TP. Hồ Chí Minh sau hợp nhất: Khai phóng không gian du lịch năng động, đa trung tâm và bền vững
Sau khi hợp nhất với hai tỉnh Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh không chỉ mở rộng về diện tích và dân số, mà còn hình thành một không gian kinh tế - du lịch đặc biệt, hội tụ đầy đủ các yếu tố: đô thị hiện đại, công nghiệp tiên tiến, biển đảo nghỉ dưỡng và văn hóa truyền thống. Đây là tiền đề quan trọng để kiến tạo một trung tâm du lịch năng động, đa trung tâm và phát triển bền vững trong khu vực.

TP. Hồ Chí Minh là thị trường du lịch nội tỉnh lớn nhất cả nước. Ảnh: Bình Minh
Theo Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh, trong địa giới hành chính mở rộng, thành phố hiện sở hữu 681 tài nguyên có tiềm năng phát triển thành các điểm đến du lịch. Các tài nguyên này phân bố đa dạng theo vùng và tính chất, bao gồm không gian đô thị, làng nghề, khu công nghiệp, sông nước và biển đảo.
Không gian đô thị nổi bật với hệ thống di sản kiến trúc, bảo tàng hiện đại, chợ truyền thống, ẩm thực đường phố, không gian sáng tạo và lễ hội – phù hợp phát triển các tour MICE, city tour, du lịch văn hóa và sản phẩm du lịch đêm. Không gian công nghiệp, làng nghề và ven sông lại là vùng tiềm năng cho loại hình du lịch công nghiệp, trải nghiệm sản xuất. Trong khi đó, không gian biển đảo – với hệ thống resort ven biển, sân golf, khu bảo tồn thiên nhiên và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe – là nền tảng lý tưởng để phát triển các sản phẩm nghỉ dưỡng cao cấp.
Với dân số hơn 14 triệu người, TP. Hồ Chí Minh mới trở thành thị trường du lịch nội tỉnh lớn nhất cả nước, không chỉ về quy mô mà còn về mức độ đa dạng trong nhu cầu. Người lao động trẻ có xu hướng lựa chọn các sản phẩm du lịch ngắn ngày, nghỉ dưỡng cuối tuần và giải trí về đêm. Các gia đình trẻ ưa chuộng trải nghiệm gắn với thiên nhiên, giáo dục kỹ năng sống, tham quan làng nghề, trang trại và bảo tàng. Nhóm trung niên và cao tuổi quan tâm đến du lịch văn hóa, nghỉ dưỡng ven biển và du lịch sức khỏe. Ngoài ra, nhu cầu đến từ các tổ chức, doanh nghiệp, trường học đối với loại hình hội thảo, triển lãm, du lịch chuyên đề cũng góp phần duy trì nguồn khách ổn định, có sức mua lớn và ít biến động theo mùa – một lợi thế không phải điểm đến nào cũng có được.
Thành phố đang sở hữu lợi thế hạ tầng vượt trội với mạng lưới giao thông liên kết đồng bộ. Việc đưa vào vận hành sân bay quốc tế Long Thành sẽ rút ngắn đáng kể thời gian di chuyển từ quốc tế đến trung tâm thành phố và các vùng nghỉ dưỡng ven biển – chỉ còn khoảng 30 đến 45 phút.
Các tuyến cao tốc liên vùng như TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây, Bến Lức – Long Thành, TP. Hồ Chí Minh – Chơn Thành đang phát huy vai trò kết nối giữa các trung tâm đô thị, công nghiệp và vùng ven biển, tạo thành trục hành lang phát triển du lịch theo các cung đường chuyên đề.
Song song đó, hệ thống cảng biển, logistics và giao thông đường thủy nội địa, cùng các tuyến sông lớn như sông Sài Gòn, sông Nhà Bè, đang mở ra không gian rộng lớn để phát triển du lịch đường sông – một sản phẩm có tiềm năng nhưng chưa được khai thác xứng tầm trong những năm qua.
Về lưu trú và dịch vụ, TP. Hồ Chí Minh hiện có gần 93.000 phòng từ khách sạn cao cấp, resort sinh thái đến homestay, đáp ứng được nhu cầu đón tiếp đồng thời cả khách nội địa quy mô lớn và khách quốc tế cao cấp. Cùng với đó là hệ thống trung tâm mua sắm, sân golf, bệnh viện quốc tế và khu giải trí phong phú, góp phần hoàn thiện trải nghiệm du lịch đa tầng cho mọi phân khúc khách hàng.

Du khách tham quan chợ trái cây tại TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Sở Du lịch TPHCM
Ngành du lịch TP. Hồ Chí Minh đang triển khai tái cấu trúc sản phẩm theo hướng đặc trưng, cá nhân hóa và liên kết liên vùng. Nổi bật là tuyến trải nghiệm “Từ phố theo sông ra biển” – kết nối liên tục giữa đô thị trung tâm, không gian sinh thái ven sông và vùng nghỉ dưỡng biển. Bên cạnh đó là chuỗi sản phẩm “Văn hóa biển” – định vị lại các điểm đến ven biển qua lăng kính di sản, tín ngưỡng và môi trường sinh thái bản địa.
Các sản phẩm chuyên đề như ẩm thực, du lịch đêm, làng nghề truyền thống cũng đang được phát triển mạnh mẽ nhằm đa dạng hóa và cá nhân hóa trải nghiệm du khách.
Cùng với sản phẩm, các sự kiện du lịch chủ lực cũng được nâng tầm quy mô và chất lượng. Hội chợ Du lịch Quốc tế TP. Hồ Chí Minh (ITE HCMC) tiếp tục là điểm kết nối thị trường quốc tế và khu vực. Tuần lễ Du lịch TP. Hồ Chí Minh được mở rộng ra toàn vùng hợp nhất, lồng ghép với các sản phẩm mới và điểm đến mới. Các lễ hội mang bản sắc riêng như Lễ hội Sông nước TP. Hồ Chí Minh, Giải Marathon quốc tế, các chuỗi lễ hội văn hóa – sáng tạo… đang góp phần tái định vị hình ảnh thành phố là điểm đến năng động, hiện đại và đậm đà bản sắc.
TP. Hồ Chí Minh trong cấu trúc hành chính mới đang đứng trước thời cơ vàng để chuyển mình trở thành trung tâm du lịch đa trung tâm, tích hợp và bền vững bậc nhất khu vực. Việc dịch chuyển từ mô hình phát triển đơn lẻ sang tích hợp – liên vùng không chỉ giúp tối ưu hóa tài nguyên, mà còn mở ra không gian tăng trưởng mới cho toàn ngành du lịch.
Với tài nguyên phong phú, thị trường nội tỉnh sôi động, hạ tầng giao thông hoàn chỉnh và định hướng sản phẩm rõ ràng, TP. Hồ Chí Minh đã và đang trên hành trình vươn tầm khu vực – trở thành điểm đến lý tưởng cho du khách trong nước và quốc tế, nơi hội tụ của các giá trị hiện đại và truyền thống, của sự năng động và chiều sâu bản sắc văn hóa.