TP Hồ Chí Minh: Hướng tới đô thị 'xanh' bền vững

Mạng lưới giao thông hiện đại, giao thông xanh (phương tiện sử dụng điện, khí sạch) giúp cho môi trường sống của người dân TP Hồ Chí Minh xanh sạch, ít khí thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường một cách bền vững.

Tuyến metro số 1, phương tiện xanh tiêu biểu của TP Hồ Chí Minh. (ảnh: Ban quản lý đường sắt đô thị).

Tuyến metro số 1, phương tiện xanh tiêu biểu của TP Hồ Chí Minh. (ảnh: Ban quản lý đường sắt đô thị).

50 năm qua kể từ ngày đất nước hoàn toàn được giải phóng, không gian đô thị TP Hồ Chí Minh đã có những bước phát triển nhảy vọt, là trung tâm kinh tế chính trị văn hóa mang tầm khu vực. Trong lĩnh vực giao thông, sau thời gian bùng nổ các phương tiện giao thông chừng hơn 20 năm trước, hiện TP Hồ Chí Minh đang hướng tới mục tiêu phát triển giao thông xanh bền vững gắn với môi trường sống xanh sạch. Mục tiêu cụ thể là giảm lượng khí thải từ các phương tiện ô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch (xăng, dầu) thay thế bằng phương tiện điện, khí sạch để tạo môi trường xanh sạch là mục tiêu hàng đầu của ngành giao thông TP Hồ Chí Minh. Trong đó, trọng tâm là mạng lưới giao thông công cộng với mục tiêu trong 5 năm tới (năm 2030), toàn bộ 100% các phương tiện công cộng ở TP Hồ Chí Minh là phương tiện xanh. Song song với đó, thành phố cũng lên kế hoạch thí điểm theo lộ trình để toàn bộ người dân ở huyện Cần Giờ sử dụng phương tiện giao thông xanh. Sau nhiều thời gian nỗ lực, năm 2025 có thể coi là bước ngoặt với mạng lưới giao thông xanh ở TP Hồ Chí Minh bởi cột mốc đưa vào sử dụng tuyến đường sắt đô thị (metro) số 1 Bến Thành-Suối Tiên. Thống kê, chỉ sau gần ba tháng đưa vào khai thác thương mại, tuyến metro số 1 đã vận chuyển hơn 5 triệu lượt hành khách. Trong đó một số ngày cuối tuần, lễ tết lượng hành khách đi metro vượt ngưỡng 200.000 hành khách. Đặc biệt, metro số 1 không chỉ là phương tiện giao thông công cộng xanh mà còn giúp thay đổi đời sống người dân thành phố mang tên Bác. Nổi bật trong đó là hình thành các đô thị nén xung quanh tuyến metro số 1 để cải thiện môi trường sống cũng như là động lực để thành phố thực hiện các tuyến metro tiếp theo.

Rất đông hành khách sử dụng tuyến metro số 1. (ảnh Đ.Xá).

Rất đông hành khách sử dụng tuyến metro số 1. (ảnh Đ.Xá).

TP Hồ Chí Minh đã xác định metro là "xương sống" của mạng lưới giao thông xanh hiện tại và ít năm tới. Tuy nhiên, song song với việc phát triển metro, thành phố cũng đẩy nhanh tiến độ thay thế các phương tiện công cộng sử dụng nhiên liệu đốt hóa thạch. Nổi bật trong số đó là thay thế các xe buýt chạy xăng dầu bằng phương tiện xe điện, xe chạy bằng khí sạch CNG. Hiện nay, ngoài hàng chục tuyến xe buýt chạy bằng khí CNG, TP Hồ Chí Minh đã đưa vào sử dụng gần 20 tuyến xe buýt điện. Trong đó có tuyến xe buýt điện D4 và 17 tuyến xe buýt điện được đưa vào khai thác cuối năm 2024, cùng thời điểm với khai thác tuyến metro số 1. Các phương tiện xe buýt điện không chỉ giúp đẩy nhanh lộ trình giao thông xanh mà còn mang tới nhiều tiện ích cho người dân sử dụng các phương tiện công cộng. Dự kiến trong ít thời gian tới, một loạt tuyến xe buýt điện khác có thể được đưa vào khai thác để giúp người dân có thêm lựa chọn. Thực tế, phương tiện chạy bằng khí CNG và điện có chi phí cao hơn đáng kể so với phương tiện chạy bằng xăng dầu. Vì vậy, TP Hồ Chí Minh đã thực hiện nhiều biện pháp như trợ giá, hỗ trợ lãi vay ngân hàng để chủ phương tiện chuyển đổi xe... nhằm giúp tăng số lượng phương tiện xe điện. Ngoài ra, thành phố đang dần dần mở rộng mạng lưới trạm sạc, bến bãi để giúp các phương tiện xe điện hoạt động ngày một thuận lợi hơn.

Xe buýt chạy bằng nhiên liệu khí sạch CNG được người dân ưa chuộng. (ảnh Đ.Xá).

Xe buýt chạy bằng nhiên liệu khí sạch CNG được người dân ưa chuộng. (ảnh Đ.Xá).

Quá trình phát triển mạng lưới giao thông công cộng xanh, TP Hồ Chí Minh cũng dự kiến thực hiện thí điểm thay thế phương tiện cá nhân (ô tô, xe máy) từ xăng dầu sang điện. Trong đó dự kiến sẽ chọn huyện Cần Giờ để thực hiện mô hình chuyển đổi này. Thống kê cho thấy TP Hồ Chí Minh có dân số khoảng 10 triệu người và số lượng phương tiện giao thông cá nhân là rất lớn (gồm người dân ở tỉnh lân cận nhưng thường xuyên di chuyển tới TP Hồ Chí Minh). Cộng thêm việc ùn tắc, kẹt xe khiến các phương tiện này phát thải lượng chất thải vô cùng lớn. Việc dần dần thay thế để tạo môi trường sống xanh sạch là hướng đi tất yếu của ngành giao thông TP Hồ Chí Minh. Trong đó, kinh phí dự kiến thay thế các phương tiện từ xăng dầu sang điện ở huyện Cần Giờ là khoảng gần 1.000 tỷ đồng.

Tiến sĩ Phan Thụy Kiều (Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh) cho rằng việc triển khai các chính sách hỗ trợ, khuyến khích chuyển đổi phương tiện giao thông và kiểm soát khí thải phương tiện tại TP Hồ Chí Minh cần được triển khai cho từng nhóm đối tượng, từng khu vực cụ thể trước khi áp dụng trên toàn địa bàn thành phố. Theo đó, Cần Giờ sẽ là địa phương đầu tiên thực hiện thí điểm các chính sách.

Xe buýt điện đang dần thay thế xe buýt chạy xăng dầu ở TP Hồ Chí Minh. (ảnh Đ.Xá).

Xe buýt điện đang dần thay thế xe buýt chạy xăng dầu ở TP Hồ Chí Minh. (ảnh Đ.Xá).

Cụ thể hơn, trong giai đoạn 2024 - 2025, sẽ hỗ trợ 100% kinh phí khi chuyển đổi phương tiện giao thông cho các hộ nghèo; hộ cận nghèo được hỗ trợ 80% kinh phí. Đối với cá nhân, hộ gia đình khác, hỗ trợ 100% lệ phí trước bạ, lệ phí đăng ký, cấp biển số đối với xe máy điện; Duy trì lãi suất vay ưu đãi khi mua xe máy điện giảm xuống còn 4%/năm đối với cá nhân, hộ gia đình mua xe máy điện trả góp trong suốt thời gian vay. Trong giai đoạn 2026 - 2027: Phấn đấu mỗi hộ gia đình chuyển đổi ít nhất một phương tiện giao thông. Trong đó, hỗ trợ lệ phí trước bạ và lãi suất cho vay cố định cho tất cả cá nhân, hộ gia đình duy trì như giai đoạn 2024 - 2025. Từ 2028 - 2030: Thành phố sẽ khuyến khích các cá nhân, hộ gia đình còn lại chuyển đổi phương tiện giao thông hoặc mua xe máy điện mới thông qua việc hỗ trợ lệ phí trước bạ và lãi suất cho vay cố định như trên. Ước tính, tổng kinh phí thực hiện chuyển đổi phương tiện giao thông từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch tại huyện Cần Giờ là khoảng 974,4 tỉ đồng. Trong đó, vốn ngân sách đảm nhiệm khoảng 384,1 tỉ đồng; vốn từ doanh nghiệp, xã hội hóa khoảng 590,4 tỉ đồng.

TP Hồ Chí Minh dự kiến hỗ trợ người dân ở Cần Giờ chuyển sang phương tiện điện. (ảnh H.M).

TP Hồ Chí Minh dự kiến hỗ trợ người dân ở Cần Giờ chuyển sang phương tiện điện. (ảnh H.M).

Có thể nói, sau 50 năm thống nhất đất nước, giao thông ở TP Hồ Chí Minh ngoài những thay đổi lớn về hạ tầng cầu đường thì phương tiện giao thông cũng đang được thay đổi mạnh mẽ. Trong đó, bước ngoặt chính là năm 2025 với mạng lưới giao thông công cộng xanh là chủ đạo và mục tiêu thí điểm những địa phương nhỏ hơn để tiến tới thay thế bằng phương tiện điện hiện đại.

Đoàn Xá

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/tp-ho-chi-minh-huong-toi-do-thi-xanh-ben-vung-10303667.html