TPHCM tiếp tục hợp tác với 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long

Việc thỏa thuận hợp tác giữa TP.HCM và 13 tỉnh Đồng bằng sông sẽ góp phần đánh thức tiềm năng TP.HCM và Đồng bằng sông Cửu Long.

Ngày 29/11, tại TP Cần Thơ, UBND TP.HCM phối hợp với UBND 13 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức hội nghị sơ kết thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP.HCM với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2023 - 2024 và triển khai kế hoạch năm 2024 - 2025.

Hợp tác 6 lĩnh vực trọng tâm

Theo đó, TP.HCM với 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long đã ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội trên 6 lĩnh vực trọng tâm, gồm: Phát triển hạ tầng giao thông; phát triển du lịch; kết nối cung - cầu, xúc tiến đầu tư, thương mại; hợp tác thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số; phát triển giáo dục, y tế, đào tạo nguồn nhân lực.

Song song đó, TP.HCM với 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long còn hợp tác song phương trong một số lĩnh vực.

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết thời gian tới cần đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực giao thông vận tải

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết thời gian tới cần đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực giao thông vận tải

Về kết nối cung – cầu, xúc tiến đầu tư – thương mại, 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long tham dự Hội nghị Kết nối cung - cầu năm 2023 gồm 184 doanh nghiệp đăng ký 328 gian hàng với các sản phẩm đặc trưng của địa phương; Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) đã tổ chức các sự kiện hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ quảng bá, giới thiệu, tìm kiếm đầu ra cho các sản phẩm làng nghề, sản phẩm đặc sản của các địa phương đến người dân TP.HCM và khách du lịch…

Về phát triển hạ tầng giao thông, TP.HCM đã cùng các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức Tọa đàm về các chuyên đề kết nối giao thông liên vùng. Nghiên cứu luồng tuyến nâng cao năng lực và hiệu quả khai thác tuyến giao thông đường thủy kết nối TP.HCM và tỉnh Bến Tre và đề xuất dự án nâng cao năng lực và hiệu quả khai thác tuyến giao thông đường thủy kết nối TP.HCM và tỉnh Cà Mau. Qua đó, từ TP.HCM đi Bến Tre và Cà Mau đều đi theo tuyến chính: Rạch Ông Lớn - kênh Cây Khô - sông Cần Giuộc - qua Kênh Chợ Gạo. Đoạn đi qua TP.HCM của các luồng tuyến này đều đang hoạt động liên tục và ổn định.

Triển khai vận tải hành khách theo tuyến cố định bằng đường thủy từ huyện Cần Giờ - TP.HCM đi thị trấn Vàm Láng, huyện Gò Công Đông - tỉnh Tiền Giang và ngược lại.

Lãnh đạo TP.HCM và các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long thăm gian hàng các sản phẩm

Lãnh đạo TP.HCM và các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long thăm gian hàng các sản phẩm

Về phát triển du lịch, lượng khách du lịch nội địa vẫn chiếm ưu thế từ TP.HCM và các tỉnh, thành khác sử dụng các chương trình du lịch liên kết TP.HCM và Đồng bằng sông Cửu Long để trải nghiệm văn hóa, sinh thái, sông nước miệt vườn và thưởng thức ẩm thực Nam Bộ. Các doanh nghiệp du lịch - lữ hành tại TP.HCM đã đưa hơn 5,7 triệu lượt khách du lịch về khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Ngoài ra còn đạt được các kết quả trong hợp tác thích ứng với biến đổi khí hậu, khoa học công nghệ, chuyển đổi số, lĩnh vực y tế, đào tạo nguồn nhân lực...

Phát triển kinh tế biển gắn với biến đổi khí hậu

Tại Hội nghị, TP.HCM và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cũng đã đề ra kế hoạch hợp tác trong giai đoạn 2024 – 2025. Mục tiêu là việc hợp tác phải có hiệu quả thực chất, phát huy tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương và đóng góp vào sự phát triển của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết bên cạnh các lĩnh vực như công thương, du lịch, nông nghiệp, y tế đang được triển khai hiệu quả, thời gian tới cần đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực giao thông vận tải. Tập trung phối hợp Bộ Giao thông vận tải đề xuất Chính phủ dành nguồn lực tương xứng để đầu tư các tuyến đường vành đai, cao tốc, đường sắt, cảng biển, mở rộng đường quốc lộ, các dự án giao thông trọng điểm kết nối với các vùng… nhằm mở hướng thuận lợi cho liên kết công nghiệp, thương mại, xuất nhập khẩu và thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho sự phát triển của các địa phương trong vùng.

Cụ thể, nâng cấp mở rộng cao tốc TP.HCM - Trung Lương; dự án đường sắt TP.HCM - Cần Thơ, tuyến đường ven biển kết nối TP.HCM – ĐBSCL, phối hợp với các tỉnh về dự án Vành đai 4 TP.HCM…

Đồng thời, phối hợp các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long trong việc nghiên cứu khai thác các tuyến vận tải đường thủy nhằm mở ra cơ hội phát triển du lịch mạnh mẽ hơn nữa, nhất là du lịch sinh thái.

Song song đó, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hợp tác, hỗ trợ chuyên môn, kỹ thuật từ các bệnh viện bộ, ngành đóng tại TP.HCM và các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa của TP.HCM được Bộ Y tế giao nhiệm vụ là bệnh viện tuyến cuối cho các tỉnh vùng ĐBSCL mang một ý nghĩa rất quan trọng và thiết thực.

Đẩy mạnh hợp tác trong công tác phòng, chống lụt bão, cứu hộ, cứu nạn, ứng phó với thiên tai.

Phối hợp, đề xuất các dự án bảo vệ và phát triển các khu bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và các vùng đất ngập nước quan trọng; hình thành hành lang đa dạng sinh học kết nối Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau - Thạnh Phú - Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ; hình thành trung tâm nghiên cứu đa dạng sinh học tại Phú Quốc.

Hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm với các tỉnh liên quan đến nội dung về phát triển kinh tế biển gắn với biến đổi khí hậu.

Yến Linh

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/tphcm-tiep-tuc-hop-tac-voi-13-tinh-dong-bang-song-cuu-long-314860.html