TP. Hồ Chí Minh: Tận dụng thế mạnh để phát triển dịch vụ logistics

Với thuận lợi về thương mại và vận tải quốc tế, TP. Hồ Chí Minh cần đầu tư mạnh cho dịch vụ logistics để có thể duy trì và phát huy được thế mạnh là cửa ngõ giao thương, đóng góp lớn hơn cho phát triển kinh tế thành phố và cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Trung tâm giao thương, liên kết vùng

Chia sẻ về việc phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn, ông Nguyễn Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC) cho biết, Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 nêu rõ: phát triển mạnh, đồng bộ hệ thống logistics cấp quốc gia, quốc tế gắn với cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế, các trục hành lang kinh tế trọng điểm và tuyến thương mại liên vùng tại TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh.

Một góc trung tâm TP. Hồ Chí Minh, địa phương được xem là có lợi thế trung tâm để phát triển dịch vụ logistics. Ảnh Đỗ Doãn

Một góc trung tâm TP. Hồ Chí Minh, địa phương được xem là có lợi thế trung tâm để phát triển dịch vụ logistics. Ảnh Đỗ Doãn

Cùng với đó, tập trung xây dựng trung tâm logistics hàng không gắn với cảng hàng không quốc tế Long Thành, đầu tư phát triển hệ thống logistics cảng và cảng trung chuyển quốc tế tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và TP. Hồ Chí Minh; hình thành vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ, logistics dọc hành lang Vành đai 3, Vành đai 4 và các tuyến cao tốc của vùng; Phát triển chuỗi công nghiệp - đô thị Mộc Bài – TP. Hồ Chí Ninh - Cảng Cái Mép - Thị Vải gắn với hành lang kinh tế Xuyên Á; phát triển các tổ hợp quy mô lớn về công nghiệp - dịch vụ - đô thị tại thành phố mới Phú Mỹ, thành phố sân bay cửa ngõ quốc tế Long Thành và khu liên hợp công nghiệp - đô thị - dịch vụ Bình Dương.

TP. Hồ Chí Minh bao gồm phần đất liền có diện tích 2.095 km2 và khu vực biển thuộc huyện Cần Giờ (chiếm 0,6% diện tích Việt Nam). Dân số khoảng 10,2 triệu (ngoài ra còn có khoảng 2 triệu dân cư vãng lai); có vị trí địa lý thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (tổng diện tích 30.404 km2) và tiếp giáp các tỉnh bao gồm: Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Tiền Giang.

Như vậy, trong tầm nhìn và triển vọng phát triển chung của đất nước, TP. Hồ Chí Minh được kỳ vọng là một trong những trung tâm kinh tế, du lịch, tài chính - thương mại và dịch vụ logistics của khu vực Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương, do TP. Hồ Chí Minh đang có khá nhiều tiềm năng để phát triển.

‘‘Riêng về logistics, TP. Hồ Chí Minh có thuận lợi trong khu vực về thương mại và vận tải quốc tế khi tiến hành hội nhập kinh tế quốc tế liên tục được mở rộng nên cần tập trung và phát huy thế mạnh, đưa thành ngành dịch vụ mũi nhọn, giúp nâng cao vai trò đầu mối giao lưu hàng hóa trong nước và kết nối với thị trường quốc tế’’ – ông Tuấn nói.

Kỳ vọng từ 8 trung tâm dịch vụ logistics mới

Hiện tại, TP. Hồ Chí Minh đã định hướng phát triển logistics trở thành ngành dịch vụ mũi nhọn với các mục tiêu cơ bản gồm: Tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ logistics đạt 15% vào năm 2025 và đạt 20% vào năm 2030. Tỷ trọng đóng góp vào GRDP đến năm 2025 đạt 10% và đến năm 2030 đạt 12%; góp phần kéo giảm chi phí logistics cả nước so với GDP quốc gia đến năm 2025 còn khoảng 10 - 15%. Tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 60% năm 2025, 70% năm 2030.

Đồng thời, thành phố hướng đến hình thành đội ngũ doanh nghiệp logistics nòng cốt, có khả năng dẫn dắt thị trường khu vực phía Nam và cả nước; hình thành hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn để làm nơi trung chuyển, kết nối các luồng hàng lưu thông trong nước và xuất nhập khẩu.

Logistics sẽ là ngành dịch vụ mũi nhọn của TP. Hồ Chí Minh trong tương lai. Ảnh Đỗ Doãn

Logistics sẽ là ngành dịch vụ mũi nhọn của TP. Hồ Chí Minh trong tương lai. Ảnh Đỗ Doãn

Để thực hiện các mục tiêu trên, TP. Hồ Chí Minh sẽ xây dựng 8 trung tâm logistics, với tổng diện tích hơn 750 ha, gồm: Cát Lái – Phú Hữu – TP. Thủ Đức (diện tích 292 ha), Long Bình – TP. Thủ Đức (diện tích 54 ha), Linh Trung – TP. Thủ Đức (diện tích 74 ha), Củ Chi - huyện Củ Chi (diện tích 15 ha), Tân Kiên - huyện Bình Chánh (diện tích 60 ha), Hiệp Phước - huyện Nhà Bè (diện tích 100 ha), xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn (diện tích 150 ha). Ngoài ra, các dự án có chức năng “tương tự trung tâm logistics” như kho lạnh ở Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, kho thương mại điện tử ở Củ Chi… đang được các doanh nghiệp triển khai xây dựng;

TP. Hồ Chí Minh cũng nghiên cứu thành lập trung tâm xúc tiến cung cấp giải pháp công nghệ logistics để kết nối doanh nghiệp logistics với các đơn vị cung cấp giải pháp công nghệ logistics hiện đại; xây dựng, triển khai kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực ngành logistics cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; thường xuyên tổ chức hội nghị kết nối giữa nhà cung cấp dịch vụ logistics và nhà sử dụng dịch vụ logistics trên địa bàn, hoặc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam… với kỳ vọng đưa logistics trở thành ngành dịch vụ mũi nhọn khởi nguồn từ các trung tâm dịch vụ logistics trên.

Đời sống người dân trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh ngày càng cao, thu nhập càng tăng nên nhu cầu mua bán, nhu cầu tiêu dùng cũng sẽ tăng, từ đó kéo theo lĩnh vực logistics nội địa phát triển. Bên cạnh đó, sự cạnh tranh ngày càng quyết liệt của phân khúc logistics ở khu vực thành thị, các thành phố lớn sẽ bắt buộc các doanh nghiệp phải mở rộng mạng lưới hoạt động kinh doanh của mình ra các thị trường khác; sự phát triển của thương mại điện tử và xu hướng dùng điện thoại thông minh ngày càng nhiều, đặc biệt ở các thành phố trực thuộc trung ương sẽ kích thích mua bán, tiêu dùng ở khu vực này và kéo theo hoạt động logistics phát triển.

Đỗ Doãn

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/tp-ho-chi-minh-tan-dung-the-manh-de-phat-trien-dich-vu-logistics-131865.html