Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho biết, hàng hóa luôn được bổ sung lên quầy kệ vì tần suất cung ứng 2 – 3 lần/ngày. Người dân không còn lo thiếu hàng. Cũng theo ông Đức, giá cả các mặt hàng được niêm yết rõ ràng và bình ổn theo chương trình bình ổn giá của thành phố.

Về phía cửa hàng tiện lợi, ông Trần Kinh Doanh, Tổng Giám đốc Bách Hóa Xanh cho biết, bình thường mỗi ngày đơn vị cung cấp 500 – 600 tấn rau cho toàn hệ thống. Tuy nhiên, những ngày gần đây Bách Hóa Xanh đã nâng lên hơn 2.000 – 2.500 tấn và nỗ lực đẩy sản lượng này lên 3.000 tấn mỗi ngày nhằm đáp ứng đủ nhu cầu của người dân thành phố.

Hệ thống siêu thị Vinmart và Vinmart+ với khoảng 1.000 cửa hàng tiện ích và siêu thị đáp ứng 100-120 tấn thịt/ngày, 270-300 tấn rau củ/ngày, 50-70 tấn trái cây/ngày, 80-100 tấn thủy hải sản/ngày. Hệ thống này cũng đang dự trữ lượng hàng hóa tăng 300% so với bình thường.

Doanh nghiệp tăng năng suất hàng tiêu dùng

Không chỉ chợ truyền thống, siêu thị, cửa hàng tiện lợi chuẩn bị nguồn hàng dồi dào, các doanh nghiệp sản xuất cũng thúc đẩy năng suất sản xuất hàng hóa. “Do chủ động sản xuất từ trước nên doanh nghiệp đã tăng mạnh lượng hàng lên quầy kệ”, ông Trương Chí Thiện, Giám đốc Công ty Vĩnh Thành Đạt cho biết. Theo ông Thiện, đơn vị đã tăng lượng giết mổ gia súc gấp đôi bình thường, khoảng 1.200 – 1.300 con/ngày.

Tương tự, Công ty Cổ phần Ba Huân cam kết cung ứng đầy đủ hàng hóa cho thị trường, đồng thời tăng độ phủ hàng hóa trên diện rộng. Mặt hàng thực phẩm chế biến từ gia cầm đảm bảo cung ứng và giữ ổn định giá cả trong 3 tháng tới.

Theo Sở Công thương TP HCM, Sở đã kết nối doanh nghiệp sản xuất với hệ thống phân phối và đơn vị vận chuyển cùng tham gia vào chuỗi cung ứng hàng hóa giúp người dân tiếp cận hàng hóa dễ dàng hơn. Hơn 3.000 điểm bán hàng bình ổn tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi cùng nhiều điểm bán hàng lưu động được phân bố rộng khắp các quận – huyện và thành phố Thủ Đức.

Đại điện Sở Công thương thành phố cho rằng, nhu cầu thực tế của người dân thành phố chỉ khoảng 5.000 – 6.000 tấn/ngày nhưng một số đơn vị đã dự trữ gấp 3 lần so với điều kiện tiêu thụ bình thường.

Ngày 21/7, khảo sát một số chợ truyền thống trên địa bàn TP HCM, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương khẳng định, Bộ tích cực phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Giao thông Vận tải cùng chính quyền 19 tỉnh – thành đang thực hiện Chỉ thị 16 tạo mọi điều kiện tốt nhất, sớm nhất để vận chuyển hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cho người dân.

Thanh Giang

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tp-ho-chi-minh-het-lo-khan-hang-tang-gia-5658608.html