TP Hồ Chí Minh sẽ có 183km đường sắt đô thị vào năm 2035

Việc phát triển hệ thống đường sắt đô thị tại TP Hồ Chí Minh nhằm hiện thực hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị. Phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông của khu vực Đông Nam Bộ và quy hoạch TP.

Đại biểu đề nghị xem xét nhiều nội dung trong Đề án

Ngày 16/7, kỳ họp thứ 17 HĐND TP Hồ Chí Minh khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, bước sang ngày làm việc thứ hai với nội dung chất vấn trực tiếp và thảo luận tại hội trường.

Đại biểu tại kỳ họp thứ 17 HĐND TP Hồ Chí Minh khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026. Ảnh: Tân Tiến.

Đại biểu tại kỳ họp thứ 17 HĐND TP Hồ Chí Minh khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026. Ảnh: Tân Tiến.

Tại kỳ họp này, đại biểu đã thảo luận nhiều vấn đề, trong đó có tờ trình số 3583/TTr-UBND ngày 27/6/2024 của UBND TP Hồ Chí Minh về ban hành Nghị quyết về “Đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh theo Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/2/2023 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (Đề án).

Đại biểu thống nhất chủ trương và nội dung Đề án. Trên cơ sở ý kiến thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP, đề xuất thêm nội dung: xem xét điều chỉnh nội dung cơ chế 17 theo hướng cho phép chủ đầu tư được chỉ định thầu đơn vị tư vấn trong nước liên danh với tư vấn quốc tế trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư và giai đoạn thực hiện dự án đường sắt đô thị (ĐSĐT) và nhà thầu trong nước là nhà thầu chính trong liên danh.

Tuyến ĐSĐT số 1 tại TP Hồ Chí Minh dự kiến vận hành thương mại vào cuối năm 2024. Ảnh: JICA.

Tuyến ĐSĐT số 1 tại TP Hồ Chí Minh dự kiến vận hành thương mại vào cuối năm 2024. Ảnh: JICA.

Đối với cơ chế 18, cho phép chủ đầu tư được bổ sung tiêu chí, nguyên tắc ràng buộc đối với nhà thầu nước ngoài về tỷ lệ sử dụng hàng hóa và dịch vụ trong nước, việc liên doanh, liên kết và chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp trong nước đối với hồ sơ mời thầu và mẫu hợp đồng EPC. Được bổ sung các điều kiện về cam kết sử dụng hàng hóa, dịch vụ trong nước với tỷ lệ không thấp hơn 15% giá trị công việc của gói thầu; về ràng buộc về chuyển giao công nghệ, đào tạo vận hành, bảo trì, đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ xây dựng các quy chuẩn, tiêu chuẩn; ưu tiên các nhà thầu có khả năng thu xếp nguồn vốn vay đầu tư hạ tầng với chi phí vốn vay ưu đãi (kèm theo cam kết của Chính phủ cho vay).

Đại biểu cũng đề nghị làm rõ: khái niệm gói thầu EPC và hợp đồng EPC; nghiên cứu, bổ sung quy định với các loại hợp đồng khác như PPP, chìa khóa trao tay…; mức tối thiểu tỷ lệ sử dụng hàng hóa trong nước; đề xuất cụ thể phương thức chuyển giao công nghệ áp dụng cho tất cả các giai đoạn từ khảo sát, thiết kế, thi công, chế tạo và vận hành… để tránh rủi ro, thiệt hại cho chủ đầu tư.

 Kiều bào đi tàu trên tuyến ĐSĐT số 1 vào dịp trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn. Ảnh: Tân Tiến.

Kiều bào đi tàu trên tuyến ĐSĐT số 1 vào dịp trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn. Ảnh: Tân Tiến.

Về cơ chế 19, đại biểu đề nghị xem xét, làm rõ cơ chế này: xác định rõ khoảng thời gian thực hiện dự án bị kéo dài; trường hợp điều chỉnh thiết kế có phải thực hiện thủ tục điều chỉnh dự án hay không, xem xét việc phải điều chỉnh chủ trương dự án…

Phát triển đường sắt đô thị nhằm phát triển kinh tế bền vững

Theo Đề án, khi đầu tư ĐSĐT tại TP Hồ Chí Minh, ngoài việc hiện thực hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị và các quy hoạch liên quan đến hệ thống ĐSĐT của TP còn phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông của khu vực Đông Nam Bộ và quy hoạch TP Hồ Chí Minh.

Bên trong tuyến ĐSĐT số 1. Ảnh: Tân Tiến.

Bên trong tuyến ĐSĐT số 1. Ảnh: Tân Tiến.

Ngoài ra, phát triển ĐSĐT còn tăng cường năng lực cơ sở hạ tầng giao thông TP, thúc đẩy phát triển hệ thống giao thông công cộng, đáp ứng nhu cầu giao thông ngày càng tăng trên địa bàn TP; phát triển đô thị hiện đại, lấy định hướng phát triển giao thông công cộng (mô hình TOD) làm cơ sở quy hoạch đô thị; tạo động lực mới trong phát triển kinh tế xã hội của TP, tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế…

Đề án đưa ra định hướng phát triển ĐSĐT tại TP Hồ Chí Minh là trục “xương sống” của hệ thống hạ tầng giao thông vận tải. Phát triển hệ thống ĐSĐT là tất yếu khách quan, là động lực quan trọng cho chiến lược phát triển kinh tế xã hội nhanh và bền vững của TP trong thời gian tới.

Kiều bào đi thử nghiệm tàu trên tuyến ĐSĐT số 1. Ảnh: Tân Tiến.

Kiều bào đi thử nghiệm tàu trên tuyến ĐSĐT số 1. Ảnh: Tân Tiến.

Đến năm 2045, xây dựng thêm 168,36km để hoàn thiện 7 tuyến ĐSĐT (theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP Hồ Chí Minh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060), nâng tổng chiều dài ĐSĐT lên khoảng 351,08km. Và đến năm 2060, xây dựng hoàn thành các tuyến ĐSĐT còn lại theo quy hoạch được duyệt, nâng tổng chiều dài lên khoảng 510,02km.

Đề án cũng đưa ra kế hoạch phân kỳ đầu tư xây dựng các tuyến ĐSĐT có quy mô tương đương với tổng chiều dài các tuyến ĐSĐT với chiều dài 183km.

Lối vào để đi tàu trên tuyến ĐSĐT số 1. Ảnh: Tân Tiến.

Lối vào để đi tàu trên tuyến ĐSĐT số 1. Ảnh: Tân Tiến.

Về vốn đầu tư xây dựng và vận hành khai thác sơ bộ (chưa bao gồm lãi vay trong quá trình xây dựng), Đề án đưa ra mốc giai đoạn từ nay đến năm 2035 khoảng 837.249 tỷ đồng (tương đương 34,92 tỷ USD), không bao gồm vốn đầu tư tuyến ĐSĐT số 1.

Tân Tiến

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tp-ho-chi-minh-se-co-183km-duong-sat-do-thi-vao-nam-2035.html