TP Hồ Chí Minh: quyết liệt chuyển đổi số, tăng tốc phát triển hạ tầng
Sau 10 ngày vận hành mô hình chính quyền hai cấp tại 36 xã, phường khu vực tỉnh Bình Dương cũ, TP Hồ Chí Minh đang bước vào giai đoạn tăng tốc cải cách hành chính, hoàn thiện bộ máy, siết chặt kỷ cương công vụ và mở rộng chuyển đổi số. Bên cạnh đó, việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ và chủ động đầu tư hạ tầng cũng đang được thành phố đặt ở vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển giai đoạn mới.
Đoàn lãnh đạo TP Hồ Chí Minh vừa có chuyến khảo sát, làm việc với 36 xã, phường thuộc tỉnh Bình Dương cũ. Chuyến công tác do Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Được chủ trì, cùng với sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt từng công tác tại tỉnh Bình Dương, nay giữ vai trò quan trọng trong bộ máy TP Hồ Chí Minh. Đó là Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh Võ Văn Minh - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương; Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Lộc Hà - nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương và Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Bùi Minh Thạnh - nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương.
Sự hiện diện của các lãnh đạo này vừa mang tính kế thừa, vừa thể hiện cam kết chính trị mạnh mẽ trong quá trình hợp nhất, vận hành thống nhất và phát triển bền vững địa bàn rộng lớn mới.

Đoàn lãnh đạo TP Hồ Chí Minh làm việc với 36 xã, phường thuộc Bình Dương cũ.
Chuyển đổi số: mệnh lệnh hành động trong giai đoạn mới
Theo báo cáo, từ ngày 1-4/7, các trung tâm phục vụ hành chính công của 36 xã, phường mới đã tiếp nhận gần 18.000 hồ sơ, xử lý hành chính cơ bản thông suốt, không xảy ra tồn đọng lớn. Việc từng bước số hóa quy trình và ứng dụng phần mềm hành chính điện tử đã giúp rút ngắn thời gian xử lý, tạo sự hài lòng bước đầu cho người dân.
Tuy vậy, quá trình vận hành vẫn tồn tại không ít hạn chế. Hạ tầng công nghệ ở một số phường xã chưa hoàn chỉnh; mã số thuế, chữ ký số, định danh điện tử chưa cập nhật kịp thời; hệ thống dữ liệu đất đai - hộ tịch chưa được liên thông với cổng dịch vụ công quốc gia, khiến một số thủ tục bị xử lý chậm.
Một số địa phương vốn là trung tâm huyện, thị trước đây có trụ sở hành chính khang trang, nhưng nhiều phường xã khác lại gặp khó khăn về cơ sở vật chất, cần được đầu tư, nâng cấp sớm.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Được nhấn mạnh yêu cầu “quản trị thành phố mở rộng phải bằng tư duy hiện đại, không thể dùng cách cũ để điều hành địa bàn mới”. Chủ tịch UBND TP chỉ đạo các cấp chính quyền nhanh chóng hoàn thiện quy chế phân công, công khai thủ tục hành chính theo hướng “phi địa giới” - người dân được giải quyết hồ sơ ở bất kỳ điểm nào thuận tiện trong toàn hệ thống TP.
“Chúng ta phải toàn tâm toàn lực, đoàn kết và làm hết việc chứ không chỉ làm hết giờ. Trong nguy có cơ, công nghệ sẽ giúp chúng ta quản trị hiệu quả hơn nếu biết tận dụng đúng hướng”- ông Nguyễn Văn Được nói.
Để hỗ trợ quá trình này, TP sẽ bố trí ngân sách đầu tư đồng bộ cho các trung tâm hành chính công, trang bị hạ tầng kỹ thuật, đường truyền và phần mềm thống nhất, đảm bảo khả năng tiếp nhận hồ sơ lớn và xử lý liên thông.

Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Được phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc.
Một vấn đề nổi bật khác là tâm tư, nguyện vọng của đội ngũ cán bộ công chức sau khi sáp nhập. Hiện mới có 8/14 sở ngành hoàn tất chuyển giao nhân sự từ tỉnh Bình Dương cũ. Nhiều cán bộ chia sẻ khó khăn do phải di chuyển xa, chưa có nơi ở ổn định, đặc biệt với những người trong độ tuổi 35-45 đang chăm con nhỏ, phụng dưỡng cha mẹ.
Chính quyền TP cho biết sẽ xem xét mở thêm đợt đăng ký nguyện vọng điều động công tác phù hợp, đảm bảo quyền lợi và ổn định tinh thần cho đội ngũ. Cùng với đó, Chủ tịch UBND TP yêu cầu các đơn vị tổ chức tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn để cán bộ cơ sở nắm chắc quy trình, tránh tình trạng “lúng túng” khi giải quyết thủ tục cho người dân.
Kinh tế - hạ tầng: những con số biết nói và tầm nhìn dài hạn
Trong bối cảnh tái cơ cấu địa giới, khu vực Bình Dương cũ đang đóng góp mạnh mẽ vào bức tranh kinh tế TP Hồ Chí Minh mở rộng. GRDP 6 tháng đầu năm 2025 tăng 8,3%; thu ngân sách đạt 45.000 tỷ đồng (tăng 26%); kim ngạch xuất khẩu đạt 18,4 tỷ USD, xuất siêu 5,4 tỷ USD. Tỷ lệ lấp đầy 29 khu công nghiệp và 10 cụm công nghiệp đạt hơn 85%.
Hạ tầng giao thông chiến lược đang được tăng tốc triển khai: Vành đai 3, Vành đai 4, cao tốc TP Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành… Đặc biệt, Bình Dương cũ đang giữ vai trò chủ đầu tư trực tiếp các dự án lớn theo hình thức PPP - thể hiện năng lực tự chủ và chủ động trong định hình phát triển vùng.
Không chỉ vậy, các tuyến đường sắt đô thị kết nối liên vùng như Metro số 1 (mở rộng đến Thành phố mới Bình Dương), Metro số 2, tuyến Dĩ An - Bàu Bàng cũng đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư. Việc kết nối mạnh mẽ về giao thông sẽ là đòn bẩy lớn để thu hút dòng vốn, kích hoạt chuỗi đô thị - công nghiệp thông minh xuyên vùng.
Với tinh thần hành động quyết liệt, lấy chuyển đổi số làm đòn bẩy, ổn định đội ngũ làm nền tảng và đầu tư hạ tầng làm lực kéo, TP Hồ Chí Minh đang từng bước khẳng định năng lực quản trị trên địa bàn mở rộng. Quá trình sáp nhập không chỉ là sự hợp nhất địa giới mà còn là bước ngoặt chiến lược để TP kiến tạo một mô hình phát triển hiện đại, hiệu quả và bền vững hơn trong tương lai.