Trà Cú nỗ lực phát triển trong giai đoạn mới

Trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức đan xen, nhiệm kỳ 2020 - 2025, huyện Trà Cú đã tập trung thực hiện 04 nhiệm vụ trọng tâm, 02 nhiệm vụ đột phá và các Chương trình mục tiêu quốc gia đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện, nhiều lĩnh vực đạt thành tựu, dấu ấn nổi bật. Từ đó, tạo tiền đề để Trà Cú phát triển trong giai đoạn mới.

Xã Đại An, 01 trong 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao sớm nhất của huyện Trà Cú.

Xã Đại An, 01 trong 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao sớm nhất của huyện Trà Cú.

Trong đó, huyện Trà Cú đẩy mạnh chỉ đạo phát triển sản xuất, tập trung chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo hướng tăng giá trị và phát triển bền vững, phù hợp với lợi thế của từng tiểu vùng. Quan tâm bố trí lại cây trồng, vật nuôi theo quy hoạch và chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nội ngành nông nghiệp, chuyển đổi 2.139ha đất sản xuất kém hiệu quả sang hình thức sản xuất hiệu quả. Công nhận mới 37 sản phẩm OCOP, nâng đến nay Trà Cú có 40 sản phẩm OCOP (36 sản phẩm đạt 3 sao, 04 sản phẩm đạt 4 sao).

Bên cạnh, duy trì và nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, gồm: xây dựng 263 điểm mô hình trồng rau trong nhà lưới kết hợp tưới tiết kiệm, 12 điểm mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ, xây dựng và phát triển vùng lúa chất lượng cao trên địa bàn các xã Phước Hưng, Tập Sơn, Tân Sơn, Tân Hiệp, Long Hiệp, Ngọc Biên, Thanh Sơn; sản xuất lúa, ớt chỉ thiên, cây nưa theo quy trình VietGAP, nuôi heo sinh học khép kín, nuôi tôm thâm canh trong ao lót bạt, nuôi gà bằng đệm lót sinh học, nuôi lươn không bùn... góp phần thúc đẩy giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp lên 05%/năm.

Trong sản xuất, ngành chuyên môn định hướng người dân đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, nhằm giảm chi phí đầu vào, nâng cao năng suất, chất lượng hàng hóa, sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp, chọn cây, con giống có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với từng tiểu vùng để đưa vào sản xuất.

Trong thực hiện các nhiệm vụ đột phá, huyện xác định tập trung phát triển vùng nuôi thủy sản theo hướng hàng hóa tập trung, quy mô lớn và đảm bảo môi trường, tổ chức rà soát, đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch nuôi thủy sản và quy hoạch lại vùng nuôi thủy sản tập trung trên địa bàn huyện, phát triển thủy sản theo quy mô trang trại, gia trại, chuyên canh, xen canh và phát triển các loại giống nuôi có giá trị kinh tế cao như: cá lóc, cá thác lác, tôm thẻ chân trắng, cua biển, tôm càng xanh… Tổng sản lượng bình quân 80.170 tấn/năm (khai thác 23.552 tấn, nuôi thủy sản 56.618 tấn), đạt 113,52% nghị quyết, phục vụ cho tiêu dùng, xuất khẩu. Huyện chú trọng đầu tư hạ tầng điện, thủy lợi phục vụ nuôi thủy sản và hình thành vùng nuôi thủy sản tập trung trên địa bàn các xã ven Sông Hậu.

Nhờ những định hướng đúng đắn và sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, nhiệm kỳ 2020 - 2025, kinh tế Trà Cú tiếp tục tăng trưởng khởi sắc, tổng giá trị sản xuất thực hiện đạt 71.954,88 tỷ đồng, tăng bình quân 13,22%/năm. Huy động vốn đầu tư toàn xã hội 20.931 tỷ đồng (tăng 4.836 tỷ đồng), đạt 116,28% nghị quyết. Thu nhập bình quân đầu người đạt 72,6 triệu đồng/năm (tăng 27,17 triệu đồng), đạt 111,69% nghị quyết.

Đặc biệt, huyện tập trung thực hiện đồng bộ, quyết liệt Chương trình mục tiêu quốc gia XDTNM với sự tham gia của cả hệ thống chính trị và Nhân dân. Nâng chất và xây dựng 15/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 06 xã nông thôn mới nâng cao và huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023.

Theo đồng chí Kim Sang, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Trà Cú: dù còn nhiều khó khăn so với các địa phương khác, song Đảng bộ, quân, dân trong huyện đã nỗ lực phấn đấu và đạt được nhiều kết quả quan trọng trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 trên tất cả các lĩnh vực, hầu hết các chỉ tiêu nghị quyết đều đạt và vượt. Nhiều chương trình, dự án từ các Chương trình mục tiêu quốc gia được triển khai đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Kinh tế tiếp tục tăng trưởng, các nguồn lực đầu tư phát triển được huy động và triển khai thực hiện hiệu quả, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư, các chương trình mục tiêu quốc gia được triển khai đạt nhiều kết quả tích cực, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân được nâng lên, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững ổn định. Bên cạnh, hệ thống chính trị được củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động.

Định hướng thời gian tới, các địa phương trong huyện Trà Cú tiếp tục chuyển đổi cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất. Phát triển vùng lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp, hình thành 500ha vùng sản xuất thủy sản tập trung và xây dựng vùng trồng cây dừa thương phẩm đạt chất lượng xuất khẩu, góp phần phát triển kinh tế ngành nông nghiệp.

Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, ứng dụng mạnh mẽ chuyển đổi số trong cải cách hành chính và phát triển kinh tế - xã hội; đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động, góp phần phát triển kinh tế bền vững. Kết hợp linh hoạt các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình lồng ghép để nâng chất các tiêu chí nông thôn mới.

Đồng thời, huyện tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực, chú trọng số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính, phát triển thương mại điện tử, chuyển đổi số trong doanh nghiệp... thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng quê hương Trà Cú ngày càng phát triển vững mạnh, văn minh, hạnh phúc.

Bài, ảnh: NGỌC XOÀN

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/xay-dung-nong-thon-moi/tra-cu-no-luc-phat-trien-trong-giai-doan-moi-45950.html